Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2010/CT-UBND

Huế, ngày 30 tháng 4 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NGĂN CHẶN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ TỔ CHỨC DIỆT TRỪ CÂY MAI DƯƠNG (MẮT MÈO HOẶC TRINH NỮ NÂU)

Cây Mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra (Mimosaceae), thường gọi là Mắt mèo hoặc Trinh nữ nâu, có nguồn gốc vùng nhiệt đới Châu Mỹ, thuộc loại cây bụi họ đậu, thân nhiều gai cứng, sống được trên cạn lẫn dưới nước. Cây sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng tuổi sẽ ra hoa, kết trái. Cây có khả năng tái sinh, lan rộng cực kỳ lớn theo hàm mũ cơ số 2: 01ha nếu không được kiểm soát, sau 10 năm cây có thể phát triển thành 1.024ha. Cây Mai dương làm cho đất bị nghèo dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong vùng, do chứa chất Mirnosin -loại axit amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây Mai dương khi chết, bị phân huỷ tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, cây Mai dương đang xâm lấn và phát triển mạnh đã gây tác động xấu đến các loài sinh vật bản địa cũng như các hệ sinh thái đặc thù của địa phương. Để ngăn chặn và hạn chế những tác động bất lợi do sự phát triển mạnh của cây Mai dương, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, các cơ quan, đoàn thể xã hội, UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp sau:

1. Các cơ quan thông tấn, báo chí (Báo Thừa Thiên Huế, Đài TRT, Đài HTV...), các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về tác hại của cây Mai dương đối với đa dạng sinh học, sức khoẻ con người và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hình thành ý thức phải diệt trừ cây Mai dương ngay từ khi chúng mới bắt đầu mọc, ngăn ngừa không để cây Mai dương phát triển và lây lan ra diện rộng.

2. UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế:

- Tiến hành điều tra, thống kê diện tích đất và xây dựng kế hoạch ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương cho từng vùng, từng giai đoạn trong thời gian 05 năm (2010 - 2015), để đến 2015 cây Mai dương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản được diệt trừ.

- Huy động mọi lực lượng tiến hành chặt sát gốc cây, đào rễ và phơi khô sau đó đem đốt. Công việc này cần tiến hành tốt nhất khi cây chưa đến kỳ ra hoa kết trái và cần phải thường xuyên, liên tục.

- Khuyến khích chủ sở hữu đất chủ động ngăn chặn và diệt trừ cây Mai dương cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn loại cây này.

3. Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chi Minh xây dựng chương trình phối hợp vớí Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kế hoạch ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương hướng đến mục tiêu vào năm 2015 không còn loại cây này trên địa bàn.

4. Sở Khoa học và Công nghệ bố trí đề tài khoa học, nghiên cứu phương pháp ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương một cách hiệu quả.

5. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và thành phố Huế, hàng năm bố trí kinh phí từ ngân sách trong nguồn sự nghiệp môi trường thực hiện kế hoạch ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp tài liệu hướng dẫn để nhận diện, diệt trừ cây Mai dương cho các các địa phương, các tổ chức xã hội... Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp, chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội quá trình ngăn chặn và tổ chức diệt trừ cây Mai dương;

Các địa phương, các Sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội định kỳ 06 tháng, 01 năm gửi kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện ngăn chặn và diệt trừ cây Mai dương về sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ ngành liên quan.

Thủ Trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có gì vướng mắc, báo cáo về sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xử lý, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: TNMT, NN&PTNT, KH và CN;
- Cục KT văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Tổng cục MTrường, Cục BTĐDSH;
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và thành phố;
- Các sở, ban. ngành, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Đại học Huế, Viện TNMT &CNSH;
- VP: Lãnh đạo, CV NĐ, TH;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thúy Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/2010/CT-UBND ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây Mai dương (Mắt mèo hoặc Trinh nữ nâu) do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 14/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/04/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thị Thúy Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/05/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản