Hệ thống pháp luật

 ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------

Số: 12/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 4 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG VÀ ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO TRỒNG CÂY GÂY RỪNG NĂM 1989.

Sau gần 13 năm, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng phát động. Năm 1988 toàn ngành Lâm nghiệp đã trồng được 7,1 triệu/5 triệu cây phân tán đạt 140% KH/năm, rừng tập trung trồng được 815 ha/550 ha đạt 148% KH/năm, đưa tổng cây trồng phân tán lên 87 triệu cây và trên 25.000 ha rừng tập trung. Rừng và cây trồng năm 1988 và các năm trước đang phát huy tác dụng tốt cho công tác phòng hộ, cải tạo môi sinh. Gỗ bạch đàn phục vụ cho tiêu thụ trong nước và cho xuất khẩu. Cây gỗ trồng được đã giúp cho nhân dân ven đô sửa chữa nhà cửa, trường học, kho tàng, giải quyết chất đốt, chấp lợp cho sinh hoạt của nhân dân.

Phong trào trồng cây gây rừng đã phát triển chiều rộng lẫn chiều sâu và trở thành một ngành kinh tế hàng hóa thực sự và được mọi thành phần kinh tế tham gia, có nhiều quận huyện đơn vị cá nhân trồng cây gây rừng giỏi : Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè đang vươn lên thành huyện khá, nhiều cá thể, gia đình ở xã Phạm Văn Hai Bình Chánh, Tân Thới Nhì Hóc Môn … nhiều Nông trường, đơn vị Quân đội ngành Giáo dục, Mặt trận, Thanh niên… có phong trào tốt đã góp phần đáng kể trong phong trào trồng cây gây rừng phủ xanh đất hoang trống ở thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo, xây dựng phong trào vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại :

- Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy chính quyền quận huyện chưa thường xuyên, thiếu biện pháp cụ thể, thường giao khoán cho phòng Nông Lâm nghiệp, hoặc một số cán bộ chỉ đạo.

- Công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ chưa có kế hoạch phối hợp chặt chẽ; cây phân tán, rừng tập trung ở một số nông lâm trường, trục lộ vẫn còn bị chặt phá; cây chết chưa trồng dặm lại kịp thời.

- Nhiều đơn vị thiếu vốn (nhất là trồng rừng tập trung) chưa được giải quyết đúng mức làm ảnh hưởng đến kế hoạch trồng rừng.

- Nhiều quận huyện, xã, các nông trường, đơn vị cơ quan, quân đội ở Củ Chi, Duyên Hải, Nhà Bè, Bình Chánh còn để nhiều đất hoang trống chưa đưa vào trồng cây gây rừng vì thiếu vốn và cũng không giao lại cho các đơn vị khác hoặc nhân dân trồng rừng.

Kết quả và một số tồn tại năm 1988 là những bài học, kinh nghiệm để chỉ đạo và đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng cây gây rừng để lấy thành tích kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân thành phố giao cho ngành năm 1989 (trồng 800 ha rừng tập trung), 5 triệu cây phân tán), ngoài chỉ tiêu năm 1989, ngành Lâm nghiệp thành phố phải phấn đấu đến năm 1990 cơ bản phủ xanh toàn bộ diện tích đất hoang trống lâm nghiệp đã được quy hoạch.

Nhằm đạt các mục tiêu trên, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị sản xuất lâm nghiệp cần cố gắng thực hiện làm tốt những việc sau đây:

1/ Khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo trồng cây gây rừng năm 1988, đồng thời xây dựng kế hoạch, bàn biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thành phố đã giao cho ngành Lâm nghiệp năm 1989.

2/ Ngành Lâm nghiệp cùng các quận huyện, nông lâm trường xem lại diện tích, đất đai của đơn vị mình,xác định phân bổ chỉ tiêu kế hoạch, hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị kể cả hộ gia đình tham gia trồng cây gây rừng, chuẩn bị sớm các điều kiện vật chất : làm vườn ươm, sản xuất cây giống, chuẩn bị vốn, cán bộ chỉ đạo để bước vào thời vụ triển khai trồng được ngay.

3/ Sở Lâm nghiệp thành phố phối hợp với các huyện, các ngành chỉ đạo, xây dựng vài xã ở huyện và một số nông trường phấn đấu hoàn thành cơ bản trồng rừng phủ xanh đất đai hoang trống. Hoàn thành quy hoạch và tiến hành xây dựng các khu rừng văn hóa lịch sử đã được thành phố chỉ đạo thực hiện như: Lâm viên Thủ Đức, Lâm viên Duyên Hải, Bến Đình, Hố Bò, Bến Dược Củ Chi, ngã ba Dòng Hóc Môn, Láng Le Bình Chánh…

4/ Hoàn thành công tác giao đất giao rừng còn lại ở Duyên Hải, tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống chặt phá rừng tập trung cũng như phân tán, rừng cây trồng ven xa lộ… Đối với Duyên Hải cần nghiên cứu những chủ trương, chính sách thích hợp quản lý kinh doanh rừng có hiệu quả cao.

5/ Về nguồn vốn :

Nguồn vốn chủ yếu là vốn tự có của các quận, huyện, đơn vị quốc doanh, tập thể, hộ gia đình, vốn liên kết liên doanh, vốn vay ngân hàng. Riêng huyện Duyên Hải nguồn vốn được sử dụng từ nguồn tỉa thưa rừng đước.

6/ Về tổ chức thực hiện : Sở Lâm nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng thành phố, quận huyện, lực lượng vũ trang, các đoàn thể, tổ chức triển khai và kiểm tra công tác trồng cây gây rừng năm 1989. Toàn thành phố lấy ngày sinh nhật Bác 19/5/89 để phát động phong trào trồng cây gây rừng và kết thúc vào cuối mùa mưa; tổ chức kiểm tra đánh giá báo cáo kết quả tiến độ thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt tiến độ kế hoạch.

7/ Sở Lâm nghiệp, Sở Văn hóa Thông tin, Ban Thi đua khen thưởng thành phố, các báo, đài có kế hoạch đưa tin biểu dương những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình để thúc đẩy phong trào thi đua trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng năm 1989 đạt kết quả, đồng thời phê phán những đơn vị cá nhân làm chưa tốt, hoặc có hành vi phá hoại rừng ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/CT-UB về việc phát động và đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng năm 1989 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 12/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 28/04/1989
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Văn Cương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/04/1989
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản