Hệ thống pháp luật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 14-CT/TW

Hà Nội, ngày 7 tháng 9 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ TỔ CHỨC, PHÁT HUY TÁC DỤNG TÍCH CỰC CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM

Từ ngày thành lập đến nay, được sự chăm sóc của Hồ Chủ tịch và sự lãnh đạo của Đảng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phục vụ chiến đấu và thực hiện một số chính sách xã hội. Từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ở nhiều địa phương, nhất là ở phía nam, Hội đã có nhiều cơ sở hoạt động tốt, có tác dụng thiết thực. Hội cũng đã góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, tranh thủ được viện trợ nhân đạo trong việc khắc phục những hậu quả chiến tranh và thiên tai.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, Hội cần phát huy những ưu điểm và khắc phục những mặt còn yếu kém, còn hình thức, thực hiện cho được sự chỉ đạo thống nhất trong phạm vi cả nước, làm tốt việc phối hợp giữa Hội với các ngành và đoàn thể có liên quan.

Ban Bí thư chỉ thị một số vấn đề để định hướng cho công tác của Hội trong những năm tới và để chuẩn bị triệu tập Đại hội toàn quốc lần thứ V của Hội; các cấp bộ đảng cần nắm vững để chỉ đạo thực hiện chu đáo.

A- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Lưỡi liềm đỏ quốc tế, là một tổ chức xã hội của quần chúng làm công tác nhân đạo xã hội chủ nghĩa.

Những nhiệm vụ chủ yếu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là :

1- Góp sức thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể là : tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những kiến thức y học thường thức trong hội viên và nhân dân; vận động nhân dân, trước hết là các hội viên, tham gia tích cực phong trào vệ sinh làm sạch môi trường, phòng bệnh, phòng và chống dịch, các bệnh xã hội; săn sóc người bệnh tại nhà; thực hiện kế hoạch hoá gia đình; thực hiện nuôi trồng và sử dụng thuốc nam ở cơ sở; hiến máu cứu người. Tổ chức sơ cứu, cấp cứu ban đầu kịp thời tại chỗ khi xảy ra tai nạn.

2- Góp phần thực hiện chính sách xã hội. Cụ thể là : vận động các hội viên phát huy tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, tích cực tham gia chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người về hưu hoặc nghỉ mất sức lao động, những trẻ mồ côi, những người già cô đơn, những người tàn tật gặp khó khăn trong cuộc sống, đoàn kết thương yêu, giúp đỡ nhau khi có thiên tai, địch hoạ, tìm kiếm tin tức thân nhân và gia đình bị mất liên lạc.

3- Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các nước, chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tích cực đấu tranh bảo vệ hoà bình thế giới vì sự tiến bộ của phong trào Chữ thập đỏ quốc tế, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, đồng thời tranh thủ viện trợ nhân đạo của thế giới.

Thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ trên đây của Hội để góp phần giáo dục hội viên tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tình thương yêu giai cấp, lòng nhân đạo xã hội chủ nghĩa, ý thức cảnh giác cách mạng, góp phần vào việc xây dựng con người mới và nếp sống mới xã hội chủ nghĩa.

B- Cần củng cố và phát triển tổ chức của Hội.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tổ chức theo hệ thống 4 cấp : trung ương, tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, chi hội cơ sở.

Hội cần hết sức coi trọng xây dựng tổ chức và tăng cường hoạt động của các chi hội cơ sở, bảo đảm thực hiện có hiệu quả những công tác thiết thực của Hội, tránh hình thức. Mỗi địa phương cần có kế hoạch để phát triển chi hội cơ sở, từng bước tiến tới cứ 5 đến 3 gia đình, nơi phong trào khá, thì mỗi gia đình có một hội viên hoạt động cho Hội. Cần tổ chức tổng kết và có kế hoạch để mở rộng các điển hình tiên tiến thuộc các loại cơ sở của Hội.

Ban chấp hành các cấp Hội gồm đại biểu các ngành và các đoàn thể quần chúng có liên quan, là những người có nhiệt tình, được quần chúng tín nhiệm và có điều kiện hoạt động cho Hội.

Ở trung ương, Đại hội lần thứ V của Hội sẽ bầu lại Ban Chấp hành Trung ương Hội đủ sức chỉ đạo thống nhất Hội trong phạm vi cả nước.

Ban chấp hành Hội của tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, xã, phường phải có cán bộ chuyên trách, nửa chuyên trách do Trung ương Hội và uỷ ban nhân dân địa phương quy định tuỳ theo nhu cầu công tác và khả năng ngân sách của địa phương và quỹ Hội. Ngành y tế ở mỗi cấp phân công một số cán bộ có năng lực và được tín nhiệm tham gia Ban chấp hành để làm công tác Hội.

C- Cần tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với các ngành và đoàn thể khác, nhất là với ngành y tế và ngành thương binh - xã hội để làm tốt việc chăm lo sức khoẻ, thực hiện các chính sách xã hội, phục vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các ngành giáo dục để phát triển thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trong trường học. Ngành y tế và ngành thương binh - xã hội các cấp phải dựa vào Hội, phối hợp và tạo điều kiện cho Hội hoạt động.

D- Hội Chữ thập đỏ ở cấp nào đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng cấp đó. Ban Khoa giáo, Ban Tuyên giáo các cấp có trách nhiệm giúp đỡ các cấp uỷ đảng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ban Dân vận có trách nhiệm phối hợp với Ban Khoa giáo, Ban Tuyên giáo giúp đỡ các cấp Hội.

Về mặt đối ngoại, Hội chịu sự hướng dẫn của Ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao.

Hội có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như các tổ chức thành viên khác.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Đỗ Mười

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14-CT/TW năm 1987 củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do Ban Bí thư ban hành

  • Số hiệu: 14-CT/TW
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/09/1987
  • Nơi ban hành: Ban Bí thư
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản