ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÉT CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH CHO CÁC CƠ SỞ THƯƠNG NGHIỆP, DỊCH VỤ, ĂN UỐNG
Tiếp theo chỉ thị số 44/CT-UB ngày 29-12-1980 về việc xét giấy phép kinh doanh cho các cơ sở sản xuất, sửa chữa có tính cách công nghiệp và vận tải. Uỷ ban Nhân dân thành phố hướng dẫn tiếp việc xét cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở thương nghiệp, dịch vụ, ăn uống.
Việc xét cấp giấy phép kinh doanh lần này vừa căn cứ vào yêu cầu chung về chỉ đạo quản lý kinh tế vừa căn cứ vào tình hình đặc điểm sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp của thành phố. Trên tinh thần đó, những mặt hàng nào Nhà nước đã thống nhất quản lý, những nghề nào Nhà nước đã cấm tư nhân kinh doanh thì dứt khoát không cấp giấy phép kinh doanh; những ngành nghề đã phát triễn một cách bừa bãi không có lợi cho yêu cầu phát triễn sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân thì cần thông qua việc xét cấp giấy phép kinh doanh mà từng bước tổ chức, sắp xếp lại cho hợp lý. Tuy nhiên trong việc làm này không hoàn toàn căn cứ vào yêu cầu chỉ đạo, quản lý kinh tế mà còn phải căn cứ vào khả năng giải quyết công ăn việc làm, đời sống cho nhân dân thành phố. Đối với những mặt hàng mà thương nghiệp quốc doanh chưa đủ khả năng vươn lên để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân thì không hạn chế việc xét cấp giấy phép kinh doanh và cũng không hạn chế việc xét cấp giấy phép kinh doanh đối với những nghề cần thiết cho đời sống của một thành phố công nghiệp , một trung tâm giao dịch quốc tế như thành phố Hồ Chí Minh. Riêng đối với ngành dịch vụ cần điều tra nắm nhu cầu của xã hội trên từng địa bàn, để điều hoà hoạt động của ngành này, không để có nơi tập trung quá nhiều cơ sở dịch vụ, có nơi không có, hoặc có quá ít không đủ thoả mãn nhu cầu của Nhân dân.
Căn cứ phương hướng trên, Uỷ ban Nhân dân thành phố hướng dẫn cụ thể về điều kiện hành nghề, về những mặt hàng và nghề cấm kinh doanh, những mặt hàng và nghề cấm hạn chế như sau:
I – VỀ ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ
Về nguyên tắc chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho những người có hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đối với những người thực tế cư ngụ tại thành phố và đã kinh doanh lâu năm ở thành phố thi có thể xét giải quyết cho những trường hợp sau:
- Có giấy di chuyển hộ khẩu đến thành phố, đang chờ thủ tục nhập hổ khẩu.
- Có giấy đăng ký tạm trú dài hạn và đã ở trong thành phố từ 6 tháng trở lên.
- Những người từ trước đến nay ở lại thành phố nhưng không có nơi cư trú nhất định và không có đăng kí hộ khẩu, nhưng được phường, xã xác nhận là người ở trong thành phố.
Riêng đối với những người kinh doanh ngành ăn uống và làm những nghề phục vụ như hớt tóc, uốn tóc… chủ kinh doanh và những người trực tiếp phục vụ khách hàng không mắc bệnh truyền nhiễm như lao, cùi…Cơ quan ý tế quận, huyện có nhiệm vụ tổ chức khám sức khoẻ và xác nhận tình trạng sức khoẻ khi được yêu cầu (đối với những người bị nghi là mắc bệnh truyền nhiễm).
Những người sau đây không được cấp giấy phép kinh doanh dù mặt hàng hay nghề kinh doanh không thuộc loại cấm:
- Cán bộ, công nhân viên chức, quân nhân, thanh niên xung phong đang tại chức.
- Tư sản thương nghiệp đã được cải tạo, bỏ sản xuất trở lại kinh doanh.
- Trẻ em vị thành niên.
- Những người đang sản xuất, công tác, bỏ nghề ra xin kinh doanh.
- Những người trong quá trình kinh doanh đã nhiều lần vi phạm các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
II – VỀ MẶT HÀNG VÀ NGHỀ CẤM KINH DOANH.
Không cấp giấy phép kinh doanh cho những người buôn bán những mặt hàng, những nghề sau đây:
1) – Buôn bán những mặt hàng do Nhà nước thống nhất quản lý :
- Vàng bạc, ngoại tệ, bạch kim, kim cương, đá quý.
- Nhiên liệu : xăng dầu, dầu mỏ công nghiệp, than mỏ, hơi đốt.
- Nguyên liệu (không kể phế phẩm, phế liệu): các loại kim loại đen, kim loại màu, sợi (coton), sợi tổng hợp.
- Vật tư: xi măng, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, vật liệu điện (gồm dây và dây cáp điện thoại, bóng đèn thuỷ ngân cao áp).
- Các loại máy móc, phụ tùng do Nhà nước sản xuất hoặc nhập từ nước ngoài (không kể đồ củ, đồ phế thải).
- Thuốc lá ngoại, thuốc phiện, cần san, ma tuý.
- Các loại tem phiếu.
- Các loại chất nổ.
- Các loại gỗ tròn, gỗ xẻ (không kể gỗ vườn, cây, ván, cũ).
- Hoa hồi, thầu dầu
- Các loại sách báo, tranh ảnh, băng nhạc, dĩa hát phản động, đồi truỵ, thuộc danh mục cấm của cơ quan văn hoá thông tin.
2) – Buôn bán những mặt hàng mà Uỷ ban Nhân dân thành phố cấm tư nhân sản xuất theo chỉ thị số 44/CT-UB ngày 29-12-1980.
3) – Buôn bán thuốc tây và dụng cụ y tế các loại.
4) – Làm những nghề phục vụ giải trí mang tính chất cờ bạc trá hình (quay số, xổ đề..)
5) – Làm nghề quảng cáo bán thuốc lưu động có kết hợp trị bệnh hay không kết hợp trị bệnh.
6) – Làm nghề bói toán, xem tướng, tử vi… và tất cả những nghề có tính chất mê tín, dị đoan.
III. – VỀ MẶT HÀNG VÀ NGHỀ CẦN HẠN CHẾ KINH DOANH.
1 – Buôn bán lương thực: Sở lương thực phải nhanh chóng có kế hoạch cải tạo và tổ chức lại toành ngành lương thực thành phố từ chỗ bán buôn và bán lẻ, có chính sách và biện pháp thật phù hợp. Trước mắt đối với tiểu thương bán lẻ lương thực, tuỳ theo nhu cầu của từng địa phương mà xét cấp giấy phép kinh doanh cho một số người đủ đảm bảo lưu thông hàng hoá và phân phối đến tay người tiêu dùng, ưu tiên chọn những người lâu nay chuyên sống về nghề này. Đối với thương lái, chủ chành, chủ vựa, vì yêu cầu khơi nguồn hàng về thành phố, trước mắt có thể cấp giấy phép kinh doanh cho một số người đã làm tốt nghĩa vụ trong việc hợp tác với thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã, có thái độ làm ăn đúng đắn.
2 – Buôn bán thịt, cá: đối với tiểu thương bán lẻ có thể xét cấp giấy phép rộng rãi, nhưng đối với thương lai, chủ vựa thì chỉ chọn những người có nghiệp vụ, làm ăn đúng đắn, đã làm tốt việc khơi nguồn hàng về thành phố.
3 – Buôn bán máy móc, phụ tùng cũ, phế thải : chỉ cấp giấy phép cho những người đang hành nghề (không cấp cho những người mới xin ra nghề) nhưng cần tổ chức họ vào những địa điểm quy định để dễ quản lý.
4 – Buôn bán cây , ván cũ : giải quyết như đối với những người buôn bán máy móc, phụ tùng cũ.
5 – Thợ kim hoàn (thợ vàng, thợ bạc ăn công): chỉ cấp giấy phép cho những cơ sở tập thể. Đối với cá nhân đang hành nghề thợ kim hoàn, cần tổ chức sắp xếp họ thành từng tổ, rồi mới xét cấp giấy phép cho tổ. Khi xét cấp, quận, huyện phải bàn bạc kỹ với Ngân hàng thành phố.
6 – Cho thuê bàn đá banh: Chỉ cấp giấy phép cho những cơ sở đã hoạt động trước tháng 7/1980. Những cơ sở nào đã vi phạm các quy định về hành nghề như đã tổ chức chơi ăn tiền có tinh cách cờ bạc, thì không được cấp giấy phép.
7 – Bán cà phê, giải khát: chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho những người đã đăng ký từ đầu năm 1980, với điều kiện không được sử dụng chiêu đãi viên không đúng đắn, chơi nhạc đồi truỵ, phản động.
Yêu cầu các ngành, các cấp nghiên cứu chỉ thị này và tổ chức thực hiện đúng chủ trương của thành phố để đảm bảo việc xét cấp giấy phép kinh doanh đạt yêu cầu như đã nói trên.
Với những người chưa được cấp giấy phép hoặc không được cấp giấy đăng ký kinh doanh phải tuyên truyền vận động họ, tìm mọi cách giải quyết nghề nghiệp sinh sống cho họ.
| T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 12/CT-UB năm 1981 về việc xét cấp giấy phép kinh doanh cho các cơ sở thương nghiệp, dịch vụ, ăn uống do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 12/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 27/03/1981
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Đình Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/03/1981
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực