Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121-HĐBT | Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1982 |
Trong thời gian gần đây, việc phân phối học sinh tốt nghiệp các trường đại học và trung học chuyên nghiệp có nhiều khó khăn. Năm 1981, riêng số học sinh tốt nghiệp đại học chưa phân phối được đã lên tới 3000 người, trong đó có cả 190 học sinh tốt nghiệp ở nước ngoài về; sang năm 1982 này, dự kiến số học sinh tót nghiệp chưa phân phối công tác được có thể lên đến 4950 người bậc đại học và 9500 người bậc trung học chuyên nghiệp.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trước hết là do kế hoạch đào tạo của ta chưa có điều kiện cân đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; khi kế hoạch Nhà nước đã có sự điều chỉnh lại thì kế hoạch đào tạo lại khó điều chỉnh cho kịp thời; một số ngành, nghề đã và đang đào tạo ở các trường chưa thật phù hợp với nhu cầu của xã hội. Kế hoạch đào tạo cũng chưa tính đến nhu cầu cán bộ của từng địa phương, từng vùng lãnh thổ cũng như nhu cầu của khu vực tập thể. Mặt khác, ta lại chưa có những chính sách cụ thể đối với các cán bộ được phân công về các đơn vị cơ sở, kể cả quốc doanh và tập thể, cũng như đối với các cán bộ được phân công về các địa phương, các vùng điều kiện công tác và sinh hoạt còn nhiều khó khăn.
Về phía cơ quan, đơn vị và địa phương sử dụng cán bộ, nhiều nơi chưa coi trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của mình, thay thế những người trình độ, năng lực và sức khoẻ không còn đáp ứng yêu cầu công tác bằng những cán bộ mới, có kiến thức, có năng lực, được đào tạo chính quy, lại còn trẻ và khoẻ, để từng bước tăng thêm hiệu suất công tác, năng suất lao động và năng lực phục vụ.
Về mặt các cơ sở đào tạo, do nhiều lý do chủ quan và khách quan, công tác giáo dục chính trị và tư tưởng cho học sinh, nhất là về ý thức phục vụ và ý thức tổ chức kỷ luật chưa đầy đủ, chất lượng đào tạo về khả năng thực hành còn yếu nên có khi xảy ra tình trạng học sinh tốt nghiệp được phân công về nhưng cơ quan, cơ sở và địa phương không muốn nhận, hoặc học sinh được phân công không nghiêm chỉnh chấp hành quyết định phân phối công tác mà không có biện pháp xử lý thích đáng.
Để nhanh chóng khắc phục những thiếu sót kể trên, để tận dụng và phát huy được khả năng về mọi mặt của đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật đã được đào tạo ra, Thường vụ Hội đồng bộ trưởng quyết định:
Hướng phân phối cụ thể là:
a. Số học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thuộc loại xuất sắc và loại giỏi được ưu tiên phân phối công tác phù họp với năng lực và trình độ, chủ yếu là cho các trường và các viện nghiên cứu khoa học và kỹ thuật, để bổ sung cán bộ có chất lượng cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ nghiên cứu. Một số trong những học sinh này sẽ được tuyển chọn để tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ ở trong nước hay ở nước ngoài, chú ý đến những ngành sẽ phát triển nhưng hiện chưa có nhu cầu.
Để sớm sử dụng hết số học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc và loại giỏi này, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội và một số ngành thực sự có nhu cầu cấp thiết sẽ được bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế. Các ngành và cơ quan nói trên cần lập ngay kế hoạch xin bổ sung cán bộ gửi lên Ban Tổ chức của Chính phủ, Hội đồng đào tạo và phân phối cán bộ khoa học và kỹ thuật Trung ương và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để tổng hợp, cân đối chung và trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quyết định.
b) Số học sinh tốt nghiệp các trường đại học ở nước ngoài có đủ tiêu chuẩn và nếu trong nước chưa có yêu cầu sử dụng ngay thì sẽ chọn để ở lại thực tập hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ. Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp cũng với Bộ Ngoại giao tiến hành đàm phán với các nước bạn ngay trong năm nay để quyết định số lượng học sinh này.
c) Những học sinh tốt nghiệp đại học và giáo viên dạy nghề có trình độ ngoại ngữ khá và có đủ tiêu chuẩn đã quy định có thể được phân phối để sử dụng vào việc hợp tác lao động với nước ngoài (với công tác thích hợp như bồi dưỡng thành đội trưởng đội lao động hoặc giúp làm phiên dịch). Bộ Lao động cần lập ngay nhu cầu đối với những học sinh này gửi lên Hội đồng đào tạo và phân phối cán bộ khoa học và kỹ thuật trung ương để quyết định.
d) Phần lớn học sinh tốt nghiệp cần được phân phối về các cơ sở sản xuất và kinh doanh, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tập thể.
Trên đây là các vấn đề cấp thiết phải tích cực giải quyết kịp thời nhằm khắc phục các khó khăn về phân phối học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học sinh học nghề trong thời gian trước mắt.
Đối với một số vấn đề cơ bản và lâu dài thì cần nghiên cứu khẩn trương và chuẩn bị tốt để trình Hội đồng bộ trưởng giải quyết:
Trong những năm 1983-1985, cần sớm có quy hoạch cán bộ và kế hoạch đào tạo (bắt đầu từ chỉ tiêu tuyển sinh năm 1983) tương ứng với nhu cầu cán bộ và khả năng biên chế cho năm học sinh sẽ tốt nghiệp ra trường, gắn liền kế hoạch tuyển sinh với kế hoạch phân phối cho các địa phương, cho các vùng lãnh thổ, nhằm khắc phục tình trạng đào tạo ra không phân phối sử dụng được.
Thủ trưởng các Bộ, các ngành và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm thực hiện tốt các chủ trương của Thường vụ Hội đồng bộ trưởng nêu trong chỉ thị này. Các ngành được phân công nghiên cứu các vấn đề đã nêu trong chỉ thị cần báo cáo lên Thường vụ Hội đồng bộ trưởng đúng thời hạn đã quy định để Thường vụ Hội đồng bộ trưởng kịp thời xem xét và quyết định.
| Võ Nguyên Giáp (Đã ký)
|
Chỉ thị 121-HĐBT năm 1982 về phân phối và sử dụng học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong thời gian trước mắt do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 121-HĐBT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 20/07/1982
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Nguyên Giáp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 14
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra