BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ: 14-CT | Hà nội, ngày 01 tháng 03 năm 1993 |
CHỈ THỊ
VỀ NGĂN CHẶN VÀ CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM
Ở nước ta, hiện nay tệ nạn mại dâm đang phát triển gây hậu quả xấu đến đời sống văn hoá xã hội, trật tự trị an trong nhân dân, làm vẩn đục truyền thống đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tệ nạn đó còn phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình và nghiêm trọng hơn là tạo điều kiện tốt cho dịch bệnh Siđa phát triển.
Tệ mại dâm có nguy cơ ngày càng gia tăng ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các đô thị, các khu công nghiệp, nơi tập trung dân cư, khách sạn, nhà hàng, công viên, bến cảng...
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức và lối sống lành mạnh trong nhân dân chưa được đề cao, chưa làm cho mọi người, mọi ngành, mọi giới nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng và trách nhiệm của việc chống nạn mại dâm, công tác quản lý Nhà nước về mặt xã hội còn buông lỏng, xử phạt không nghiêm tạo cơ hội cho những kẻ có lối sống buông thả, ăn chơi sa đoạ và bọn mua dâm, bán dâm lợi dụng.
Thực hiện Nghị quyết số 5-CP ngày 29/1/1992 của Chính phủ về "ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm" nhằm làm lành mạnh đời sống xã hội, Bộ Văn hoá - Thông tin yêu cầu các ngành, các cấp văn hoá - thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng, các ngành, địa phương và các tổ chức xã hội, thực hiện các nhiệm vụ sau:
I. ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC NGÀNH VĂN HOÁ THÔNG TIN
- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết số 5-CP của Chính phủ "về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm". Nhận rõ trách nhiệm của ngành như trong nghị quyết đã nêu: "Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp nghiên cứu đưa vào giáo dục trong nhà trường và toàn xã hội các kiến thức cần thiết về tác hại của nạn mại dâm, tuyên truyền, vận động lối sống lành mạnh có văn hoá, động viên các tầng lớp nhân dân đấu tranh ngăn chặn và xoá bỏ tệ nạn này". Từ đó đề ra những biện pháp thích hợp và hiệu quả trong các hoạt động văn hoá - thông tin nhằm góp phần xoá bỏ tệ nạn mại dâm.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động văn hoá - thông tin bằng việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy chế thích hợp và chặt chẽ để chống các hiện tượng làm ô nhiễm môi trường văn hoá. Phối hợp với các cơ quan Hải quan kiên quyết ngăn chặn việc nhập các băng hình, băng nhạc Karaoke, sách, báo, tranh ảnh, văn hoá phẩm có nội dung đồi truỵ, kích động dâm ô.
- Kết hợp với cơ quan công an và các ngành hữu quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động xuất bản, báo chí, chiếu phim, karaoke, video biểu diễn nghệ thuật, buôn bán, phổ biến tranh ảnh. Bất kỳ cấp, ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân nào vi phạm quy chế, pháp luật kiên quyết xử lý nghiêm minh.
- Phối hợp với các cơ quan giáo dục và đào tạo, các trường học, đưa vào nhà trường và toàn xã hội kiến thức cần thiết về tác hại của tệ nạn mại dâm; khơi dậy trong mọi người tình cảm và đạo đức trong sáng, truyền thống văn hoá và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, nhằm xây dựng nếp sống lành mạnh trong nhân dân.
- Các đơn vị nghệ thuật, triển lãm, chiếu bóng, các nhà văn hoá, các đội thông tin lưu động, các cơ quan xuất bản cần tạo ra những hình thức hoạt động với nội dung phê phán lối sống dâm ô, truỵ lạc, lên án những hành vi xấu xa của các chủ chứa, bọn cò mồi và dẫn giá mại dâm; mở rộng cuộc vận động phong trào xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá. Đồng thời phân tích rõ hậu quả tai hại của nạn mua dâm, bán dâm, gắn với thảm hoạ Siđa, đe doạ đến sự tồn vong của giống nòi để mọi người thấy rõ tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và xoá bỏ tệ nạn mại dâm.
II. ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN THÔNG TIN ĐẠI CHÚNG
- Tất cả các báo chí, các đài phát thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng không được đăng, phát, xuất bản các tin, bài, hình ảnh có nội dung và hình thức kích dục.
- Cần phát động chiến dịch tuyên truyền, giáo dục với chủ đề chống mại dâm.
- Các báo ngày và báo tuần cần có một chuyên mục tuyên truyền giáo dục lối sống lành mạnh và lên án nạn mại dâm, mua dâm với nhiều hình thức như lên án các ổ chứa, các thủ đoạn làm tiền bằng gái điếm, có thể nêu tên và hình ảnh kẻ xấu.
- Các báo: "Tiền phong", "Tuổi trẻ", "Phụ nữ" cần có trang diễn đàn thanh niên, phụ nữ với chủ đề "bài trừ mại dâm".
- Các đài phát thanh, truyền hình cần có chuyên mục văn hoá xã hội để tuyên truyền, giáo dục và vận động mọi tầng lớp nhân dân có lối sống lành mạnh và tham gia bài trừ và xoá bỏ tệ nạn mại dâm.
III. ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH ĐỊA PHƯƠNG, ĐOÀN THỂ, TỔ CHỨC XÃ HỘI.
Các cơ quan, đơn vị, các nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn... thuộc các ngành, địa phương, đoàn thể và tổ chức xã hội, có tổ chức sinh hoạt văn hoá giải trí, hoặc làm dịch vụ văn hoá với các hình thức biểu diễn nghệ thuật, thời trang, chiếu phim, video, karaoke thực hiện đúng các quy chế về hoạt động văn hoá hiện hành. Tuyệt đối không tuyên truyền phổ biến các nội dung xấu, mang tính kích dục. Cần tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ vui tươi lành mạnh phục vụ quần chúng, góp phần cùng xã hội chống tệ nạn mại dâm.
Bài trừ tệ nạn mại dâm là vấn đề rất bức xúc về văn hoá xã hội. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành, địa phương, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị này để sớm xoá bỏ tệ nạn mại dâm.
| Vũ Khắc Liên (Đã ký)
|
Chỉ thị 14-CT năm 1993 về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm do Bộ Văn Hoá thông tin ban hành
- Số hiệu: 14-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/03/1993
- Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
- Người ký: Vũ Khắc Liên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 16/03/1993
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định