Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CT-UBND | Thái Nguyên, ngày 28 tháng 10 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn mà các quốc gia đang phải đối mặt. Để tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc, đồng thời phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 và ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có những hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.
Hưởng ứng phong trào chống chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức và thay đổi hành vi sử dụng các sản phẩm nhựa sang sử dụng các sản phẩm thay thế khác thân thiện với môi trường. Tuy vậy, tình trạng lạm dụng các phẩm nhựa, nhất là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến do sự tiện lợi trong hoạt động thương mại, mua bán,...đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.
Để tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ thị:
1. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh:
a) Triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu triệt để chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
b) Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, bố trí các phương tiện, thiết bị để phân loại chất thải; không được để lẫn chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
c) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng phong trào, liên minh giảm thiểu chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...) để bảo vệ môi trường.
d) Tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người lao động về cách phân loại, thu gom, giảm thiểu rác thải nhựa.
e) Ký và thực hiện cam kết tham gia phong trào chống chất thải nhựa; báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hằng năm.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải, các tổ chức cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các cơ sở thu gom nhựa, nhập khẩu và tái chế các sản phẩm nhựa.
b) Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn để phổ biến áp dụng phù hợp trên địa bàn các địa phương có điều kiện khác nhau; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân ký và thực hiện cam kết tham gia phong trào chống chất thải nhựa.
c) Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi theo quy định đối với các hoạt động sản xuất các sản phẩm thay thế túi ni lông, các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường.
d) Xây dựng báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020.
e) Tổ chức thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
g) Tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
h) Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này và định kỳ hằng năm báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/12.
3. Sở Công thương:
a) Tổ chức lập, trình phê duyệt và thực hiện Đề án giải pháp giảm sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, cần làm rõ lộ trình giảm sản xuất, sử dụng nhựa, túi ni lông khó phân hủy từ năm 2020; khuyến khích việc sản xuất các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường.
b) Chủ trì tổ chức tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hạng 1, cơ sở sản xuất...) cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng; chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường; hướng dẫn các cơ sở xây dựng kế hoạch giảm sản xuất, sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy.
c) Tổ chức thống kê tình hình sử dụng nhựa, túi ni lông của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức phân phối, bán lẻ (chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, cửa hàng...); phối hợp với Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni lông vi phạm các quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chương trình truyền thông, tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy; lồng ghép các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần vào các tiêu chuẩn văn hóa đối với gia đình, xóm, tổ dân phố; xây dựng chuyên trang, chương trình, bài viết, phóng sự tuyên truyền về phong trào phòng chống rác thải nhựa để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ ô nhiễm, hủy hoại môi trường từ nhựa và túi ni lông nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; hướng dẫn các cơ quan truyền thông xây dựng chương trình truyền thông, tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, xử lý chất thải nhựa.
b) Triển khai thực hiện nhiệm vụ của tỉnh thuộc Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025 sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Tăng cường tuyên truyền định hướng hành vi ứng xử với môi trường của các đối tượng có liên quan trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; triển khai thực hiện quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại cơ quan, đơn vị, địa phương và trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước; xây dựng thí điểm và nhân rộng áp dụng các mô hình giảm thiểu, phân loại chất thải nhựa, túi ni lông tại các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là các điểm du lịch gắn liền với nguồn nước.
6. Sở Khoa học và Công nghệ: Thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; dự án ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; phát triển các vật liệu truyền thống sẵn có của địa phương để sử dụng, sản xuất các loại túi, bao gói thay thế túi ni lông; khuyến khích các làng nghề sử dụng các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải nhựa trong trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn cho học sinh.
9. Sở Y tế: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phân loại, giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
10. Sở Ngoại vụ: Huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát chất thải nhựa; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
11. Cục thuế tỉnh: Tăng cường việc kiểm tra tuân thủ chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, cung cấp túi nilông; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni lông vi phạm các quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường.
12. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
a) Nghiên cứu học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; bố trí kinh phí, đầu tư điều kiện hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc phân loại chất thải tại nguồn, thu gom triệt đê chất thải phát sinh trên địa bàn, xử lý chất thải hợp vệ sinh, giảm thiểu tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn phân loại rác thải; tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật thu gom chất thải trên các sông, suối kênh, mương; xã hội hóa các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.
b) Rà soát, lập danh sách, thống kê tình hình sử dụng túi ni lông của các tổ chức bán lẻ (chợ, siêu thị, cửa hàng...) và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại có sử dụng, phát sinh chất thải nhựa, ni lông trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt theo quy định với các hành vi sản xuất, kinh doanh, thải bỏ chất thải không đúng quy định.
c) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom, phân loại và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
d) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện ký cam kết phong trào chông chất thải nhựa đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
13. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý chất thải, tăng cường tái sử dụng, giảm phát sinh chất thải nhựa, túi ni lông; phát huy vai trò giám sát của cộng đồng đối với công tác quản lý chất thải, lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xây dựng và thực hiện hương ước ở các xóm, tổ dân phố; phát triển các mô hình sản xuất các sản phẩm bao gói thân thiện với môi trường (như các loại làn, túi mấy tre, sợi đan, túi giấy, vật liệu bao gói từ cây lấy lá,...).
14. Trước ngày 10 tháng 12 hàng năm, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này và gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp chung.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị này.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa do thành phố Hải Phòng ban hành
- 2Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 3Kế hoạch 4316/KH-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 1Luật thuế bảo vệ môi trường 2010
- 2Quyết định 582/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1746/QĐ-TTg năm 2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 33/CT-TTg năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa do thành phố Hải Phòng ban hành
- 7Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 8Kế hoạch 4316/KH-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- Số hiệu: 11/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 28/10/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
- Người ký: Trịnh Việt Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/10/2020
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra