THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÂY DỰNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH THỂ DỤC - THỂ THAO
Trong mấy năm qua, thể dục - thể thao đã có bước phát triển. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng đang được mở rộng. Trình độ một số môn thể thao được nâng cao và đạt thành tính tốt trong thi đấu quốc tế.
Tuy nhiên, trình độ chung của phong trào thể dục - thể thao còn thấp và có nhiều mặt lạc hậu. Quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục thể chất trong trường học còn thấp. Trình độ nhiều môn thể thao còn có khoảng cách xa so với nhiều nước trong khu vực. Tổ chức và cán bộ trong ngành thể dục- thể thao còn yếu. Cơ sở vật chất và khoa học - kỹ thuật thể dục - thể thao nghèo nàn, lạc hậu. Nhiều cấp lãnh đạo ngành và địa phương xem nhẹ công tác thể dục - thể thao.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp thể dục - thể thao nước ta phát triển nhanh, vững chắc và trong một thời gian không xa đuổi kịp trình độ các nước trong khu vực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Thể dục - Thể thao, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và các ngành liên quan khẩn trương xây dựng quy hoạch phát triển thể dục - thể thao dài hạn trong cả nước, ở từng địa phương và trong từng ngành theo những nội dung và yêu cầu sau đây:
1/ Ngành thể dục - thể thao phải xây dựng định hướng phát triển có tính chất chiến lược, trong đó quy định rõ các môn thể thao và các hình thức hoạt động mang tính phổ cập đối với mọi đối tượng, lứa tuổi, tạo thành phong trào tập luyện rộng rãi của quần chúng "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", đồng thời xác định rõ những môn thể thao trọng điểm cókhả năng nâng cao thành tích để nhanh chóng tiến kịp trình độ các nước trong khu vực.
2/ Căn cứ định hướng trên, ngành thể dục - thể thao xây dựng ngay kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, đáng ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài sự nghiệp phát triển thể dục - thể thao và công cuộc đổi mới của đất nước, không chỉ 5 - 10 năm mà vài chục năm sau.
Quy hoạch này bao gồm các trung tâm thể thao quốc gia, trung tâm thể thao khu vực, trung tâm thể thao và cơ sở vật chất - kỹ thuật thể dục - thể thao của các tỉnh, thành phố. Các trung tâm thể thao khu vực (hay vùng) cần phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trọng điểm phía Bắc, phía Nam, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Việt Bắc..., các vùng phát triển du lịch. Cần làm rõ nhiệm vụ, yêu cầu của từng trung tâm này trong việc phát triển các môn thể thao, từ đó có hướng đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết. Các trung tâm này có thể được xây dựng trên cơ sở nâng cấp, bổ sung, phát triển những cơ sở đã có; đồng thời căn cứ vào quy hoạch chung để xem xét, điều chỉnh lại những cơ sở đã có, kể cả các trung tâm thể thao quốc gia nếu thấy không hợp lý.
Đối với các cơ sở thể dục - thể thao do địa phương trực tiếp quản lý thì trên cơ sở phát triển quy hoạch, khả năng và điều kiện của địa phương, với sự hướng dẫn của Tổng cục Thể dục - Thể thao, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, hình thành trung tâm thể dục - thể thao tỉnh, thành phố. ở các thành phố lớn có các cơ sở thể thao của Trung ương, cần xây dựng một quy hoạch chung các cơ sở thể dục - thể thao trên địa bàn, việc phân biệt giữa Trung ương và địa phương chỉ là sự phân công quản lý trực tiếp.
Quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật thể dục - thể thao của cả nước từ nay đến năm 2000 chia thành 2 bước : từ 1995 - 1997 và từ 1998 2000, trong đó có kế hoạch cụ thể từng năm; cần hoàn thành sớm một số công trình cần thiết để tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật thuận lợi cho ngành thể dục - thể thao bước vào thế kỷ 21 theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt quy hoạch này và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Tổng cục Địa chính có nhiệm vụ phối hợp với Tổng cục Thể dục - thể thao và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố làm xong quy hoạch này trong quý II năm 1995. Riêng quy hoạch phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật thể dục - thể thao của thành phố Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh cần làm xong ngay trong tháng 4 năm 1995.
3/ Đồng thời với việc xây dựng quy hoạch phát triển thể dục - thể thao theo ngành dọc, cần xác định phương hướng phát triển thể dục - thể thao trong từng ngành. Các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Nội vụ, Y tế, Văn hoá - Thông tin, Tổng cục Du lịch...có trách nhiệm cùng với Tổng cục Thể dục - thể thao xây dựng phương hướng, kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục - thể thao, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và đội ngũ cán bộ thể dục - thể thao trong ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục thể chất trong nhà trường, cải tiến nội dung giảng dạy thể dục - thể thao nội khoá, ngoại khóa, quy định tiêu chuẩn rèn luyện thân thể cho học sinh ở các cấp học; có quy chế bắt buộc các trường, nhất là các trường đại học phải có sân bãi, phòng tập thể dục - thể thao; có định biên hợp lý và có kế hoạch tích cực đào tạo đội ngũ giáo viên thể dục - thể thao, đáp ứng nhu cầu ở tất cả các cấp học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một Thứ trưởng chuyên trách chỉ đạo công tác thể dục - thể thao trong trường học.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ phải có quy chế bắt buộc rèn luyện thể lực, phát triển hoạt động thể dục - thể thao ở các đơn vị nhằm nâng cao sức khoẻ, tinh thần chiến đấu của cán bộ và chiến sỹ; xác định những môn thể thao phù hợp với đặc điểm của ngành, phối hợp với Tổng cục Thể dục - thể thao để xây dựng một số môn thể thao trọng điểm của nền thể thao quốc gia.
4/ Cùng với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển lâu dài, trước mắt cần đầu tư ngay cho việc đào tạo các tài năng thể thao ở những môn trọng điểm. Đây là nhiệm vụ cấp bách để trong một thời gian ngắn, đưa trình độ các vận động viên của ta trong các bộ môn này tiến lên nhanh. Để làm được việc này, cần tận dụng khai thác các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có, đồng thời, gấp rút xây dựng mới một số cơ sở kỹ thuật cần thiết; khẩn trương xây dựng quy hoạch và đào tạo đội ngũ vận động viên có trình độ cao, bổ sung các chế độ, chính sách cụ thể cần thiết cho việc này; vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ cho các hoạt động thể dục - thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng các vận động viên trẻ có tài năng.
Tổng cục Thể dục - thể thao cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Chỉ thị 133-TTg năm 1995 xây dựng quy hoạch phát triển ngành Thể dục - Thể thao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 133-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/03/1995
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 22/03/1995
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định