Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 6 năm 2025

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA VÀ KHI TRIỀU CƯỜNG DÂNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý I, nhiệm vụ giải pháp quý II năm 2025 tại Thông báo số 259/TB-VPCP ngày 24 tháng 5 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện Công điện số 14/CĐ-BXD ngày 11 tháng 5 năm 2025 của Bộ Xây dựng về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, an toàn hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.

Theo báo cáo tình hình giao thông trong mùa mưa bão trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông đường thủy đang có chiều hướng tăng cao, bên cạnh đó, nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông sẽ diễn biến phức tạp khi triều cường dâng cao trong thời gian tới.

Nhằm ngăn ngừa và giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trong mùa mưa bão, khi triều cường dâng cao trên địa bàn thành phố Cần Thơ, góp phần ổn định, kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân phường, xã nghiêm túc triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Sở Xây dựng:

a) Tăng cường triển khai hoạt động tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến các đơn vị hoạt động cảng, bến thủy nội địa, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách du lịch, bến khách ngang sông và người lái phương thủy trên địa bàn thành phố.

b) Phối hợp với Công an thành phố, Cục Hàng hải và Đường thủy nội địa Việt Nam tăng cường kiểm tra các tổ chức và cá nhân, các đơn vị hoạt động cảng, bến thủy nội địa kinh doanh, khai thác, vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng phương tiện thủy nội địa, hàng hải; thuyền viên làm việc trên phương tiện, các phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát sỏi, các công trình đang thi công trên sông; các cơ sở đóng mới, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy,…

c) Phối hợp các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra, giải tỏa các chướng ngại vật, công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa được giao quản lý.

d) Tổ chức rà soát, bổ sung hoặc sửa chữa kịp thời hệ thống báo hiệu trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa được giao quản lý; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông và chống va trôi, bảo đảm an toàn giao thông tại các nơi có mật độ giao thông cao, nơi thi công các công trình có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy.

đ) Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chủ động ứng phó với triều cường. Tập trung phương tiện, lực lượng khắc phục hư hại, sạt lở đường giao thông, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực, tuyến đường bị ngập sâu, giúp cho người dân lưu thông thuận lợi và an toàn khi triều cường dâng cao.

e) Phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát các đoạn, tuyến đường bị ngập nước trên địa bàn thành phố, chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tổ chức giao thông và hỗ trợ khi cần thiết. Trường hợp nước ngập sâu, không an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì thực hiện biện pháp cấm đường tạm thời, đồng thời phối hợp các lực lượng liên quan triển khai phương án tổ chức, phân luồng giao thông phù hợp tình hình thực tế (thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết các tuyến đường cấm).

2. Công an thành phố:

a) Xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa, nhất là các hành vi vi phạm về phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc trang bị thiếu dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm; thuyền viên và người lái phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoặc có nhưng không phù hợp; phương tiện thủy chở quá tải, quá số người quy định. Chú trọng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với các phương tiện thủy thô sơ, phương tiện nhỏ khi tham gia giao thông không đảm bảo các điều kiện an toàn.

b) Tăng cường, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan triển khai kế hoạch tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người được phép chở đối với phương tiện thủy nội địa và hoạt động của bến thủy nội địa.

d) Tăng cường lực lượng, phương tiện để phân luồng, chủ động phương án khắc phục sự cố giao thông và đảm bảo an toàn giao thông đối với người, phương tiện lưu thông qua các đoạn đường bị ngập sâu, điểm giao lộ do triều cường dâng cao gây ngập trên địa bàn thành phố.

3. Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Văn phòng Quản lý đường bộ IV.4 và Ủy ban nhân dân phường, xã khẩn trương khảo sát, thống kê và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp cấp bách để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và nội thị.

b) Phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh triển khai các hình thức tuyên truyền an toàn giao thông bằng trực quan (tuyên truyền các khẩu hiệu an toàn giao thông trên pano, băng rôn, áp phích, tờ rơi, mũ bảo hiểm,…), vận động thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn giao thông, phổ biến các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông nhất là đối với người tham gia giao thông bằng môtô, xe máy.

c) Phối hợp với các đơn vị tham mưu thành lập và triển khai nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra liên ngành về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy nội địa, hàng hải năm 2025 để kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp, bất cập, vướng mắc về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

4. Các Ban Quản lý Dự án trên địa bàn thành phố là chủ đầu tư các công trình xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông:

Yêu cầu nhà thầu thi công bố trí đầy đủ rào chắn, biển cảnh báo hố sâu nguy hiểm ở những điểm, đoạn đường bị ngập tại các công trình đang thi công để người dân được biết, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu để cảnh báo cho người tham gia giao thông trên các đoạn tuyến vừa thi công vừa khai thác được an toàn, tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra; thực hiện nghiêm việc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong quá trình thi công các công trình vượt sông, cầu, kè theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của thành phố do đơn vị mình quản lý để đưa vào vận hành, khai thác nhằm giảm ùn tắc giao thông khi triều cường dâng cao.

5. Sở Nông nghiệp và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Xây dựng, các địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát việc thực hiện quy định về khai thác cát, sỏi, khoáng sản trên đường thủy nội địa phải đảm bảo các điều kiện an toàn; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát, sỏi, khoáng sản trái quy định, gây sạt lở hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng chạy tàu, các công trình cầu vượt sông...

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng phát động cho học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phổ biến kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong mùa mưa bão.

b) Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa trong hệ thống nhà trường; thực hiện nghiêm việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh.

c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân phường, xã triển khai các biện pháp an toàn trong mùa lũ, triều cường dâng cao như: đưa đón học sinh trong mùa lũ, điểm trông giữ trẻ tập trung, điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp,…

7. Sở Tài chính:

Tham mưu bố trí ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các đơn vị chức năng của thành phố, các công trình khắc phục những điểm mất an toàn giao thông...

8. Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ:

Tăng cường thời gian, tần suất và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, chương trình, nội dung tuyên truyền thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến của triều cường, các tuyến đường bị ngập sâu để các cơ quan và người dân biết và chủ động ứng phó.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị xã hội thành phố:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và người dân về nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức thiết thực.

b) Phát động và khuyến khích trong cán bộ, đoàn viên, hội viên, người dân tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình về “An toàn giao thông đường thủy” đạt hiệu quả. Đặc biệt trong gia đình ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông để con cháu noi theo; tạo nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thu hút đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên tham gia.

c) Đẩy mạnh các hoạt động, thông tin tuyên truyền cho người dân về các đoạn tuyến đường thường xuyên bị ngập nước, giờ bị ngập nước, chiều sâu mực nước nguy hiểm,... để người dân chủ động sắp xếp thời gian tham gia giao thông phù hợp, hạn chế nguy cơ ùn tắc giao thông.

10. Ủy ban nhân dân phường, xã:

a) Bám sát vào nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị này để tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các biện pháp lập lại trật tự an toàn giao thông thuộc địa bàn quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa trên hệ thống thông tin đại chúng và thông tin cơ sở cho người dân bằng các hình thức sát thực, phù hợp với từng đối tượng.

c) Tăng cường công tác quản lý hoạt động các bến khách ngang sông trên địa bàn; xử lý nghiêm các bến đò ngang, bãi vật liệu trái phép, các phương tiện chở khách ngang sông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn theo quy định của pháp luật.

d) Tăng cường quản lý, khai thác bảo trì các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn được phân cấp quản lý, thanh thải các chướng ngại vật, đăng, đáy cá, giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

đ) Kiểm tra toàn bộ hệ thống thoát nước, hố thu, cửa xả để có phương án nạo vét, khơi thông nhằm tăng cường khả năng thoát nước. Kiểm tra các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường xe chạy để có giải pháp cố định an toàn khi áp lực nước dâng cao gây bong bật tạo thành các hố sâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

e) Tổ chức rà soát các trụ điện chiếu sáng công cộng, đèn trang trí và đèn tín hiệu giao thông để tránh tình trạng rò điện khi nước ngập gây nguy hiểm tính mạng cho người dân.

g) Hướng dẫn nhà thầu thi công bố trí đầy đủ rào chắn, biển cảnh báo hố sâu nguy hiểm ở những điểm, đoạn đường bị ngập tại các công trình đang thi công để người dân được biết, bố trí hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu để cảnh báo cho người tham gia giao thông được an toàn, tránh các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

h) Tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến, đoạn đường, công trình do đơn vị mình quản lý có nguy cơ bị ngập sâu do triều cường gây ra để kịp thời bổ sung hệ thống thoát nước cho hiệu quả, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để gia cố, chống ngập nhằm đảm bảo cho người dân lưu thông được an toàn.

Yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố và các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị này nghiêm túc, hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo bằng văn bản về Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý kịp thời theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Bộ Xây dựng;
- TT.TU; TT. HĐND TP;
- CT, các PCT. UBND TP;
- Sở, ban ngành TP;
- UBND xã, phường;
- VP UBND TP (3B);
- Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT,XL

CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2025 tăng cường giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và khi triều cường dâng trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/06/2025
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trương Cảnh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản