Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2015/CT-UBND

Nghệ An, ngày 10 tháng 07 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC NGOÀI CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Thời gian qua, các hoạt động y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển đáng kể, góp phần đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực hoạt động của các cơ sở y, dược ngoài công lập cũng còn một số tồn tại như: Hành nghề không có giấy phép, hành nghề vượt quá phạm vi cho phép; Một số cơ sở khám chữa bệnh còn lạm dụng cận lâm sàng gây tốn tiền của người bệnh, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, cơ sở bán thuốc sắp xếp chưa theo nhóm thuốc, bán thuốc đã hết hạn sử dụng, niêm yết giá thuốc và giá dịch vụ y tế không đầy đủ, biển hiệu chưa đúng quy định, người hành nghề không đúng chức danh, vệ sinh cơ sở không đạt,... Những tồn tại này tạo dư luận trong xã hội, gây tác hại đối với người bệnh, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của nhân dân.

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là: Một số cơ sở và cá nhân hành nghề còn coi trọng lợi nhuận; hiểu biết quy định pháp luật về hành nghề y, dược của một bộ phận chủ cơ sở cũng như người hành nghề còn hạn chế; Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động y tế ngoài công lập chưa thường xuyên; xử lý vi phạm hành chính ở một số địa phương chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe để ngăn chặn sai phạm.

Trước thực tế đó, để thực hiện tốt quản lý nhà nước, đồng thời phát huy những mặt tích cực, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cá nhân có liên quan chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Sở Y tế

a) Tiếp tục tổ chức tập huấn và tuyên truyền phổ biến đầy đủ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Luật Dược năm 2005 và các văn bản quy định về hành nghề y, dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Tổ chức thực hiện việc xét duyệt cấp, cấp lại: Chứng chỉ hành nghề; Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược và các văn bản liên quan. Quán triệt đến toàn bộ cán bộ, viên chức Ngành Y tế về nội dung và việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược ngoài công lập.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm đối với hoạt động hành nghề của các cơ sở y, dược ngoài công lập, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; Đặc biệt chú trọng những cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập không có giấy phép; Tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành cấp tỉnh về hoạt động về hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các cơ sở hành nghề y, dược đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

3. Sở Công thương

Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở Y tế và các ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và vật tư y tế trên địa bàn toàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

Thường xuyên phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương và các ngành, đơn vị có liên quan để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động liên quan đến việc kinh doanh thuốc nhập lậu, thuốc giả,....;Tăng cường đấu tranh phòng, chống các hành vi phạm tội trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập; Hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, kịp thời điều tra, xử lý những hành vi, vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược ngoài công lập.

5. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế và các ngành, đơn vị có liên quan kiểm tra, kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, giá dịch vụ y tế trong các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh khi tuyên truyền, quảng cáo các thông tin về khám bệnh, chữa bệnh và thuốc chữa bệnh phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thông tin quảng cáo; Không đăng tin quảng cáo vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không đúng với nội dung chuyên môn đăng ký quảng cáo của các cơ sở y, dược ngoài công lập

7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An

Tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề cũng như nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực này.

8. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan

Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập; Đồng thời tạo điều kiện để hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

a) Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác quản lý nhà nước về Y dược ngoài công lập, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật hành nghề y, dược trên địa bàn.

b) Chỉ đạo Phòng Y tế và các đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất về hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn quản lý (Quy định tại Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ, quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp huyện thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Trong đó cần tập trung vào các cơ sở mang tính nhạy cảm như: Phòng khám chuyên khoa (Răng hàm mặt; Sản phụ khoa, Mắt,...), các hình thức quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không đúng quy định và đặc biệt những cơ sở hành nghề y - dược không có giấy phép, không đủ điều kiện hành nghề.. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và giải quyết dứt điểm những cơ sở hành nghề không phép, định kỳ báo cáo (qua Sở Y tế để tổng hợp) UBND tỉnh theo quy định.

c) Phối hợp với UBMT Tổ quốc cấp huyện, các hội, tổ chức đoàn thể trên địa bàn chỉ đạo các cơ quan, UBND xã (phường, thị trấn), các tổ chức, đơn vị và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh các hoạt động quảng cáo hành nghề y, dược ngoài công lập, kinh doanh thực phẩm chức năng; Không lưu hành các loại máy chẩn đoán bệnh mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Trên đây là ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý các hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Cục KT văn bản (Bộ Tư pháp),
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Các Sở Y tế; KH&ĐT; Tài chính; Công thương; Thông tin và Truyền thông;
- Công an tỉnh,
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Nghệ An, Đài PTTH tỉnh (tuyên truyền);
- Cổng TTĐT Nghệ An.
- Công báo Nghệ An;
- CV: VX, NC;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Thị Lệ Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/2015/CT-UBND về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 14/2015/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Thị Lệ Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản