Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Tiền Giang, ngày 15 tháng 5 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN MỘT SỐ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU VÀ CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG TÀU CÁ VÀ NGƯ DÂN TỈNH TIỀN GIANG VI PHẠM VÙNG BIỂN NƯỚC NGOÀI

Trong những năm qua, tình hình tàu cá, ngư dân Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý diễn biến phức tạp, là một vấn nạn đáng báo động (năm 2012: 01 phương tiện/08 ngư dân, năm 2013: 03 phương tiện/29 ngư dân, năm 2014: 01 phương tiện/14 ngư dân, năm 2015: 02 phương tiện/23 ngư dân, năm 2016: 07 phương tiện/69 ngư dân, năm 2017: 11 phương tiện/84 ngư dân, đầu năm 2018 đến nay: 01 phương tiện/07 ngư dân), đã gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của ngư dân, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam trên trưởng quốc tế và công tác đối ngoại của Đảng và nhà nước.

Bên cạnh một số phương tiện bị bắt giữ trong vùng biển chồng lấn về chủ quyền giữa Việt Nam với các nước, còn nhiều phương tiện bị bắt giữ do ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt đã cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Mặc dù các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt bất hợp pháp và vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng còn bị động, chưa phát huy hết vai trò của các cơ quan chức năng, công tác quản lý có lúc còn lỏng lẻo, xử lý vi phạm chưa nghiêm.

Trước tình hình đó, để thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, đánh bắt hải sản trái phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn: tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2010, Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2017, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Công văn 1016-CV/TU ngày 21 tháng 2 năm 2018 của Tỉnh ủy Tiền Giang về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các quyết định, kế hoạch, đề án, phương án, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng chống, ngăn chặn khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ các quy định pháp luật về thủy sản của Việt Nam, quốc tế và các nước tại các địa bàn trọng điểm nghề cá; tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) trên các báo, đài và hệ thống thông tin cơ sở tại địa phương.

b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra tổng thể về quản lý khai thác, quản lý tàu thuyền trên biển và tại cảng cá theo kế hoạch, mẫu quy định của EC và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 165/BNN-TCTS ngày 09 tháng 01 năm 2018.

c) Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tàu thuyền, quản lý khai thác và các biện pháp bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Không cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho những chủ tàu cá có phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài; không xét cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và các chính sách hỗ trợ khác; bắt buộc tất cả các chủ tàu khai thác xa bờ phải có hợp đồng trách nhiệm với thuyền trưởng và có xác nhận của chính quyền địa phương. Trong trường hợp phương tiện bị nước ngoài bắt giữ, cần có giải pháp buộc chủ tàu chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước.

d) Tiếp tục yêu cầu chủ tàu hoặc thuyền trưởng tàu khai thác xa bờ phải thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị 24/24 giờ và kết nối với Trạm bờ của Chi cục Thủy sản tỉnh.

đ) Rà soát lại mô hình, tổ chức số lượng cán bộ quản lý cảng cá đảm bảo gọn, nhẹ, hiệu quả đáp ứng nhiệm vụ mới, bố trí lực lượng Thanh tra chuyên ngành thủy sản thường trực tại các cảng cá Mỹ Tho và Vàm Láng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng; thu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác theo quy định.

e) Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực quản lý tàu thuyền, quản lý khai thác bất hợp pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

g) Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng tích hợp các thông tin về tàu thuyền, hoạt động khai thác, lao động, sản lượng qua cảng cá, đăng ký cấp phép tàu cá tại tỉnh.

h) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng xử phạt các tàu cá bị bắt giữ do khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản và Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

i) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng chống, ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; định kỳ hàng quý hoặc đột xuất tổng hợp tình hình vi phạm, báo cáo về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Nông thôn để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến cho ngư dân về quản lý biên giới biển, hải đảo.

b) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Ngoại vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có liên quan xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về xuất nhập cảnh, quản lý tàu cá, khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài theo quy định hiện hành.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá, nhất là các tàu cá hoạt động xa bờ. Duy trì thực hiện việc ký cam kết không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài đối với các thuyền trưởng, chủ tàu khai thác xa bờ. Kiên quyết không làm thủ tục xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định, hoặc thiếu các loại giấy tờ cần thiết, hệ thống thông tin định vị, các trang thiết bị an toàn, cứu hộ cứu nạn khác, phát hiện sớm, ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp tàu cá có dấu hiệu nghi ngờ, phát hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm vùng biển các nước khai thác thủy sản trái phép, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các loại hải sản quý hiếm trong danh mục cấm khai thác; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; nơi nào để xảy ra vi phạm, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên.

d) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu lập Đề án kết nối thông tin liên lạc giữa Trạm kiểm soát Biên phòng với tất cả các phương tiện tàu cá đăng ký hành nghề trên các vùng biển xa, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định để triển khai.

đ) Báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình tàu cá, ngư dân bị các lực lượng của nước ngoài bắt giữ, xử lý về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

4. Công an tỉnh

a) Phối hợp với các sở, ngành tỉnh, địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý biên giới biển, hải đảo cho ngư dân nắm, thực hiện.

b) Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ nhanh chóng hoàn thành thủ tục đưa ngư dân bị nước ngoài trục xuất về nước; kiểm tra, xác minh trường hợp trao trả qua đường ngoại giao.

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc móc nối, đưa tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài; mua, chuộc trái phép tàu cá bị nước ngoài bắt; quản lý chặt chẽ các địa bàn có tàu cá xa bờ, tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài.

5. Sở Ngoại vụ

Chủ động liên hệ với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời có biện pháp bảo hộ, đảm bảo sự an toàn về tính mạng và tài sản khi ngư dân của tỉnh Tiền Giang bị nước ngoài bắt giữ; phối hợp với cơ quan chức năng liên quan xác minh nhân thân ngư dân và hoàn tất các thủ tục cần thiết, nhằm kịp thời báo cáo, đề nghị Bộ Ngoại giao can thiệp, đưa ngư dân về nước; cập nhật, tổng hợp kịp thời những quy định mới của các nước về việc đánh bắt, xử phạt các trường hợp xâm phạm lãnh hải của họ để phối hợp thông tin, tuyên truyền đến ngư dân trong tỉnh không vi phạm vùng biển nước ngoài.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn UBND thành phố, thị xã và các huyện ven biển thực hiện công tác đăng ký và cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện trên các tàu cá theo đúng quy định của Nhà nước. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định trong việc sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên tàu cá.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình và đề nghị Báo Ấp Bắc

Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường thu thập đầy đủ thông tin tình hình các vụ việc ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Những tác động ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thiệt hại về kinh tế của ngư dân, kịp thời thông tin tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh để cảnh báo ngư dân.

8. Sở Tài chính

Hàng năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện công tác phòng chống, ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí để thực hiện theo quy định.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có tàu khai thác hải sản xa bờ

a) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác thủy sản; trong đó cần chủ động tập trung phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể,... đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về biển, phạm vi chủ quyền vùng biển Việt Nam, quản lý hoạt động khai thác hải sản. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cố tình đưa tàu ra nước ngoài hoạt động khai thác hải sản trái phép. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ phương tiện tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ thuộc địa bàn phụ trách. Thông báo danh sách tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

b) Củng cố, kiện toàn Tổ Công tác 689 của thành phố, thị xã và các huyện; xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để thực hiện và phối hợp với Tổ Công tác 689 cấp tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, hợp tác khai thác không chính thức với nước ngoài.

c) Có trách nhiệm vận động, thu hồi tiền tạm ứng đưa ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước, để hoàn trả cho Quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức họp kiểm điểm trước dân đối với các chủ tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

đ) Địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang và các đoàn thể phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên và vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống, ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài do các cơ quan chuyên môn phát động.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Văn Hưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2018 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm vùng biển nước ngoài

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 15/05/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Lê Văn Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản