Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 08 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI THIỆN CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG CẤP TỈNH (PAPI)

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (viết tắt PAPI) là một dự án nghiên cứu hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là bộ chỉ số đo lường mức độ hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công dựa vào cảm nhận và trải nghiệm của người dân tại địa phương. Bộ chỉ số PAPI trao quyền cho người dân được nói lên tiếng nói của mình về sự hài lòng, những khó khăn và những mong đợi, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công cụ PAPI đo lường 06 nội dung gồm: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Sự công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.

Chỉ số PAPI năm 2012 được công bố vào ngày 14/5/2013, theo đó, Đồng Tháp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm thấp (xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố). So với Chỉ số PAPI năm 2011 (thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, xếp hạng 16/63 tỉnh, thành phố), Chỉ số PAPI năm 2012 ghi nhận thứ hạng thấp của Đồng Tháp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước với các chỉ số thành phần bị tụt hạng nhiều so với các năm trước. Việc cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là vấn đề rất quan trọng và lâu dài, cần sự tham gia vào cuộc thực sự với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị nhất là ở cấp cơ sở.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về tầm quan trọng của Chỉ số PAPI; xem đây là một chỉ báo khách quan, có căn cứ khoa học về những việc các ngành, các cấp đã làm được và chưa làm được, mức độ hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho người dân. Đồng thời, phản ánh những đánh giá, cảm nhận và mong đợi của người dân về chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp xã.

Phải chuyển nhận thức “Chính quyền phục vụ nhân dân”, “Chính quyền đồng hành cùng nhân dân” thành hành động cụ thể trong xử lý công việc hàng ngày, trong giao tiếp, ứng xử với người dân.

2. Các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát lại các nội dung, các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAPI năm 2012 đối với tỉnh Đồng Tháp (tải Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2012 và bộ câu hỏi điều tra tại địa chỉ: www.papi.vn), qua đó xác định cụ thể những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các giải pháp khắc phục nhằm cải thiện thứ hạng và nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh trong những năm tiếp theo.

3. Người đứng đầu các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến Chỉ số PAPI. Đặc biệt là việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong giải quyết công việc của người dân.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp với các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được phản ánh trong Chỉ số PAPI 2012 của tỉnh như sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức thích hợp, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống thường ngày; ý thức được quyền lợi và trách nhiệm đầy đủ của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở như: bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Trưởng ấp, khóm,… để lựa chọn được người đại diện xứng đáng, nói và thực hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của mình.

- Đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào thực chất, đảm bảo đúng các lĩnh vực “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

- Chú trọng tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích,  ý nghĩa và tích cực thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện. Bãi bỏ ngay việc bắt buộc tổ chức, công dân thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện.

- Thực hiện tốt việc công khai danh sách hộ nghèo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù, thu hồi đất; việc thu, chi ngân sách cấp xã bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả để người dân thông suốt thực hiện và giám sát việc thực hiện.

- Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân đối với các vấn đề dân sinh, các khúc mắc trong đời sống hàng ngày; thực hiện tốt công tác tiếp dân, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ chế dân cử như: Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư công cộng,…

- Triển khai mạnh mẽ các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, khuyến khích người dân tố cáo các hành vi tham nhũng, việc lạm dụng ngân sách nhà nước vì mục đích tư lợi, hối lộ, lạm dụng chức quyền trong xử lý các thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục,…

- Thực hiện tốt các quy định về tuyển dụng công chức nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển dụng, nhất là đối với cấp xã (có thân quen thì dễ xin vào làm tại cơ quan nhà nước).

- Tăng cường công tác giải quyết các thủ tục hành chính liên quan mật thiết đến đời sống người dân như: cấp giấy phép xây dựng; cấp mới, cấp đổi hoặc sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công chứng, chứng thực,… đảm bảo sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền.

- Cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, an ninh, trật tự, môi trường, cơ sở hạ tầng căn bản,… cải thiện các điều kiện sống thiết yếu, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao mức độ thụ hưởng các dịch vụ công cho người dân.

5. Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở; đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết.

6. Sở Nội vụ:

- Triển khai có hiệu quả Quy chế Tổ chức tuyển dụng công chức  xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh ban hành kèm Quyết định số  13/2013/QĐ- UBND ngày 02/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Quy chế bầu cử Trưởng ấp, khóm trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong Quý III/2013

- Đẩy mạnh triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính  giai đoạn 2011 – 2020 trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cần hướng mạnh về cơ sở, để các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến được với người dân một cách hiệu quả.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết các công việc của người dân.

7. Sở Tài chính kiểm tra, rà soát và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ một  số loại phí, lệ phí, quỹ và các quy định về huy động sức đóng góp của nhân dân; hướng dẫn việc công khai thu, chi ngân sách cấp xã bằng nhiều hình thức thích hợp, hiệu quả.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù, thu hồi đất; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của người dân.

9. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo cải thiện chất lượng cung cấp các dịch vụ công trên các lĩnh vực mình quản lý và đề xuất các giải pháp để việc tuyển dụng, bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức của ngành công khai, minh bạch.

10. Thanh tra tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người dân.

11. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để triển khai có hiệu quả việc cải thiện Chỉ số PAPI.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ  tịch  Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ.CCHC của Chính phủ;
- VPCP (I, II); Bộ Nội vụ;
- Vụ CCHC và CQĐD Bộ NV tại TPHCM;
- TT. TU; TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban đảng;
- UBMTTQVN và các đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Đài PTTH, Báo ĐT;
- Lưu: VT, NC/NC(G).

CHỦ TỊCH





Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2013 cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 13/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/08/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản