Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2003/CT-UBBT

Phan Thiết, ngày 8 tháng 5 năm 2003

 

CHỈ THỊ

V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VŨ TRƯỜNG, KARAOKE, QUẢNG CÁO VÀ CÁC DỊCH VỤ VĂN HÓA KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.

Trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện Nghị định 87/CP, 88/CP của Chính phủ; Chỉ thị 09/2000/CT-TTg ngày 20/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, lập lại trật tự kỷ cương và góp phần làm lành mạnh hoá các hoạt động văn hoá - xã hội trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả khích lệ, được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình ủng hộ.

Hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa như: vũ trường, karaoke, quảng cáo và các dịch vụ văn hoá khác trên địa bàn tỉnh ta ngày một phát triển, góp phần đáp đứng tốt hơn về nhu cầu hưởng thụ và giải trí lành mạnh của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của một số điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa đã vi phạm các quy định của Nhà nước. Trong đó, nổi cộm là dịch vụ karaoke, vũ trường ... thường xuyên vi phạm về sử dụng tiếp viên, giờ giấc hoạt động, tiếng ồn phát ra bên ngoài và không đảm bảo an ninh - trật tự, đã xảy ra vụ án hình sự mà dư luận tất quan tâm tại trung tâm thành phố Phan Thiết, gây ảnh hưởng và tác động xấu đến đời sống, sinh hoạt, học tập của nhân dân và học sinh. Trên lĩnh vực bán và cho thuê băng - đĩa hình, đã xuất hiện trở lại tình trạng in sang lậu, vi phạm luật bản quyền, lén lút cho thuê băng hình có nội dung không lành mạnh; một số trường hợp đã chấm dứt hợp đồng đại lý với Công ty Điện ảnh Tỉnh nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục hoạt động trái phép, trốn lậu thuế. Hoạt động quảng cáo các sản phẩm hàng hoá, thương mại chưa được chấn chỉnh kịp thời; vẫn còn xảy ra tình trạng quảng cáo quá thời hạn, treo, lắp đặt pa nô, biển quảng cáo tùy tiện, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.

Công tác thanh tra, kiểm tra các tụ điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa không được quan tâm duy trì thường xuyên và thực hiện thiếu kiên quyết; một số địa phương còn buông lỏng công tác thanh - kiểm tra, nhất là ở địa bàn cấp xã, phường, thị trấn. Mối quan hệ phối hợp giữa các ngành chức năng từ tỉnh xuống huyện chưa được xây dựng kế hoạch, quy chế rỏ ràng mà chủ yếu chỉ thiên về giải quyết những vụ, việc nên hiệu quả chưa cao.

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, thiếu sót, từng bước lập lại trật tự trên lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa, Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt một số công việc sau đây:

1. Giao Sở Văn hoá Thông tin chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, Ngành liên quan căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, tích cực thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke, quảng cáo cũng như các dịch vụ văn hoá khác trên phạm vi toàn tỉnh, cụ thể:

1.1. Điều kiện cấp phép và điều kiện hoạt động vũ trường:

+ Điều kiện cấp phép :

- Vũ trường phải có sàn khiêu vũ từ 80 m2 trở lên, bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.

- Sàn khiêu vũ phải cách trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ngoài bán kính 200m, trừ các trường hợp đã được cấp phép trước ngày Thông tư số 35/2002/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin có hiệu lực (tức là trước ngày 05-01-2003).

- Người điều hành hoạt động trực tiếp tại sàn khiêu vũ phải có trình độ trung cấp chuyên ngành về văn hoá nghệ thuật trở lên.

- Trang thiết bị, phương tiện hoạt động của phòng khiêu vũ phải bảo đảm chất lượng âm thanh.

+ Điều kiện hoạt động :

- Có nội quy hoạt động được niêm yết công khai ở nơi thuận tiện để mọi người dễ nhận biết và thực hiện.

- Không phát hành vé quá sức chứa theo thiết kế cho phép của sàn khiêu vũ.

- Các vũ trường sử dụng vũ công phải có hợp đồng lao động và quản lý hoạt động của vũ công theo nội dung của hợp đồng.

- Chủ vũ trường phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự quy định tại Điều 4 Nghị định 08/CP ngày 22/2/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Bảo đảm âm thanh vang ra ngoài phòng khiêu vũ không vượt quá quy định của Nhà nước Việt Nam về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép “TCVN 5949” được đo tại cửa sổ và cửa ra vào như sau :

* Từ 6 giờ đến dưới 18 giờ không quá 60 đề-xi-ben.

* Từ 18 giờ đến dưới 22 giờ không quá 55 đề-xi-ben

* Từ 22 giờ đến 24 giờ không quá 50 đề-xi-ben.

- Ánh sáng trong phòng khiêu vũ với độ sáng trung bình trên 10 lux tương đương một bóng đèn sợi đốt 40 W cho 20 m2.

- Các tác phẩm âm nhạc được sử dụng phải là các tác phẩm được phép lưu hành, có nội dung không vi phạm Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ và các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 7 Thông tư 05/TT-PC ngày 08/01/1996 của Bộ Văn hoá - Thông tin.

- Không được hoạt động trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 5 giờ sáng. Trường hợp vũ trường cần hoạt động sau 24 giờ để phục vụ khách nước ngoài, phải được phép của Sở Văn hóa - thông tin, nhưng cũng không được quá 2 giờ sáng.

1.2. Điều kiện cấp phép và điều kiện hoạt động dịch vụ karaoke:

+ Điều kiện cấp phép :

- Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Đối với phòng karaoê đã được cấp phép hoạt động trước ngày ban hành Nghị định 87/CP (tức là trước ngày 12/12/1995) của Chính phủ, phải có diện tích sử dụng từ 14m2 trở lên, bảo đảm điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

- Trang thiết bị, phương tiện hoạt động của phòng karaokê bảo đảm chất lượng màu sắc, âm thanh, hình ảnh.

+ Điều kiện hoạt động :

- Nhân viên phục vụ tại phòng karaoke phải có hợp đồng lao động và được quản lý theo nội dung hợp đồng lao động.

- Không bán rượu tại nơi hoạt động karaoke.

- Chủ nhà hàng karaoke phải bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự quy định tại Điều 4 Nghị định 08/CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Bảo đảm âm thanh vang ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước Việt Nam về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép “TCVN 5949” được đo tại cửa sổ và cửa ra vào như quy định đối với hoạt động khiêu vũ.

- Băng, đĩa karaoke sử dụng tại phòng karaoke phải dán nhãn kiểm soát của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Cục Điện ảnh. Nếu sử dụng đầu máy IC chips phải có danh mục bài hát đã được Sở Văn hóa - Thông tin cho phép sử dụng và đóng dấu đỏ từng trang.

- Không được hoạt động trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến 5 giờ sáng.

1.3 Điều kiện cấp phép và điều kiện hoạt động quảng cáo và các dịch vụ văn hoá khác phải tuân thủ theo đúng quy định tại Pháp lệnh Quảng cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 24/2003/NĐ-CP ngày 13/3/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo, Nghị định 87/CP, 88/CP, 31/CP, 24/CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định của Bộ Văn hoá Thông tin.

2. Các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an Tỉnh, Quản lý thị trường, Thương mại - Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hoá - Thông tin trong việc tổ chức rà soát, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ văn hoá hoạt động theo đúng Luật doanh nghiệp.

3. Một số quy định bắt buộc:

- Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke và các dịch vụ văn hoá khác lợi dụng ngành nghề kinh doanh để dung túng những phần tử xấu, làm nơi chứa chấp, môi giới, tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, thuốc lắc, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác phát triển.

- Nghiêm cấm việc sử dụng gái ôm, tranh ảnh, băng- đĩa hình có tính chất khiêu dâm, đồi truỵ, kích động bạo lực tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, nhà hàng, karaoke, nơi hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá công cộng khác.

- Nghiêm cấm tiếp viên nữ, vũ nữ, nữ nhân viên nhà hàng và karaoke tham gia ăn, uống, hát chung với khách hoặc có những hành động mang tính chất khiêu dâm, kích dục, môi giới mại dâm đối với khách.

- Các cơ sở hoạt động vũ trường, nhà hàng, karaoke và các dịch vụ văn hoá khác phải xây dựng nội quy hoạt động, ký hợp đồng lao động với nhân viên và quản lý nhân viên, hướng dẫn khách hàng thực hiện theo đúng nội quy, quy chế. Nếu vi phạm, bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính lần thứ 3 thì thu hồi giấy phép hành nghề và đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ.

- Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý thích đáng các cơ sở đại lý bán và cho thuê băng - đĩa hình cố tình vi phạm luật bản quyền, in sang băng - đĩa, lén lút kinh doanh trái phép, nhất là đối với một số đại lý đã nghỉ hợp đồng với Công ty Điện ảnh tỉnh mà vẫn tiếp tục kinh doanh, trốn lậu thuế, lưu hành, truyền bá những sản phẩm văn hoá có nội dung độc hại.

- Đối với những trường hợp hoạt động có tổ chức nhằm chống đối, cản trở sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, của Đội kiểm tra liên ngành, chuyên ngành (như gắn chuông báo động, xây phòng có hầm ngầm hoặc gác xép làm nơi trú ẩn bất hợp pháp cho tiếp viên, thuê bọn côn đồ canh gác, bảo kê …) sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

4. Tăng cường củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành 814 và Đội kiểm tra chuyên ngành các cấp. Đội kiểm tra liên ngành 814 các cấp, trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu phát hiện có người bao che hoặc bắt quả tang bất cứ cán bộ, viên chức Nhà nước nào liên quan đến các tệ nạn xã hội thì lập biên bản, thông báo về cơ quan, đơn vị đó biết và chuyển hồ sơ cho các ngành chức năng xử lý theo thẩm quyền.

5. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường vai trò quản lý Nhà nước một cách toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng đến các hoạt động vũ trường, karaoke, quảng cáo và các dịch vụ văn hoá khác tại địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội ở địa bàn dân cư, thiết thực góp phần lành mạnh hoá đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ở cơ sở.

6. Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh truyền hình Bình Thuận tích cực phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và các ngành hữu quan trong tỉnh xây dựng chuyên mục, chuyên trang, kịp thời viết bài, đưa tin phản ánh kết quả thực hiện Chỉ thị này.

7. Đề nghị Liên đoàn Lao động Tỉnh bổ sung tiêu chí xây dựng Đơn vị có Nếp sống văn minh về nội dung vận động cán bộ, viên chức Nhà nước không được tổ chức, tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội (bia ôm, cà phê ôm, karaoke ôm...). Những trường hợp vi phạm thì thông báo cho Thủ trưởng cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền để áp dụng hình thức xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

8. Giao Sở Văn hóa - Thông tin theo dõi, đôn đốc và phối hợp tốt với các ngành, các địa phương triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả (kèm theo biên bản xử phạt đối với các cơ sở có vi phạm) cho Chủ tịch UBND Tỉnh để xem xét và chỉ đạo kịp thời ./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp
-TT Tỉnh uỷ 
- TT HĐND Tỉnh
- CT, các PCT UBND Tỉnh
- Các Sở, Ban, Ngành Tỉnh
- Mặt trận , Đoàn thể Tỉnh
- UBND các huyện, thành phố
- Báo Bình Thuận
- Lưu VP, VX

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2003/CT-UBBT về tăng cường quản lý hoạt động vũ trường, karaoke, quảng cáo và các dịch vụ văn hóa khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 12/2003/CT-UBBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 08/05/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản