Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 111-CT | Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CÔNG BỐ GIÁ, NIÊM YẾT GIÁ VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH GIÁ CHỈ ĐẠO CỦA NHÀ NƯỚC.
Thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TƯ ngày 24-2-1986 của Bộ Chính trị, Hội đồng Bộ trưởng đã có Nghị quyết số 31-HĐBT ngày 28-3-1986 về những chủ trương, biện pháp cấp bách để triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ chính trị; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) thực hiện ngay một số công tác về việc công bố giá, niêm yết giá và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành giá chỉ đạo của Nhà nước như sau:
1. Các Bộ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, các cơ quan tuyên truyền cần làm cho mọi người hiểu rõ mục đích của việc công bố giá, niêm yết giá là:
- Buộc các đơn vị kinh tế phải mua bán các sản phẩm, hàng hoá có giá chỉ đạo của Nhà nước theo đúng giá quy định, nhanh chóng ổn định tình hình thị trường và giá cả.
- Làm căn cứ để các cơ quan, đoàn thể, cá nhân thanh tra và kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực quốc doanh, tập thể, tư nhân chấp hành giá chỉ đạo của Nhà nước.
- Làm cho nhân dân yên tâm và tin tưởng vào chính sách giá của Đảng và Nhà nước.
2. Từ nay cho đến hết tháng 4 năm 1986, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh phải hoàn thành việc soát xét lại các bảng giá, quyết định giá những mặt hàng thuộc thẩm quyền.
Đối với những mặt hàng cần điều chỉnh giá (hoặc mới quyết định) phải tính toán chặt chẽ giá thành, phí lưu thông và căn cứ vào chính sách giá của Nhà nước để quyết định mức giá cụ thể cho hợp lý.
3. Uỷ ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm công bố trong tháng 5 năm 1986 các loại giá do Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Vật giá Nhà nước, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh quy định.
Trên cơ sở giá đã công bố, các cửa hàng quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán và các hộ kinh doanh tư nhân đều phải có bảng giá niêm yết treo tại cửa hàng và có thể niêm yết giá đối với từng mặt hàng trưng bày bán trên quầy.
Trước mắt cần tập trung vào công bố giá và niêm yết giá các loại vật tư, hàng hoá do Nhà nước thống nhất quản lý và độc quyền kinh doanh có liên quan trực tiếp đến việc ký kết hợp đồng kinh tế hai chiều trong thu mua nông sản, hải sản; đến đời sống cán bộ, công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang; đến việc bảo đảm ổn định hạch toán của các đơn vị kinh tế cơ sở quốc doanh.
Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có trách nhiệm đôn đốc và kiểm tra việc niêm yết giá theo giá đã công bố.
4. Trên cơ sở giá đã được các cấp có thẩm quyền công bố và niêm yết giá, các cơ quan Nhà nước, thanh tra và kiểm tra giá của các cơ quan Nhà nước kết hợp với các tổ chức thanh tra nhân dân và các đoàn thể quần chúng (công đoàn, thanh niên, phụ nữ, hội nông dân tập thể.. . ) phải tiến hành công tác thanh tra và kiểm tra các đơn vị kinh tế cơ sở, các ngành, các cấp chấp hành giá chỉ đạo của Nhà nước.
Trước mắt, cần tập trung vào kiểm tra việc thực hiện giá bán tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp gắn liền với giá mua nông sản; giá bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yết và dịch vụ quan trọng cho công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân lao động.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước cùng Uỷ ban Thanh tra Nhà nước và các ngành có liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành giá cả của một số tỉnh, thành phố hoặc khu vực sản xuất kinh doanh trọng điểm. Uỷ ban Nhân dân tỉnh được quyền và có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành giá chỉ đạo của Nhà nước đối với tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh (bao gồm cả các cơ sở do trung ương quản lý) hoạt động trên địa bàn của tỉnh.
5. Những đơn vị và cá nhân không chấp hành giá chỉ đạo của Nhà nước, cố tình vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá như quy định trong điều 15 Điều lệ quản lý giá sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo pháp luật hiện hành. Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp có trách nhiệm hoàn chỉnh lại thông tư hướng dẫn xử lý các vụ vi phạm kỷ luật về giá và khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích trong công tác kiểm tra, thanh tra giá.
Nhận được Chỉ thị này, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh phải tổ chức triển khai thực hiện kịp thời nhằm góp phần vào việc đấu tranh bình ổn vật giá, chặn đứng tình trạng tranh mua, tranh bán đẩy giá lên cao như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.
Uỷ ban Vật giá Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Chỉ thị này của các ngành, địa phương và cơ sở, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
Chỉ thị 111-CT năm 1986 công bố giá, niêm yết giá và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành giá chỉ đạocủa nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 111-CT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 25/04/1986
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 9
- Ngày hiệu lực: 10/05/1986
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra