Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Bình Định, ngày 28 tháng 4 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hiện nay, tình trạng nắng nóng, khô hạn đang diễn ra gay gắt trên phạm vi toàn tỉnh, cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở các địa phương trong tỉnh đang ở cấp IV, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm về cháy rừng) nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng trên diện rộng, đặc biệt tại các huyện Vân Canh, Hoài ân, Hoài Nhơn và Tuy Phước; từ đầu tháng 4/2016 đến ngày 15/5/2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy rừng, tổng diện rừng bị cháy 96,788 ha, trong đó nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu là do sự bất cẩn của con người. Bên cạnh đó, tình hình phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Để phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường thiên nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của địa phương trong giai đoạn hiện nay:

a. Chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cao điểm dễ xảy ra cháy rừng; tăng cường tuần tra, theo dõi, phát hiện sớm các điểm cháy rừng và báo cáo cho Ban Chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng để huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng;

b. Chỉ đạo rà soát, xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng theo từng năm trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, bổ sung các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao lên hệ bản đồ phân vùng trọng điểm dễ cháy; chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời xử lý nhanh nhất các tình huống khi có cháy rừng xảy ra;

c. Chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời kiện toàn Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện, thị xã, thành phố; rà soát, bổ sung phương án kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng và tổ chức thực hiện có hiệu quả;

d. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ bị xâm hại cao về phá rừng, khai thác, mua bán lâm sản, động vật rừng trái pháp luật; xử lý nghiêm minh các vụ việc phá rừng; khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép;

đ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu sau:

a. Tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn nhân dân và các chủ rừng về kỹ thuật khai thác gỗ rừng trồng, xử lý thực bì sau khai thác đúng quy trình, quy phạm lâm sinh; kiểm soát chặt chẽ.người ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; phát hiện sớm những điểm cháy và báo cáo cho Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện khi cần thiết; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo sớm cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm cháy rừng. Báo cáo kịp thời khi có cháy rừng cho Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời;

b. Rà soát bổ sung quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng theo Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ;

c. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các điểm nóng xảy ra phá rừng, nhất là khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai và Phú Yên, khu vực rừng giáp ranh giữa các huyện trong tỉnh; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá thực trạng công tác bảo vệ rừng thời gian qua và đề ra các giải pháp, biện pháp cụ thể thời gian tới, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đầu tư trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

4. Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho nhân dân trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; đấu tranh chống các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; kịp thời đưa thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III đến cấp V.

5. Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng khi có yêu cầu.

6. Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm chăm sóc và giải quyết chế độ đãi ngộ cho những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dũng cảm đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật mà bị thương, hy sinh theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2016 về tăng cường biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 12/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản