Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 12/2002/CT.UB

Long Xuyên, ngày 20 tháng 3 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG

Trong những năm qua, Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản pháp qui chỉ đạo về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và trật tự - an toàn giao thông đô thị, trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ. Nhìn chung, các cấp, các ngành có nhiều nỗ lực thực hiện và đạt được kết quả nhất định.

Tuy nhiên, gần đây, nhiều nơi buông lỏng quản lý để xảy ra hiện tượng lấn chiếm lộ giới; lòng, lề đường; cất nhà trên bờ kênh, bắc cầu tiêu trên sông rạch, ao hầm... phát triển trở lại làm cho chất lượng môi trường diễn biến xấu, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông có chiều hướng gia tăng, đồng thời làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh và tạo ra hình ảnh không tốt dưới mắt khách đến An Giang. Trong khi đó, nước ta đang tiến gần lộ trình hội nhập kinh tế khu vực (vào AFTA từ năm 2003), vấn đề trật tự giao thông, văn minh đô thị, bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững là hết sức quan trọng, đặc biệt là phải bảo vệ uy tín và phát huy thế mạnh về lương thực và thủy sản của tỉnh.

Xuất phát từ yêu cầu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các ngành, các cấp khẩn trương thực hiện một số công tác và nội dung chủ yếu sau đây:

1- Giải tỏa toàn bộ các cầu tiêu bắt trên ao cá, sông, kênh, rạch kể cả nơi xa xôi hẻo lánh. Trong tháng 4 cần phải tập trung giải toả dứt điểm ven các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ.

- Buộc các chủ các phương tiện sản xuất kinh doanh neo đậu trên mặt nước có người sinh hoạt thường xuyên trên đó như: nhà bè nuôi cá, nhà bè xăng dầu, nhà bè mua bán, nhà nổi..., kể cả nhà ở trên sông, kênh, rạch (chưa di dời) đều phải trang bị cầu vệ sinh tự hoại, phải thu gom rác, không được bỏ xuống sông.

- Các cơ sở sản xuất có chất thải gây ô nhiễm; bệnh viện phải lắp đặt thiết bị xử lý nước thải, không được trực tiếp xả nước thải xuống sông, kênh rạch.

- Cấm chăn thả vịt đàn trên sông, kênh, rạch và các công trình thủy lợi.

2- Kiên quyết ngăn chặn hiện tượng vi phạm Nghị định 36/CP tái lấn chiếm hành lang lộ giới, vĩa hè để cất nhà, dựng lều, lập quán, để vật cản khác hoặc lấn chiếm đất công như: công viên, trường học, trạm bơm, đình, miếu, đất đã được nhà nước đền bù thành quả lao động...; đồng thời phải tháo dở ngay nhà (hoặc một phần nhà) cất gie ra mặt nước sông rạch mới phát sinh từ năm 1995, là năm tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị 200/CT-TTg, cho tới nay.

3- Ngăn chặn và giải tỏa việc buôn bán và tụ tập nhóm chợ trên cầu, dốc cầu, giao lộ, lề đường, vĩa hè.

- Thực hiện nghiêm chủ trương cấm chất chà trên kinh đào, lòng xép, mương, rạch và tháo dở ngay các đống chà vi phạm.

- Thực hiện nghiêm việc cấm triệt để phơi lúa hoặc bày chướng ngại vật khác trên trên quốc lộ, tỉnh lộ, đường nông thôn đã đổ bê tông, láng nhựa. Các trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý theo quy định.

4- Từ nay, việc xem xét công nhận gia đình văn hóa; khóm, ấp, xã văn hóa phải thực hiện đúng Quyết định số 01/2002/QĐ-BVHTT ngày 02/01/2002 của Bộ Văn hóa-Thông tin, trong đó, một số nội dung chủ yếu đã được cụ thể hoá tại Chỉ thị này. Nơi nào đã được công nhận nhưng nay xét không đạt thì phải lập kế hoạch củng cố. Đến cuối năm 2002, nếu vẫn không đạt thì phải rút lại danh hiệu đã được công nhận.

5- Để thực hiện những nội dung trên, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn khảo sát, kiểm kê phân loại nhà trong diện phải di dời và lập biên bản các trường hợp vi phạm trên địa bàn mình quản lý, có hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng và buộc cam kết thực hiện theo quy định trên tinh thần dân chủ và tôn trọng kỷ cương.

Để giải toả dứt điểm nhà cất trên đất công và hành lang lộ giới, hành lang sông rạch, chính quyền địa phương có trách nhiệm qui hoạch và xây dựng khu dân cư mới để di dời tất cả vào đó. Công việc nầy gắn với chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ để thực hiện và phải hoàn thành trước năm 2005.

Khẩn trương xây dựng các nhà vệ sinh công cộng ở các tụ điểm, khu dân cư, chợ nông thôn. Khuyến khích và tạo điều kiện để xã hội hóa việc cất nhà vệ sinh công cộng, tổ chức thu gom, xử lý rác; cho tư nhân tham gia và thu phí dịch vụ vệ sinh. Chỉ đạo các đơn vị công trình công cộng chuẩn bị phương tiện rút hầm cầu trên các bè cá, nhà nổi, ghe, tàu. Từng xã phải có kế hoạch phát động nhân dân xây dựng cầu vệ sinh tự hoại, sử dụng nước sạch và xử lý rác trong phạm vi hộ gia đình.

Nơi nào có nhu cầu nhóm chợ, UBND huyện, xã nơi đó có trách nhiệm chủ động qui hoạch, xây dựng chợ để bảo đảm tốt lưu thông hàng hóa và phát triển thương mại-dịch vụ trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng họp chợ tự phát kéo dài gây cản trở, ách tắc giao thông.

Chính quyền các cấp phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể sinh hoạt cho các tầng lớp dân cư, hội viên nội dung Chỉ thị nầy để thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Các Sở có liên quan chỉ đạo cho Thanh tra ngành thường xuyên kiểm tra các nội dung chỉ đạo trên đây để thống nhất với chính quyền cơ sở về các biện pháp phối hợp thực hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.

- Công an giao thông và Thanh tra giao thông phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tăng cường giáo dục, kiểm tra và xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường theo đúng quy định của pháp luật.

- Ngân hàng phục vụ người nghèo nghiên cứu đề xuất cho hộ nghèo, ngưỡng nghèo vay vốn để làm cầu vệ sinh tự hoại.

- Sở Khoa học -công nghệ&MT tiếp tục nghiên cứu, cải tiến và giới thiệu các mô hình cầu vệ sinh tự hoại (composite) do các cơ sở trong, ngoài tỉnh sản xuất cho bè cá, ghe, tàu, nhà nổi, nhà sàn ...lắp đặt; phối hợp với Sở Nông nghiệp&PTNT và các địa phương kiểm tra quá trình thực hiện.

- Sở Xây dựng đưa ra thiết kế các mô hình cầu vệ sinh tự hoại đơn giản, rẻ tiền áp dụng cho các hộ gia đình nông thôn; cho nhà sàn ở vùng ngập sâu đầu nguồn và hướng dẫn nhân dân thực hiện.

- Sở Nông nghiệp&PTNT hướng dẫn chính quyền xã lập kế hoạch tổ chức phát động nông dân làm lò sấy, sân phơi lúa; phối hợp với các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời phục vụ cho sấy lúa vụ Hè Thu.

- Sở Giao thông- Vận tải nghiên cứu hướng dẫn và quy định bắt buộc các chủ phương tiện đường sông: tàu khách; xà-lan, ghe chở hàng có trọng tải lớn, máy cưa lưu động dài ngày... phải trang bị cầu vệ sinh tự hoại.

- Sở Văn hóa-Thông tin phối hợp UBND các cấp kiểm tra việc thực hiện quyết định số 01/2002/QĐ-BVHT và làm việc thống nhất với UBMTTQ để cụ thể hóa nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cùng với báo, đài thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Nhà nước về bảo vệ môi trường và trật tự an toàn giao thông, nêu gương “Người tốt việc tốt” để khuyến khích, cổ vũ mọi người thực hiện thành phong trào rộng khắp trong xã hội.

- Các DNNN và câu lạc bộ thủy sản, HTX thủy sản phải đưa những nội dung có liên quan trong Chỉ thị nầy vào các hợp đồng liên kết kinh tế, nội qui câu lạc bộ, điều lệ HTX để quy định cho người nuôi cá, hội viên, xã viên thực hiện.

- Sở Thương mại -Du lịch sơ kết công tác qui hoạch và xây dựng chợ nông thôn.

6- Nội dung chỉ đạo trên đây được đưa vào tiêu chuẩn thi đua của huyện, xã và các ngành; công khai thông báo, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, đưa vào nội dung sinh hoạt tại các diễn đàn, hội thảo chuyên đề, câu lạc bộ nông dân, ngư dân... phổ biến toàn văn đến tận xã, ấp và nhân dân. Kết quả thực hiện các cấp, các ngành phải báo cáo định kỳ hàng tuần, tháng, năm cho UBND tỉnh.

Đề nghị các cấp ủy Đảng huyện, thị xã, thành phố khi xét công nhận “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” có lồng thêm tiêu chuẩn “Lãnh đạo chính quyền, đoàn thể ở cơ sở thực hiện tốt vệ sinh môi trường tại cộng đồng”.

Sau khi có Chỉ thị nầy, địa phương nào để tiếp tục phát sinh tình trạng lấn chiếm đất công và hành lang lộ giới, hành lang bảo vệ sông, rạch để cất nhà ở, hàng, quán, phơi lúa, bày chướng ngại vật trên đường...Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Cuối năm, UBND tỉnh sẽ tổ chức sơ kết chuyên đề về các nội dung chỉ đạo trên đây và xét thi đua khen thưởng.

ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu UBND các cấp, các ngành có liên quan phối hợp, phân công rõ trách nhiệm và thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU,TT.HĐND, TT.UBND
- Các Sở, Ban ngành tỉnh, DNNN
- UBMTTQ và đoàn thể cấp tỉnh (đã ký)
- Cấp ủy, HĐND và UBND huyện, thị TP.
- Chánh, Phó VP.UB,
- Phòng TH,KT,VX
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 12/2002/CT-UB về đẩy mạnh thực hiện biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường và trật tự an toàn giao thông do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 12/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/03/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản