Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 05 năm 1974 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUẢN LÝ THỐNG NHẤT CÁC CƠ SỞ CƯA XẺ GỖ

Quyết định số 17-CP ngày 03 tháng 02 năm 1972 của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý thống nhất các cơ sở cưa xẻ gỗ đến nay chưa được các ngành và các địa phương chấp hành nghiêm chỉnh. Hầu hết các ngành ở trung ương và hai thành phố lớn Hà-nội, Hải phòng chưa thực hiện việc chuyển giao này. Để chấp hành nghiêm chỉnh quyết định số 17-CP của Hội đồng Chính phủ về quản lý thống nhất các cơ sở cưa xẻ gỗ; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các địa phương có liên quan thi hành các việc cụ thể sau đây:

1. Các ngành và các địa phương mà đến nay chưa chuyển giao các cơ sở cưa xẻ gỗ cho ngành lâm nghiệp quản lý phải tích cực tiến hành việc chuyển giao ngay và chuyển giao toàn bộ tài sản, cán bộ, công nhân v.v… để việc sản xuất được tiếp tục thuận lợi (trừ các cơ sở cưa xẻ chuyên dùng phục vụ cho các nhà máy làm đồ gỗ như: nhà máy gỗ Cầu Đướng chuyên sản xuất diêm, bút chì, thoi dệt, dán, lạng, xưởng gỗ làm nhạc cụ; xưởng gỗ làm chân tay giả; xưởng gỗ Bạch đằng sản xuất khung cánh cửa).

Đối với các cơ sở cưa xẻ của các hợp tác xã thì ngành lâm nghiệp tiến hành gia công và quản lý chặt chẽ nguyên liệu và thành phẩm. Tổng cục Lâm nghiệp bàn bạc với liên hiệp hợp tác xã trung ương để có biện pháp giải quyết thích hợp.

2. Đối với các cơ sở cưa xẻ do ngành lâm nghiệp quản lý kể cả các xí nghiệp mới nhận của các ngành, các địa phương thì phải quản lý tốt, phát huy tác dụng đến mức cao nhất nhằm tiết kiệm và tận dụng gỗ trong cưa xẻ, bảo đảm cung cấp kịp thời về gỗ xẻ cho các nhu cầu, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chế biến và sử dụng gỗ.

3. Tổng cục Lâm nghiệp cần quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ, kể cả các cơ sở do trung ương quản lý và do địa phương quản lý, kể cả các cơ sở Nhà nước quản lý và tập thể quản lý trước hết sắp xếp lại tổ chức, trang thiết bị và quy định nhiệm vụ sản xuất cho từng xí nghiệp hiện có rồi mở thêm những nhà máy mới, tổ chức thành từng cụm cưa xẻ gỗ. Mỗi cụm cưa xẻ gỗ phải từng bước tiến lên hoàn chỉnh hệ thống sản xuất của nó gồm: kho gỗ tròn, xưởng, xẻ, xưởng ngâm tẩm sấy gỗ, xưởng ván sợi ép, ván dăm bào, xưởng mộc sơ chế và tận dụng, kho dự trữ gỗ xẻ tại các vùng gỗ tập trung hoặc tiêu thụ nhiều gỗ có điều kiện thuận lợi về vận chuyển, bốc dỡ, điện, nước v.v… Quy định rõ nhiệm vụ và sắp xếp lại hoặc trang bị thêm các lâm trường có khai thác gỗ những cơ sở cưa xẻ nhỏ nhằm tận dụng gỗ trong khai thác và tu bổ rừng để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và vùng lân cận, xẻ ván sàn xuất khẩu.

Các ngành ở trung ương và các địa phương từ nay không được tự tiện phát triển các cơ sở cưa xẻ gỗ. Các cơ quan cung cấp vật tư không được cung cấp vật tư cho các xí nghiệp cưa xẻ ngoài phạm vi chức năng Nhà nước quy định.

4. Phải tích cực thống nhất việc cưa xẻ gỗ và từng bước làm những việc nói trên để từ năm 1975 trở đi có thể tiến hành phân phối gỗ xẻ. Việc xây dựng kế hoạch, yêu cầu gỗ 1975  các ngành và các địa phương phải làm dự trù cụ thể nhu cầu về xẻ gỗ theo tiêu chuẩn Nhà nước đã ban hành (quyết định số 358-KHKT/QĐ, ngày 23 tháng 12 năm 1971). Tổng cục Lâm nghiêp chi cung cấp gỗ tròn cho những nhu cầu nhất thiết phải dùng gỗ tròn ngay từ bước đầu của dây chuyền công nghệ.

Tổng cục Lâm nghiệp phải xây dựng các kho để bảo quản và dự trữ gỗ xẻ đồng thời cải tiến thủ tục cấp phát để bảo đảm phân phối gỗ xẻ kịp thời đúng đối tượng, đúng số lượng và chất lượng và lập dự trù về thiết bị, vật tư, phụ tùng, thuốc ngâm tẩm, tổ chức mạng lưới sửa chữa các loại máy móc cưa xẻ v.v… cho toàn ngành.

Tổng cục Lâm nghiệp bàn bạc với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước xác định lại quy mô các xí nghiệp và nhiệm vụ sản xuất của các xí nghiệp cưa xẻ gỗ và các cơ sở cưa xẻ chuyên dùng cho các ngành trung ương và địa phương để xây dựng quy hoạch cụ thể về mạng lưới các cơ sở cưa xẻ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Tiết kiệm gỗ và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chế biến gỗ là yêu cầu cấp bách. Các Bộ, các ngành ở trung ương và Ủy ban Hành chính các tỉnh phải có biện pháp cụ thể, thiết thực tiến hành ngay những công việc cần thiết để nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị này và quán triệt chủ trương quản lý thống nhất các cơ sở cưa xẻ gỗ theo quyết định số 17-CP ngày 3-2-1972.

Cuối năm 1974, Tổng cục Lâm nghiệp phải báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị này lên Thủ tướng Chính phủ. 

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 


Đỗ Mười

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 114-TTg năm 1974 về việc thực hiện quản lý thống nhất các cơ sở cưa xẻ gỗ do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 114-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/05/1974
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 24/05/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản