Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-TTg | Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH – LIỆT SĨ (27/7/1947 – 27/7/2012)
Tri ân những người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể nhân dân. Hơn 60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công. Các cơ quan đoàn thể và nhân dân cùng với các cơ quan nhà nước đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa chăm sóc người có công.
Đến nay, hơn 96% gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên. Người có công và thân nhân của họ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Để tiếp tục tôn vinh người có công; đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của họ, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ, Ban, ngành đoàn thể trung ương; các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tăng cường chăm sóc người có công và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa để người có công và thân nhân của họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; ưu tiên lo nhà ở cho gia đình thương binh liệt sỹ trong năm 2012; chăm sóc và tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi tên, đền thờ liệt sĩ).
Tuyên truyền sâu rộng và tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; giáo dục truyền thống cách mạng, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể trung ương; các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, cụ thể để tất cả người có công và thân nhân của họ đều được quan tâm chăm sóc, ổn định về vật chất, động viên về tinh thần.
Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ trang trọng, có ý nghĩa thiết thực.
2. Các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ.
a) Mít tinh kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 7 năm 2012.
b) Cầu truyền hình trực tiếp trên VTV1 với 4 đầu cầu: Hà Nội (trường quay), Quảng Trị (Nghĩa trang Đường 9), Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam), Kiên Giang (Nhà tù Phú Quốc) vào 20 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2012.
c) Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc tại Đà Nẵng vào đầu tháng 7 năm 2012.
d) Phát động phong trào toàn dân chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ và công bố danh sách các trường nhận chăm sóc hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc trước ngày 27 tháng 7 năm 2012.
đ) Thi sáng tác ca khúc ngợi ca thương binh, liệt sĩ và người có công.
e) Giao lưu thế hệ trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
g) Khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
3. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chỉ đạo thực hiện các hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ thiết thực, trang trọng.
b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí mở các chuyên mục tuyên truyền chính sách ưu đãi người có công, biểu dương người tốt việc tốt trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
c) Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức cầu truyền hình trực tiếp trên VTV1 vào 20 giờ ngày 26 tháng 7 năm 2012.
d) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc ca ngợi thương binh, liệt sĩ và người có công.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương chỉ đạo để tất cả các nghĩa trang liệt sĩ đều được các cơ sở giáo dục nhận chăm sóc.
e) Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí theo quy định cho các hoạt động kỷ niệm 65 năm với tinh thần tiết kiệm, tránh hình thức lãng phí.
g) Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, đề nghị khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; người có công, gia đình liệt sĩ tiêu biểu.
h) Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các hoạt động thiết thực cụ thể chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Ban Tổ chức hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Chỉ thị 12/CT-TTg năm 2012 về tăng cường chăm sóc người có công cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2012) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 12/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/04/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra