Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI THI ĐUA LAO ĐỘNG, SẢN XUẤT, TIẾT KIỆM, TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG, PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH VÀ HOÀN THÀNH VƯỢT MỨC KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1979, BẢO ĐẢM YÊU CẦU CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH, BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
I. Thi hành chỉ thị số 1-TTg ngày 02/01/1978 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào đồng khởi thi đua xã hội chủ nghĩa, được sự quan tâm chỉ đạo của thủ trưởng các ngành, của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp, phong trào thi đua năm 1978 có sự phát triển mới, nhất là trong nông nghiệp. Thành tích nổi bật là diện tích gieo trồng đạt mức cao nhất từ trước đến nay; diện tích và sản lượng màu gấp 2 lần năm 1975; vụ đông ở miền Bắc tăng nhanh, công tác thủy lợi tiếp tục phát triển. Sau lũ lụt, khắp các địa phương trong cả nước đã dấy lên phong trào đoàn kết, tương trợ, khắc phục hậu quả, đẩy mạnh sản xuất rau màu theo khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”. Phong trào thi đua làm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm có tiến bộ. Phong trào tuyển quân đạt kết quả tốt cả về số lượng và thời gian. Trong công nhân, viên chức, phong trào “mỗi người phát huy và áp dụng một sáng kiến” được nâng cao; nhờ có phong trào này mà nhiều ngành, nhiều xí nghiệp khắc phục được một phần khó khăn về vật tư và vận tải, duy trì được sản xuất. Đáng chú ý là nhiều cơ sở đã thành công trong việc tìm ra nguồn nguyên liệu mới thay thế các loại nguyên liệu khan hiếm hoặc phải nhập từ nước ngoài; nhiều đơn vị cơ sở đã tự lực vươn lên giải quyết những khó khăn do chuyên gia Trung Quốc và người Hoa bỏ về nước gây ra.
Trong các lực lượng vũ trang, phong trào đồng khởi thi đua Quyết thắng tiếp tục phát triển tốt, bám sát nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, lập được nhiều thành tích trong xây dựng lực lượng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, trong việc tham gia xây dựng vùng kinh tế mới.
Do có những phong trào trên nên nhiều đơn vị đã khắc phục được một phần khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1978.
Tuy nhiên nhìn chung, phong trào thi đua năm 1978 còn nhiều mặt yếu kém. Phong trào phát triển chưa đều, chưa mạnh, chuyển biến chưa đồng bộ, khí thế chưa cao, hiệu quả còn thấp; nội dung thi đua chưa tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, chưa thúc đẩy được khí thế đồng khởi, học tập và đuổi kịp điển hình tiên tiến. Những thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội chậm được khắc phục nên những hiện tượng tiêu cực vẫn còn khá phổ biến và nghiêm trọng.
Ở nhiều ngành, nhiều địa phương, cấp ủy và Thủ trưởng chưa quan tâm đúng mức việc tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua, sự phối hợp giữa chính quyền và đoàn thể còn lỏng lẻo, bộ máy giúp việc quá yếu. Những thiếu sót này cần được khắc phục sớm, để tạo điều kiện cho phong trào thi đua năm 1979 tiến lên một bước mới, cao hơn.
II. Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội nghị lần thứ tư của Quốc hội khóa VI đã đề ra ba nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 1979 là:
1. Ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân;
2. Củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc;
3. Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật nhằm đáp ứng những yêu cầu trước mắt, đồng thời chuẩn bị điều kiện phát triển cho những năm sau.
Kế hoạch Nhà nước năm 1979 đã thể hiện những nhiệm vụ quan trọng đó. Vì vậy, phong trào thi đua năm 1979 phải được tổ chức và chỉ đạo tốt, thực sự là phong trào cách mạng đồng khởi của toàn dân, toàn quân nhằm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ chính trị và kế hoạch Nhà nước năm 1979, tạo điều kiện bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1980.
Căn cứ vào yêu cầu trên, rút kinh nghiệm tổ chức phong trào thi đua năm 1978, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Nắm vững mục tiêu của phong trào đồng khởi thi đua năm 1979 là: trên cơ sở phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, phát huy bản chất tốt đẹp của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, đồng khởi thi đua lao động, sản xuất và tiết kiệm, nâng cao sức mạnh chiến đấu; kiên quyết thi hành thật tốt Nghị quyết 228 và chỉ thị số 159-TTg chống mọi hiện tượng tiêu cực trong sản xuất và đời sống xã hội, quyết tâm giành thắng lợi trên cả hai mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1979. Những mục tiêu cụ thể sau đây phải được đặc biệt chú trọng:
- Chỉ tiêu sản xuất và thu mua lương thực, thực phẩm;
- Chỉ tiêu xuất khẩu;
- Chỉ tiếu chất lượng, tăng năng suất lao động, hạ giá thành…;
- Bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc;
- Tăng cường năng lực giao thông vận tải;
- Xây dựng có trọng điểm, đưa nhanh công trình vào sử dụng;
- Khai thác mọi khả năng tiềm tàng để đẩy mạnh sản xuất bằng nguyên liệu trong nước, giảm nhập khẩu;
- Chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức chỉ đạo và quản lý, đề cao chế độ trách nhiệm và chế độ kỷ luật.
Cần quán triệt tinh thần đồng khởi thi đua năm 1979 là:
- Cùng một lúc thực hiện thật tốt cả ba nhiệm vụ: ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
- Cả nước tập trung sức làm lương thực, thực phẩm với khí thế cách mạng tiến công; dùng hết lao động, đất đai, máy móc và mọi khả năng khác cho việc tạo ra lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Các ngành khác đều phối hợp với nông nghiệp, phục vụ nông nghiệp.
- Thực hiện cân đối ngay từ cơ sở một cách tích cực, chủ động, đồng bộ và có tính hiện thực nhằm bảo đảm tính khoa học và chính xác của kế hoạch Nhà nước.
- Người người thi đua, ngành ngành thi đua, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, ý chí cách mạng tiến công, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, khắc phục mọi khó khăn quyết tâm giành thắng lợi trên cả hai mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
- Chuyển mạnh, chuyển nhanh và đồng bộ về mọi mặt. Trên và dưới đều phải chuyển, mọi ngành, mọi cấp, mọi đơn vị và mọi người đều chuyển; chuyển từ đảng viên, đoàn viên đến đông đảo quần chúng; chuyển từ nhận thức, tư tưởng đến hành động; chuyển mạnh, chuyển nhanh, hiệp đồng chặt chẽ như trong chiến đấu, chống mọi tư tưởng tiêu cực, bảo thủ, trì trệ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ cho sản xuất, đời sống, xuất khẩu và chiến đấu.
2. Từ mục tiêu kể trên, phong trào thi đua năm 1979 phải tập trung vào nội dung chủ yếu sau đây: ra sức thi đua tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý, cải tiến kỹ thuật, phấn đấu đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Đặc biệt coi trọng tiết kiệm trong sản xuất và xây dựng.
- Trong nông nghiệp, chú ý quản lý và sử dụng tốt đất đai và sức lao động theo gương các điển hình tiên tiến; xây dựng và quản lý tốt cơ sở vật chất và kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác và chăn nuôi tiên tiến, phát triển ngành nghề bảo đảm phát triển nông nghiệp toàn diện; chống lãng phí, tham ô, bảo thủ, trì trệ, thiếu trách nhiệm. Ở miền Nam, ra sức cải tạo và xây dựng nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp nhất là ở các vùng trọng điểm về lương thực, vùng chuyên canh, vùng kinh tế mới.
- Trong công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp, triệt để tiết kiệm vật tư, tận dụng mọi nguồn nguyên liệu trong nước và phế liệu, phế phẩm để thay thế hoặc giảm bớt nguyên liệu nhập khẩu. Ra sức cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm nhất là đối với hàng xuất khẩu; bảo đảm ngày công; giờ công; tận dụng công suất thiết bị, máy móc, nguyên nhiên vật liệu, chống lãng phí, tham ô, bảo thủ, trì trệ, thiếu tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa.
- Trong các cơ quan, cửa hàng, bệnh viện, chú ý cải tiến lề lối làm việc, đi sát cơ sở, bám việc, bám dân, chống quan liêu, cửa quyền; cải tiến nghiệp vụ công tác, đề xuất ý kiến vào việc bổ sung hoặc sửa đổi những chính sách hoặc chế độ nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và xuất khẩu. Chống trì trệ, bảo thủ, thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật; cải tiến tổ chức, bảo đảm gọn nhẹ và có hiệu lực.
Trong các lực lượng vũ trang nhân dân, ra sức thực hiện cuộc vận động phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu như chỉ thị của Ban bí thư trung ương Đảng đã nêu rõ, đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; tích cực tham gia xây dựng kinh tế.
3. Những biện pháp chủ yếu
a. Kiên quyết nắm vững cách chỉ đạo bằng điển hình, nhân nhanh điển hình tiên tiến và qua đó mà xóa bỏ khâu yếu kém, đơn vị trì trệ kéo dài. Đây là biện pháp chủ yếu nhất. Những ngành, những tỉnh đã xác định được điển hình tiên tiến thì phải sớm tổng kết kinh nghiệm, rút ra những bài học tốt, có kế hoạch tổ chức học tập và làm theo điển hình tiên tiến, tạo nên khí thế và phong trào hành động cách mạng rộng rãi, làm chuyển biến tình hình chung. Cần học tập cách làm của Thanh Hóa và Thái Bình kết hợp với những kinh nghiệm của ngành và địa phương. Địa phương, đơn vị nào chưa có điển hình nhiều mặt thì có thể nêu những điển hình về từng mặt hoặc nêu điển hình cho từng huyện, từng ngành nghề. Chú trọng điển hình quy mô xí nghiệp, hợp tác xã, xã, bệnh viện, trường học và điển hình cấp huyện. Trong từng cơ sở và từng loại ngành nghề, có điển hình tổ, đội và cá nhân. Phấn đấu trong năm 1979, thanh toán đơn vị yếu kém triền miên, nâng số tiên tiến lên một bước mới, phổ biến hơn.
b. Chấn chỉnh nề nếp báo công, lập công, khuyến khích kịp thời và khen thưởng các thành tích tiết kiệm (đất đai, sức lao động, nguyên liệu, nhiên liệu, phụ tùng, thì giờ…), thành tích thực hiện tốt Nghị quyết 228 và chỉ thị số 159-TTg, chấn chỉnh nề nếp lựa chọn lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa… theo đúng tiêu chuẩn và nguyên tắc lựa chọn đã được Nhà nước quy định, thực hiện công khai, so sánh, tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng. Số lượng người và tập thể được lựa chọn phải phản ánh đúng phong trào thi đua của từng đơn vị, khắc phục tình trạng tiêu cực, bình bầu tràn lan ở một số đơn vị.
c. Tiếp tục vận động phong trào mỗi người phát huy và áp dụng một sáng kiến, tập trung cao độ phục vụ nông nghiệp, khắc phục có hiệu quả những khó khăn to lớn về lương thực, về vật tư trong sản xuất, cải tiến lề lối làm việc phục vụ cho cơ sở, cải tiến phân phối lương thực và hàng hóa bảo đảm công bằng, hợp lý, v.v… Đồng thời khuyến khích rèn luyện tay nghề, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu suất công tác.
Việc thưởng sáng kiến theo quy định của Nhà nước cần được các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo. Trước mắt, xem xét, sửa đổi việc mở rộng quyền hạn quyết định mức thưởng ở cơ sở cho phù hợp với tình hình những năm gần đây, nhiều cơ sở đã được tăng cường cán bộ kỹ thuật và cơ sở vật chất - kỹ thuật.
Tiếp tục coi trọng hơn nữa phong trào 3 cải tiến trong các cơ quan kể từ cơ quan trung ương đến bộ phận phục vụ sản xuất ở cơ sở, lấy việc phục vụ kịp thời cho sản xuất và đời sống làm mục đích. Mọi sửa đổi có lợi so với trước đều là sáng kiến, đều được biểu dương và khen thưởng bằng nhiều hình thức. Việc xét thưởng sáng kiến trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp cũng đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính (thông tư số 21-TC/CNKT ngày 21/08/1965, điểm 2, mục II), cần phải được thi hành cho đúng.
d. Chú trọng tổ chức những đợt thi đua ngắn ngày, những chiến dịch đồng khởi…, tập trung giải quyết dứt điểm từng mặt công tác, từng khó khăn cụ thể. Tuy là đợt ngắn nhưng vẫn phải chuẩn bị kỹ. Từng cơ sở, từng bộ phận phải dân chủ xây dựng chỉ tiêu phấn đấu, phải kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất và vật tư, lao động, kịp thời biểu dương và cuối đợt phải có sơ kết, tổng kết, khen thưởng.
e. Khâu lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với phong trào thi đua có ý nghĩa quyết định. Riêng đối với cơ sở, nhất là những nơi yếu kém triền miên, phải thông qua việc nâng cao tác dụng lãnh đạo của Đảng ủy, đồng thời phát huy vai trò của thủ trưởng, của các đoàn thể thì mới có thể tạo ra được phong trào thi đua mạnh mẽ.
Ở mọi cấp, cần duy trì sinh hoạt thường kỳ của ban thi đua để bàn biện pháp thiết thực nhằm lãnh đạo và tổ chức tốt phong trào đồng khởi thi đua ở trong tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở. Ban thi đua ở cơ sở sinh hoạt hàng tháng; ở tỉnh và ngành, sinh hoạt 3 tháng một lần. Phải kiện toàn ban thi đua như đã quy định trong nghị định số 28-CP ngày 04/02/1964 và số 48-CP ngày 13/04/1967 của Hội đồng Chính phủ, bộ máy giúp việc cần gọn nhẹ có chất lượng bảo đảm theo dõi phong trào một cách kịp thời nhất là ở cơ sở và ở huyện.
Ban thi đua trung ương căn cứ chỉ thị này, có kế hoạch hướng dẫn các ngành, các địa phương thi hành cho tốt. Các ban của Đảng, các đoàn thể có kế hoạch phối hợp thi hành chỉ thị này.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Chỉ thị 12-TTg năm 1979 về tổ chức phong trào đồng khởi thi đua lao động, sản xuất, tiết kiệm, tăng năng suất lao động, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1979, bảo đảm yêu cầu củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 12-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 08/01/1979
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra