Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 117-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1996 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI VÀ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG CHO HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM

Người cao tuổi nước ta chiếm khoảng 10% số dân và ngày càng tăng, là lớp người có công sinh thành, nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ con cháu, giữ gìn và phát triển giống nòi, bảo vệ và phát triển thuần phong, mỹ tục và truyền thống yêu nước của dân tộc. Một bộ phận đông đảo người cao tuổi đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta "kính lão đắc thọ" Đảng và Nhà nước ta coi việc quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là đạo lý của dân tộc, là tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền và đã đề ra nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đó.

Những năm gần đây, sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu rất quan trọng, kinh tế của đất nước có sự phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, trong đó có người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay cuộc sống của người cao tuổi nói chung còn nhiều vấn đề cần được giải quyết, một bộ phận người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhất là những người cô đơn, bất hạnh, có những trường hợp trách nhiệm, lòng hiếu thảo, sự tôn kính của con cháu đối với ông bà, bố mẹ già không đáp ứng đòi hỏi của đạo lý và pháp luật.

Để phát huy truyền thống của dân tộc, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và hỗ trợ hoạt động của Hội đồng người cao tuổi, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1/ Về chăm sóc người cao tuổi:

Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị thuộc quyền thường xuyên quan tâm là tốt công tác chăm sóc người cao tuổi. Công tác này cần được thể hiện trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn và dài hạn của địa phương, trong chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; chỉ đạo các cơ quan văn hoá, thông tin, giáo dục và đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về ý thức, thái độ và nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ, kính trọng người cao tuổi.

Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước trong khi hoạch định các kế hoạch, phát triển kinh tế, xã hội và các chương trình quốc gia, cần chú ý bồi dưỡng và phát huy nguồn lực người cao tuổi. Hàng năm cần dành một tỷ lệ thích đáng ngân sách để giải quyết các vấn đề xã hội, chăm sóc, bồi dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi và hỗ trợ Hội người cao tuổi.

2/ Đối với Hội người cao tuổi:

Hội người cao tuổi Việt Nam mới được Chính phủ cho phép thành lập ngày 24/9/1994 sẽ tạo thêm thuận lợi cho công tác chăm sóc và phát huy người cao tuổi. Hội có tư cách pháp nhân, hoạt động theo Điều lệ phù hợp với Hiến pháp và pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hỗ trợ của Chính phủ về kinh phí và điều kiện hoạt động.

Hội người cao tuổi Việt nam ở xã, phường thị trấn được thành lập theo đúng pháp luật và điều lệ của Hội người cao tuổi Việt nam thì có con dấu riêng để hoạt động.

Để Hội nhanh chóng ổn định tổ chức, mở rộng hoạt động ở cơ sở có hiệu quả, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền cần làm tốt những việc sau đây:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý về mặt nhà nước đối với hội người cao tuổi có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn Hội hoạt động theo đúng đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước. Định kỳ nghe Hội báo cáo tình hình, phản ánh tâm tư nguyện vọng của người cao tuổi, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, ban hành chính sách đối với người cao tuổi phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước, nhằm động viên kịp thời khả năng, kinh nghiệm của người cao tuổi cho đất nước.

b) Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về cơ sở vật chất và hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động cho Hội người cao tuổi ở Trung ương, xã, phường và thị trấn.

c) Các Bộ, ngành khi soạn thảo các văn bản pháp luật có liên quan đến chính sách người cao tuổi cần tham khảo ý kiến của Hội người cao tuổi Việt Nam trước khi trình Chính phủ và Quốc hội.

d) Bộ Y tế, Tổng cục Thể dục Thể thao tạo điều kiện và phối hợp với Hội phổ biến các kiến thức cần thiết cho sức khoẻ, hướng dẫn luyện tập phòng chữa bệnh, tổ chức việc khám chữa bệnh đối với người cao tuổi và nghiên cứu chính sách khuyến khích mở rộng bảo hiểm y tế tự nguyện của người cao tuổi.

e) Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường tạo điều kiện để hội người cao tuổi tham gia tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu khoa học về người cao tuổi.

g) Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam giúp đỡ Hội làm tốt nhiệm vụ thay mặt người cao tuổi Việt Nam trong quan hệ với các tổ chức người cao tuổi ngoài nước, các tổ chức NGO quốc tế theo đúng pháp luật của Nhà nước.

h) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân phối hợp với Nhà nước và với Hội người cao tuổi trong việc vận động gia đình và xã hội chăm sóc, bồi dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi phục vụ công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa và giúp đỡ Hội hoạt động có hiệu quả thiết thực, nhất là ở cơ sở.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 


Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 117-TTg năm 1996 về chăm sóc người cao tuổi và hỗ trợ hoạt động cho Hội người cao tuổi Việt Nam do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 117-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 27/02/1996
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 13/03/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản