Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 05 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC SINH HOẠT HÈ CHO HỌC SINH NĂM 1991
Hoạt động hè năm nay sẽ diễn ra trong thời điểm tiến hành Đại hội Đảng các cấp và hoạt động kỷ niệm lần thứ 50 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động hè cho học sinh cần có sự góp sức tham gia của nhiều ngành nhiều cấp, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Sự phối hợp chặt chẻ giữa các ngành là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cho hoạt động hè. Do vậy, Uỷ ban nhân dân thành phố phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ngành và chỉ đạo việc tổ chức hoạt động hè năm 1991 như sau:
I. XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG:
Đối tượng tham gia các hoạt động hè là các cháu thiếu nhi và học sinh (phổ thông, phổ cập và lớp học tình thương).
II. XÁC ĐỊNH NỘI DUNG VÀ LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG
Hè là dịp các cháu nghỉ ngơi sau 9 tháng tập trung học tập. Do đó, các hoạt động hè cần tổ chức sao cho nhẹ nhàng, vui tươi bổ ích theo phương châm vừa vui chơi, vừa lao động giúp gia đình, vừa có học ôn, học theo năng khiếu và bảo đảm an toàn, để vào năm học mới các cháu học hành đạt kết quả tốt hơn.
1/ Hoạt động vui chơi giải trí:
Gồm các loại hình thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ, mang tính quần chúng rộng rãi như: đá banh, đá cầu, bóng ném, cầu lông, điền kinh, bóng bàn, thể dục buổi sáng, đẩy mạnh phong trào hội khoẻ Phù Đổng ở các cấp, văn nghệ liên tổ, văn nghệ khu phố, ấp, xem phim, xem kịch, tham quan, cắm trại, tham gia các cuộc thi tìm hiểu truyền thống Đội, tìm hiểu về Bác Hồ, về địa phương, sinh hoạt đội nhóm chuyên v.v…
2/ Hoạt động lao động:
Lao động giúp đỡ gia đình và lao động công ích xã hội như: làm sạch, đẹp khu phố, “Công tác Trần Quốc Toản”, giúp đỡ gia đình nghèo khó khăn, thăm bộ đội, thương bệnh binh…
3/ Hoạt động học tập:
Tham gia học các lớp năng khiếu, rèn luyện kỹ năng hoạt động Đội, học thêm các môn còn yếu, ôn tập để chuẩn bị vào năm mới…
Các loại hình hoạt động trên hướng theo chủ đề: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
III. PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG
Các ngành, các cấp tuỳ theo chức năng của mình cần tập trung mở rộng nhiều loại hình hoạt động để các cháu chọn lựa rồi tự nguyện tham gia. Đây là tự nguyện có định hướng, tuyệt đối tránh các hình thức bắt buộc. Cố gắng tổ chức sinh hoạt hè thiết thực cho các cháu, nhất là thu hút con em gia đình CNVC, gia đình lao động nghèo, các cháu có nhiều thời gian rỗi…
Tuỳ điều kiện từng nơi mà tổ chức loại hình phù hợp với nhu cầu, sở thích và thời gian của các cháu. Ban chỉ đạo hè ở phường, xã có thể làm phiếu điều tra nhu cầu hoạt động cho phụ huynh và các em đăng ký.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO:
- Ban chỉ đạo sinh hoạt hè: Để đảm bảo thực hiện kết quả các yêu cầu trên đây, Ban chỉ đạo sinh hoạt hè từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã đều do đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách văn xã làm Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em Phó ban trực, Chủ tịch Hội đồng Đội, Phó ban chuyên trách hoạt động thiếu nhi trong hè, các ngành: Giáo dục, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, y tế, chữ thập đỏ, và mời Hội liên hiệp phụ nữ, liên đoàn lao động có thời gian tham gia Ban chỉ đạo sinh hoạt hè các cấp. Ở khu phố, ấp thì nên lập tổ chuyên lo tổ chức hè sao cho thiết thực và có hiệu quả.
- Các Ban chỉ đạo sinh hoạt hè có chế độ giao ban hàng tuần (phường, xã), 2 tuần (quận, huyện). Hàng tháng Ban chỉ đạo sinh hoạt hè thành phố có giao ban với các ngành liên quan. Nữa tháng Ban chỉ đạo sinh hoạt hè thành phố và quận, huyện có thông tin để giới thiệu những cách làm hay, kịp thời tháo gỡ khó khăn và điều chỉnh chỉ đạo cho phù hợp.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:
1/ Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em: là Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo sinh hoạt hè các cấp, cử cán bộ làm chuyên trách hè - Vận động, phối hợp và kiểm tra các ngành trong việc lo hè cho các cháu.
2/ Để nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh:
Cử cán bộ làm phụ trách hè. Tập huấn và bồi dưỡng cho các bộ phụ trách, hướng dẫn các nội dung hoạt động. Các Nhà Thiếu nhi, Trung tâm thanh thiếu niên mở rộng nhiều loại hình cho thanh thiếu niên tham gia.
3/ Ngành giáo dục: Tổ chức các lớp dạy thêm, phụ đạo cho học sinh yếu, mở cửa thư viện, câu lạc bộ thể dục thể thao các trường cho các em vào sinh hoạt.
4/ Ngành thể dục thể thao: Tổ chức theo ngành dọc các cuộc thi đấu thể thao quần chúng cho các em tham gia tổ chức vui chơi trên các sân bãi cho các cháu vào tập luyện, đẩy mạnh tổ chức hội khoẻ “Phù Đổng” thành phong trào rầm rộ có hiệu quả ở các cấp.
5/ Ngành văn hoá thông tin: Tổ chức vui chơi bằng nhiều hình thức văn hoá văn nghệ như múa rối, chiếu phim, ca hát, thi kể chuyện, thi văn nghệ… tổ chức các buổi chiếu phim miễn phí dành riêng cho trẻ em, có kế hoạch phục vụ 6 huyện ngoại thành, chú ý các xã đông trẻ em tập trung ở vùng xa, hẻo lánh.
6/ Sở Giao thông công chánh: Các công viên và những nơi tổ chức vui chơi giải trí miễn phí vé vào cửa trong thời gian sinh hoạt hè cho các cháu đi tập thể vào chơi, tham quan, cắm trại có giấy giới thiệu của Ban chỉ đạo sinh hoạt hè thành phố, quận, huyện.
7/ Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ: Động viên các gia đình cho các cháu tham gia sinh hoạt hè, hoặc tổ chức cho con em theo học các lớp học thêm, lớp năng khiếu, ôn tập, tham quan cắm trại và góp thêm kinh phí cho hoạt động hè.
Khuyến khích các gia đình có điều kiện tự tổ chức sinh hoạt hè cho con em mình. Đối với các gia đình nghèo, Hội tổ chức vận động giúp đỡ tạo điều kiện cho các em được tham gia sinh hoạt hè.
8/ Đề nghị Liên đoàn Lao động: Tổ chức nghỉ hè cho thầy cô giáo sớm trước 1/6, tổ chức trại hè cho các cháu học sinh giỏi như trại hè 1990. Chỉ đạo Liên đoàn lao động quận, huyện chăm lo hè cho con em cán bộ công nhân viên.
9/ Hội chữ thập đỏ và ngành y tế: Tổ chức khám bệnh cấp thuốc cho các cháu ở vùng xa và vùng tập trung dân lao động nghèo.
Phổ biến kiến thức phòng và trị bệnh thông thường vào mùa hè, mùa mưa, hướng dẫn thực hành sơ cấp cứu khi bị tai nạn.
10/ Uỷ ban nhân dân thành phố đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện, nhân dân có lòng hảo tâm ủng hộ kinh phí và tạo cơ sở vật chất cho trẻ em sinh hoạt hè. Các hội phụ lão, câu lạc bộ ông cháu, câu lạc bộ ông bà và trẻ thơ, mở rộng nhiều hình thức hoạt động chăm sóc giáo dục các cháu trong đợt hè.
VI. VỀ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG HÈ:
Sở Tài chánh có văn bản hướng dẫn cho Phòng Tài Chánh quận, huyện cấp kinh phí hoạt động hè theo mức 50đ/1 cháu học sinh/tháng (theo tổng số học sinh).
Các ngành thành phố có nhiệm vụ phục vụ sinh hoạt hè cho các học sinh có dự trù kinh phí riêng, Sở Tài chánh cấp chung kinh phí hoạt động của ngành năm 1991.
VII. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:
- Tháng 5/1991 các ngành được phân công nêu trên hoàn thành phổ biến các kế hoạch công tác hè của ngành đến quận, huyện, phường, xã.
- Tháng 5/1991 chuẩn bị cán bộ phụ trách ở cơ sở, tổ chức tập huấn cho các lĩnh vực, triển khai các điều kiện hoạt động, chuẩn bị khâu kinh phí.
- 1/6/1991 đồng loạt mở đầu hoạt động sinh hoạt hè để các cháu vui tết Quốc tế Thiếu nhi, mừng kết thúc thắng lợi năm học “làm theo lới Bác” và kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đội với “Ngày hội của tuổi thơ”.
- Tháng 7/1991 sơ kết giữa đợt việc chỉ đạo hoạt động hè.
- Tháng 8/1991 kiểm tra kết quả các quận, huyện và hoàn thành nội dung tổng kết hè 1991. Chuẩn bị cho các em vào năm học mới.
- Cuối tháng 8/1991 tổng kết sinh hoạt hè.
Nhận được chỉ thị này, Uỷ ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan chuẩn bị ngay kế hoạch phục vụ sinh hoạt hè ở địa phương đơn vị mình
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 14/CT-UB về việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh năm 1991 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 14/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/05/1991
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trang Văn Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra