ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UBND | Bình Định, ngày 07 tháng 06 năm 2024 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH, QUẢN LÝ CÁC QUỸ ĐẤT DỌC CÁC TUYẾN ĐƯỜNG MỚI CỦA TỈNH
Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đầu tư xây dựng nhiều dự án giao thông trọng điểm như: Tuyến đường Quốc lộ 19 mới; Tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài; Tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến - Diêm Vân; Tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639), trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639), trên địa bàn huyện Phù Mỹ; Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn; Tuyến đường từ Quốc lộ 19C kết nối cảng Quy Nhơn, dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Bình Định; Tuyến đường kết nối QL.1 với đường ĐT.639 qua huyện Phù Cát (thay thế đường ĐT.633);.... Theo đó, UBND tỉnh đã có chủ trương lập quy hoạch chi tiết, khai thác phát triển quỹ đất dọc các tuyến đường mới của tỉnh nhằm mục đích phát triển đô thị và thu ngân sách góp phần bù đắp chi phí đầu tư xây dựng các tuyến đường.
Để khai thác hiệu quả sử dụng đất đối với các quỹ đất, có phương án quản lý không gian dọc các tuyến đường, tránh việc lấn chiếm, phát triển dân cư, dịch vụ thương mại bám sát đường gây ảnh hưởng đến việc thoát nước, không gian cảnh quan dọc tuyến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu đối với công tác quản lý, quy hoạch quỹ đất dọc các tuyến đường mới trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Nguyên tắc quản lý khi triển khai lập quy hoạch
a) Việc quy hoạch các quỹ đất phải đảm bảo kết nối đồng bộ về quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực và các tuyến đường mới; đảm bảo các yêu cầu về thoát nước, biến đổi khí hậu, tránh gây ngập úng cục bộ cho các khu vực lân cận và dọc hai bên tuyến đường.
b) Đối với các quỹ đất phát triển dân cư, đô thị, thương mại dịch vụ và các dự án khác dọc tuyến phải tổ chức quy hoạch tuyến đường gom dọc hai bên tuyến đường mới, không đấu nối trực tiếp làm phát sinh điểm đấu nối gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo cảnh quan và nhu cầu định hướng mở rộng đường trong tương lai.
c) Việc tổ chức đấu nối các khu đô thị, khu dân cư, thương mại dịch vụ dọc tuyến với các tuyến đường mới phải đảm bảo khoảng cách các điểm đấu nối và các yêu cầu có liên quan theo quy định hiện hành.
2. Nhiệm vụ của các Sở, ngành và địa phương:
a) Sở Xây dựng:
- Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết do Sở Xây dựng triển khai lập quy hoạch. Lưu ý, phải quy hoạch, bố trí tuyến đường gom, hạn chế tối đa việc kết nối giao thông trực tiếp ra đường giao thông chính; kiên quyết không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở, công trình bám sát, kết nối trực tiếp vào các tuyến đường mới. Sau khi quy hoạch được duyệt, khẩn trương bàn giao hồ sơ, mốc giới quy hoạch cho địa phương để quản lý, chống lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép.
- Tăng cường công tác phối hợp tham gia ý kiến về quy hoạch, phối hợp quản lý đối với các quỹ đất dọc các tuyến đường mới của tỉnh do địa phương triển khai thực hiện.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, quy hoạch quỹ đất dọc các tuyến đường mới của tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn, xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo xử lý các vi phạm nếu vượt thẩm quyền theo quy định.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng tiêu chí đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường mới của tỉnh được UBND tỉnh giao thực hiện.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về lấn chiếm đất đai, vi phạm về môi trường của các chủ thể có liên quan trong công tác quản lý các quỹ đất dọc các tuyến đường mới của tỉnh theo quy định.
d) Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ an toàn, tổ chức đấu nối trái phép theo quy định.
đ) Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức cắm mốc giới quy hoạch, quản lý việc triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt đối với các khu vực thuộc quản lý của Ban Quản lý Khu kinh tế và chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng xây dựng lấn chiếm đất đai, không tuân thủ quy hoạch.
e) Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh và Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện kịp thời công tác cắm mốc, công bố cọc mốc hành lang, lộ giới các tuyến đường mới được giao làm chủ đầu tư và tổ chức bàn giao cho địa phương để thực hiện quản lý theo quy định.
g) Ủy ban nhân dân thành phố Quy Nhơn, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước:
- Căn cứ các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chung xây dựng xã đã được phê duyệt, tổ chức cắm mốc giới các khu vực xây dựng phát triển dân cư, dịch vụ, thương mại và các khu vực đất sản xuất nông nghiệp để quản lý đầu tư xây dựng, chống lấn chiếm đất đai theo quy định.
- Khi đề xuất lập quy hoạch phát triển quỹ đất dọc tuyến đường phải phù hợp với định hướng quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt.
- Phải quy hoạch, bố trí tuyến đường gom, hạn chế tối đa việc kết nối giao thông trực tiếp ra đường giao thông chính; kiên quyết không để xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở, công trình bám sát, kết nối trực tiếp vào các tuyến đường mới.
- Tổ chức quản lý quỹ đất dọc hai bên tuyến đường, chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng đầu tư xây dựng, lấn chiếm đất đai.
- Khi tổ chức lập các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là các đồ án quy hoạch 02 bên các tuyến đường này phải tổ chức lấy ý kiến Sở Xây dựng theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị; Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch và các quy định hiện hành có liên quan trước khi phê duyệt quy hoạch.
- Phối hợp với Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh và Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lộ giới để đề xuất cắm mốc cụ thể đối với từng tuyến đường thuộc phạm vi địa giới hành chính do địa phương quản lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
h) Đối với các địa phương còn lại: Đề nghị thực hiện nghiêm việc cắm mốc ranh giới quy hoạch, quản lý theo các ranh giới quy hoạch đã được phê duyệt và gửi báo cáo hiện trạng quản lý về Sở Xây dựng để phối hợp quản lý theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giao Sở Xây dựng chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hàng năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| KT. CHỦ TỊCH
|
Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2024 về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý các quỹ đất dọc các tuyến đường mới của tỉnh Bình Định
- Số hiệu: 13/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 07/06/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
- Người ký: Nguyễn Tự Công Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/06/2024
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết