ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2007/CT-UBND | Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT CƯ TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Luật Cư trú được Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 10 thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 trong đó quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký, quản lý cư trú, quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân, hộ gia đình, cơ quan tổ chức trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú.
Để nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đảm bảo Luật Cư trú được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến trong công tác quản lý cư trú trên địa bàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô, UBND Thành phố chỉ thị:
1. Công an Thành phố:
a. Thường trực giúp UBND Thành phố hướng dẫn theo dõi việc thực hiện Luật Cư trú của các ngành, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, kiểm soát được tình hình dân cư.
b. Tổ chức tập huấn quán triệt Luật Cư trú, Nghị định của Chính phủ, Quy định của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Luật Cư trú tới toàn thể cán bộ chiến sĩ làm công tác quản lý cư trú, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo các phòng nghiệp vụ, chỉ huy Công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và cán bộ trực tiếp làm công tác đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, thông báo lưu trú; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền Luật Cư trú trên phương tiện thông tin đại chúng và các tổ dân phố, đội sản xuất.
c. Củng cố đủ số lượng cán bộ làm công tác đăng ký quản lý cư trú ở quận, huyện, phường, xã, thị trấn (Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã) đảm bảo là những cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có văn hóa ứng xử, có ý thức phục vụ nhân dân.
d. Nghiên cứu cải tiến lề lối phương pháp đăng ký quản lý cư trú theo tinh thần cải cách hành chính đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai minh bạch, không gây phiền hà tiêu cực, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý cư trú, phối hợp với các ngành xây dựng Đề án quản lý dân cư của Thành phố.
e. Chỉnh trang lại trụ sở tiếp dân nơi làm thủ tục đăng ký hộ khẩu của Công an các quận, huyện; Chỉ đạo Công an các phường, xã, thị trấn tham mưu giúp UBND các phường, xã, thị trấn củng cố trụ sở khai báo tạm trú, tạm vắng ở các cụm dân cư, trang bị đầy đủ các điều kiện phương tiện làm việc, hồ sơ biểu mẫu, sổ sách phục vụ đăng ký quản lý cư trú.
f. Tổ chức đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú theo quy định hạn chế phát sinh phức tạp về dân cư (đăng ký danh nghĩa, KT2, tranh chấp mâu thuẫn, đảm bảo diện tích tối thiểu).
g. Phối hợp với Sở Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố về hướng dẫn đăng ký quản lý cư trú có liên quan đến Luật Cư trú, để đề xuất bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ.
2. Sở Tư pháp:
a. Phối hợp với Công an Thành phố và cơ quan có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND Thành phố có quy định không phù hợp với Luật Cư trú để đề xuất bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ.
b. Hướng dẫn UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, phòng Công chứng nhà nước, Văn phòng Công chứng tư nhân thực hiện đúng các quy định về việc cấp lại, đính chính các giấy tờ về hộ tịch, công chứng các giấy tờ mua bán, chuyển nhượng nhà đất, xác nhận giấy tờ nhà cho thuê, ở nhờ, cho mượn.
c. Phối hợp với Công an Thành phố xây dựng Đề án quản lý dân cư của Thành phố.
d. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật (do Sở Tư pháp là Thường trực) phối hợp với Công an thành phố, Sở Văn hóa thông tin và cơ quan liên quan có kế hoạch tuyên truyền phổ biến nội dung Luật Cư trú đến tập thể, cá nhân trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân.
3. Sở Lao động - Thương binh Xã hội: Tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý số lao động tỉnh ngoài, số người làm việc theo chế độ hợp đồng trong các cơ quan doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng người ngoại tỉnh, có biện pháp phòng ngừa việc ký hợp đồng lao động để hợp thức việc đăng ký hộ khẩu.
4. Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên môi trường, nhà đất:
a. Thông báo cụ thể kịp thời mốc giới quy hoạch, thời gian phải di dời, giải phóng mặt bằng đến UBND các quận, huyện, Công an các cấp và các ngành có liên quan để phục vụ giải quyết đăng ký hộ khẩu tại các khu vực này.
b. Chỉ đạo các Ban dự án các khu chung cư, khu tái định cư đã có người đến ở, sớm bàn giao cho UBND các quận, huyện để hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị cơ sở giải quyết công việc liên quan đến quản lý cư trú.
5. Sở Văn hóa thông tin: Phối hợp với Công an Thành phố tổ chức tuyên truyền Luật Cư trú trên các phương tiện thông tin đại chúng; hướng dẫn UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền Luật Cư trú đến các tổ dân phố, các cơ quan doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
6. Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố: Phối hợp với Công an Thành phố thống nhất hướng dẫn các đơn vị công an, quân đội tổ chức cho cán bộ sỹ quan, công nhân viên chuyên nghiệp, quốc phòng, chiến sỹ nghĩa vụ đăng ký lưu trú theo quy định của pháp luật.
7. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí hỗ trợ Công an Thành phố trang bị phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ đăng ký lưu trú và chỉnh trang các trụ sở tiếp công dân nơi tiến hành thủ tục đăng ký hộ khẩu; phối hợp với Công an Thành phố đề xuất với HĐND, UBND Thành phố xem xét mức thu, chi lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật.
8. UBND các quận, huyện: Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn triển khai công tác đăng ký quản lý cư trú theo chức năng và thực hiện một số công tác sau:
a. Xác nhận tình trạng nhà (mua bán chuyển nhượng, cho thuê, ở nhờ, mượn) cho công dân, kể cả người tỉnh ngoài để phục vụ đăng ký cư trú (có mẫu xác nhận kèm theo).
b. Chỉnh trang các trụ sở đăng ký tạm trú ở các cụm dân cư, trang bị các phương tiện làm việc sổ sách phục vụ đăng ký cư trú đảm bảo thuận tiện nhất cho công dân.
c. Hướng dẫn, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà cho thuê trọ, thực hiện đăng ký kinh doanh, quy định cam kết về an ninh trật tự, đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội.
d. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về cư trú, huy động các ngành, đoàn thể, tổ dân phố tham gia phối hợp quản lý cư trú, vận động nhân dân tự giác thực hiện và phát hiện thông báo cho công an các trường hợp có khách không thông báo lưu trú, khách có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm pháp, tệ nạn xã hội.
9. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức và công dân sinh sống trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm: tự giác chấp hành các quy định về đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú và thông báo lưu trú; Liên hệ với cơ quan Công an để trao đổi, giải quyết những vấn đề liên quan đến các quy định trong quản lý cư trú; Phát hiện và tố giác người có hành vi vi phạm quy định về quản lý cư trú.
Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, các đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm Chỉ thị này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Chỉ thị 14/2007/CT-UBND thi hành Luật Cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 14/2007/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/06/2007
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/07/2007
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết