Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Ninh Thuận, ngày 10 tháng 10 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỞI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp, có tốc độ lây nhiễm rất cao và có khả năng gây thành dịch, bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Số ca mắc Sởi hiện đang gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó khu vực Tây Thái Bình Dương số ca mắc bệnh năm 2023 đã tăng 255% so với năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo về khả năng bùng phát dịch trong năm 2024. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn cung ứng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong 02 năm 2022 -2023 dẫn đến tỷ lệ bao phủ vắc xin Sởi giảm, khoảng trống miễn dịch cộng dồn nhiều năm làm tăng nguy cơ bùng phát dịch Sởi.
Theo thống kê báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 03/10/2024, cả nước ghi nhận 5.514 trường hợp dương tính với vi rút Sởi và 02 trường hợp tử vong (01 tại thành phố Hồ Chí Minh, 01 tại tỉnh Long An). Số ca mắc tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại khu vực miền Trung ghi nhận 245 trường hợp dương tính với vi rút Sởi, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Tại Ninh Thuận, tính đến ngày 03/10/2024 toàn tỉnh ghi nhận 18 trường hợp dương tính với vi rút Sởi, không có trường hợp tử vong; số mắc mới năm 2024 là 18 trường hợp, trong khi đó năm 2023 không có trường hợp mắc Sởi nào. Bệnh Sởi xảy ra tại 04/07 huyện, thành phố: Thuận Nam 10 trường hợp; Ninh Hải 05 trường hợp; Ninh Phước 02 trường hợp; Ninh Sơn 01 trường hợp. Đặc biệt ghi nhận 01 ổ dịch Sởi tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; ngành Y tế đã điều tra, cách ly và xử lý ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Để tiếp tục chủ động phòng chống bệnh Sởi, không để bùng phát thành dịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Y tế:
- Tiếp tục tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi Sởi và mắc Sởi tại bệnh viện, cộng đồng; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị, hạn chế tử vong khi có dịch xảy ra, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch kịp thời ngay khi phát hiện.
- Chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng, vật tư, hóa chất bảo đảm kịp thời khoanh vùng, xử lý dịch, không để dịch lan rộng. Duy trì hệ thống tiếp nhận thông tin kịp thời, thực hiện đúng quy định về thông tin, báo cáo dịch bệnh.
- Tiếp tục đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả, bao gồm cả triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương tuân thủ về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch Sởi theo Quyết định số 4845/QĐ-BYT ngày 05/12/2012 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Sởi-Rubella” và Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế về việc “Ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Sởi”.
- Tiếp tục triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), trong đó có tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 9 tháng tuổi và vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi; Tăng cường rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình TCMR chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt là tại các địa phương có kết quả tiêm chủng thấp.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Sởi tại các cơ sở giáo dục, hướng dẫn cách phát hiện, phòng ngừa bệnh Sởi. Vận động gia đình học sinh đưa trẻ tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh Sởi và đúng lịch. Trẻ mắc bệnh Sởi cần được nghỉ học để cách ly và điều trị ít nhất 7 ngày, hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận:
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng chống dịch bệnh, không để tình trạng hoang mang lo lắng trong dư luận.
- Tăng cường truyền thông, tuyên truyền vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các vắc xin trong chương trình TCMR để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh.
- Khuyến cáo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh như hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người; đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Sởi.
4. Sở Tài chính: Phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cân đối, bổ sung kinh phí kịp thời để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chủ động giám sát, phát hiện sớm, cách ly điều trị, phòng chống lây nhiễm, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch kịp thời ngay khi vừa phát hiện.
- Trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Sởi trên địa bàn quản lý. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; hướng dẫn cho người dân về đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh Sởi.
- Đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả, bao gồm cả triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Sởi theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc chương trình TCMR, trong đó có tiêm vắc xin Sởi. Khẩn trương tăng cường rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc chương trình TCMR chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi, đặc biệt là các xã, phường có kết quả tiêm chủng thấp.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp, tham gia triển khai thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh Sởi trên địa bàn tỉnh. Vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Sởi tại gia đình và cộng đồng.
Yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Y tế theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện; báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2024 tăng cường triển khai công tác phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Số hiệu: 11/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Nguyễn Long Biên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra