Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ:14/2002/CT-UB

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG NĂM 2002

Qua một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 - NQ-TU ngày 13/7/2000 của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XII và Nghị quyết số 09/NQ-HĐ ngày 21/7/2000 của Hội đồng nhân dân Thành phố khoá XII về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố, công tác GPMB đã có những chuyển biến rõ rệt, thu được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên để xây dựng Thủ đô theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng còn kéo dài nhiều năm, công việc gian nan, phức tạp. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khoá XIII đã chỉ rõ : Năm 2002 phải là năm "đồng khởi về giải phóng mặt bằng". Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên trong năm 2002 và những năm tiếp theo, UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND các Quận, Huyện; Giám đốc các Sở, Ngành có liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau :

1/ Để thống nhất đầu mối tổng hợp và chỉ đạo điều hành công tác GPMB trên địa bàn, yêu cầu Chủ tịch UBND các Quận, Huyện chưa có bộ phận chuyên trách về GPMB khẩn trương Quyết định thành lập Bộ phận chuyên trách thực hiện công tác GPMB trên địa bàn; đồng thời phân công 01 đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách chung về công tác GPMB, có quy định trách nhiệm, quyền hạn và quy chế phối hợp giữa Bộ phận chuyên trách và các Phòng, Ban liên quan cũng như các điều kiện vật chất  phục vụ cho hoạt động của Bộ phận này.

2/ Căn cứ số lượng dự án có liên quan đến GPMB chuyển tiếp của năm 2001, kế hoạch bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư của UBND Thành phố và của Quận, huyện và yêu cầu của các chủ đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hoặc nguồn vốn khác, UBND các Quận, huyện tổng hợp kế hoạch tổ chức thực hiện công tác GPMB năm 2002 trên địa bàn báo cáo UBND Thành phố; thường xuyên bổ sung kế hoạch GPMB phù hợp với yêu cầu thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn. Kế hoạch tổ chức thực hiện GPMB cần làm rõ yêu cầu về vốn đầu tư và phương án tái định cư để chủ động giải quyết tháo gỡ hoặc yêu cầu đối với chủ đầu tư và đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết.

3/ Căn cứ quy hoạch các quận, huyện đã được bàn giao và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND các Quận, Huyện rà soát các nội dung và khối lượng công việc về GPMB phải làm trong năm và các năm tiếp theo để xây dựng kế hoạch, chủ động phục vụ cho công tác GPMB theo các nội dung sau :

- Có phương án quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu kinh tế trong từng ngành phù hợp với nhu cầu đô thị hoá và chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác, đảm bảo cuộc sống ổn định cho các hộ dân, đặc biệt là các khu vực bị thu hồi nhiều đất và diễn ra sớm. Căn cứ kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, có kế hoạch tổ chức đào tạo chuyển nghề kịp thời cho bộ phận lao động phải chuyển đổi cơ cấu.

Quy hoạch lại dân cư, lập phương án xây dựng kết cấu hạ tầng như : điện, cấp nước, thoát nước, thuỷ lợi, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình văn hoá... phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và quá trình phát triển đô thị.

- Lập kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu di dân và xây dựng các khu chung cư, chuẩn bị quỹ nhà, đất tái định cư đi trước một bước trong quá trình thực hiện GPMB.

4/ Các chủ đầu tư được giao đất triển khai dự án trên địa bàn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch GPMB bao gồm các giải pháp về vốn và tái định cư theo tiến độ gửi UBND các quận, huyện và Ban chỉ đạo GPMB Thành phố để làm căn cứ phối hợp tổ chức GPMB.

5/ Các Sở, Ngành của Thành phố theo chức năng, tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau :

+ Ban Tổ chức Chính quyền Thành phố phối hợp với Ban chỉ đạo GPMB Thành phố nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tổ chức chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ GPMB trên địa bàn Thành phố, đảm bảo thống nhất đầu mối, đủ mạnh để giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong công tác GPMB.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo việc lập các dự án đầu tư, chủ trì cùng Sở Tài chính Vật giá bố trí đủ vốn cho GPMB các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Thành phố; đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng và bố trí đủ vốn đầu tư xây dựng trước các khu tái định cư phục vụ GPMB, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở những khu vực dân cư bị thu hồi đất.

+ Sở Tài chính Vật giá chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Địa chính Nhà đất, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố xây dựng đơn giá làm cơ sở cho việc bồi thường GPMB; báo cáo UBND Thành phố phương án củng cố Hội đồng thẩm định Thành phố và quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định Thành phố, hướng dẫn sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện GPMB.

+ Sở Địa chính - Nhà đất :

Tổng hợp, rà soát lại quỹ nhà đất trên địa bàn Thành phố để phục vụ công tác di dân GPMB, báo cáo UBND Thành phố kế hoạch chuẩn bị quỹ nhà đất đủ đáp ứng yêu cầu di dân tái định cư phục vụ GPMB đến năm 2010, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về quỹ nhà đất tái định cư.

+ Kiến trúc sư trưởng Thành phố :

Rà soát các vị trí đã giới thiệu địa điểm cho các dự án xây dựng nhà bán nhưng đến nay chưa thực hiện, báo cáo UBND Thành phố thu hồi để xây dựng các khu di dân phục vụ công tác GPMB. Các dự án quy hoạch xây dựng đường giao thông phải triển khai đồng thời với quy hoạch sử dụng đất 2 bên đường, ưu tiên đất hai bên đường để xây dựng công trình công cộng và tái định cư GPMB.

+ Ban chỉ đạo GPMB Thành phố : Chỉ đạo toàn diện công tác GPMB trên địa bàn Thành phố. Tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kế hoạch thực hiện công tác GPMB năm 2002; giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện, chỉ đạo Hội đồng thẩm định Thành phố hoạt động đúng quy chế, thẩm định đúng chính sách và đẩy nhanh tiến độ thẩm định. Chủ trì cùng các ngành đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách, xây dựng và phân bổ quỹ nhà đất tái định cư phục vụ GPMB, đề xuất những  giải pháp chủ động phục vụ GPMB, tái định cư.

+ Các ngành : Cục Thuế, Thanh tra Thành phố, Công an Thành phố, HĐ thi đua khen thưởng Thành phố, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành khác theo chức năng của mình có trách nhiệm phối hợp với các ngành, quận, huyện triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ công tác GPMB của Thành phố.

6/ Đề nghị Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Thành uỷ, các đoàn thể quần chúng thuộc Mặt trận tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên CSHCM, Liên đoàn Lao động Thành phố lập kế hoạch cụ thể về tuyên truyền chính sách và vận động để mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện.

7/ Chế độ thông tin, báo cáo : Hàng tháng, các chủ dự án có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện công tác GPMB với UBND các quận, huyện và Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố; UBND các quận, huyện phối hợp với Thường trực Ban chỉ đạo GPMB Thành phố giao ban với các chủ đầu tư trên địa bàn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Thành uỷ và UBND Thành phố.

Giao Thường trực Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố theo dõi, hưỡng dẫn, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện của các Sở, Ngành, quận, huyện và các chủ đầu tư.

 

 

T/M. ỦY BAN  NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 14/2002/CT-UB về tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng năm 2002 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 14/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/04/2002
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Quý Đôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản