Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 116-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 1978 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC CẤP CỨU NGƯỜI BỆNH VÀ NGƯỜI BỊ TAI NẠN 

Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong công tác cấp cứu người bệnh và người bị tai nạn, trang bị có được tăng cường, kỹ thuật chuyên môn có tiến bộ, do đó đã cứu chữa được kịp thời nhiều người trong tình trạng nguy kịch.

Tuy nhiên, công tác cấp cứu vẫn còn nhiều nhược điểm và thiếu sót:

Một số bệnh viện chưa xây dựng được khoa cấp cứu hồi sức tập trung, chưa chuyên môn hóa tổ chức và cán bộ cấp cứu; chưa bố trí được những cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, có tinh thần phục vụ cao và cũng chưa có đủ phương tiện, dụng cụ, thuốc men cần thiết cho công tác cấp cứu; một số cán bộ và nhân viên làm công tác cấp cứu thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu khẩn trương, khám chữa qua loa hoặc đùn đẩy người bệnh và người bị tai nạn đi nơi khác.

Quy chế cấp cứu chưa được cụ thể và chưa được thực hiện nghiêm túc. Thiếu kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên công tác cấp cứu. Khi có thiếu sót thì thường không xác định được trách nhiệm và xử lý thích đáng, để giáo dục cán bộ và nhân viên.

Mục tiêu của công tác cấp cứu là cứu sống người bệnh, người bị tai nạn, hạn chế các di chứng do bệnh tật và tai nạn để lại. Vì vậy, công tác cấp cứu có vị trí quan trọng trong việc chữa bệnh. Công tác cấp cứu phải hết sức khẩn trương, chính xác và phải được thực hiện bất kỳ lúc nào, với thời gian ngắn nhất.

Để bảo đảm mục tiêu và yêu cầu nói trên của công tác cấp cứu, Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị y tế ở tất cả các tuyến làm tốt công tác cấp cứu. Trước mắt chú ý:

1. Xây dựng khoa cấp cứu hồi sức lại tất cả các bệnh viện thuộc trung ương, tỉnh, thành phố, khu phố, quận, huyện thành một khoa riêng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của bệnh viện trường. Ở khoa này, cần sắp xếp những cán bộ và nhân viên có tinh thần phục vụ cao, có trình độ chuyên môn giỏi và cần có đầy đủ trang bị, thuốc men, v.v… cần thiết.

2. Tổ chức tốt các trạm cấp cứu lưu động và việc vận chuyển bệnh nhân.

3. Tổ chức rộng rãi mạng lưới cấp cứu trong quần chúng do Hội chữ thập đỏ làm nòng cốt, Cơ quan y tế địa phương có trách nhiệm bồi dưỡng những kiến thức cấp cứu thông thường, hướng dẫn những thao tác kỹ thuật cấp cứu cần thiết và cung cấp một số trang bị đơn giản cho anh chị em trong mạng lưới cấp cứu đó.

Bộ Y tế, Bộ Lao động, Bộ Tài chính cần cùng nhau bàn để sớm ban hành những chế độ thỏa dáng đối với cán bộ làm công tác cấp cứu hồi sức, như phụ cấp công tác, bồi dưỡng vật chất v.v… Cần kịp thời khen thưởng những cán bộ, nhân viên làm tốt công tác cấp cứu, hồi sức, kịp thời thi hành kỷ luật những người làm không tốt.

Bộ Y tế cần ban hành một quy chế mới, hoàn chỉnh về cấp cứu người bệnh và người bị tai nạn, và làm cho toàn ngành quán triệt. Chú ý những điểm sau đây:

1. Cấp cứu người bệnh và người bị tai nạn phải được thực hiện bất cứ thời gian nào, kể cả trong ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc.

2. Tất cả các bệnh viện, các phòng khám đa khoa, các trạm y tế v.v… phải sẵn sàng về mọi mặt (cán bộ, thuốc men, phương tiện, dụng cụ, v.v…) để làm tốt công tác cấp cứu hồi sức.

3. Bất kỳ người bệnh, người bị tai nạn cần được cấp cứu là ai, bệnh viện nào được yêu cầu (không kể là bệnh viện cán bộ, bệnh viện quân đội, hay bệnh viện nhân dân) phải nhanh chóng tiếp nhận và tiến hành cấp cứu ngay; chỉ sau khi người bệnh, người bị tai nạn đã qua giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng, thì mới được chuyển đến bệnh viện đúng tuyến, đúng chuyên khoa, để tiếp tục điều trị. Tuyệt đối không được đun đẩy người bệnh.

Bộ Y tế cần chỉ đạo tốt hơn nữa công tác cấp cứu hồi sức; đồng thời, các ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp, tùy theo chức năng của mình, có trách nhiệm hết sức giứp đỡ ngành y tế trong công tác này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 116-TTg năm 1978 về công tác cấp cứu người bệnh và người bị tai nạn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 116-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/02/1978
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: 15/02/1978
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 07/03/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản