Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 17 tháng 05 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN, ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Trong những năm qua các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển đã có nhiều cố gắng trong công tác phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên khu vực biên giới biển, đảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, tình hình quản lý khu vực biên giới biển, đảo của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, cụ thể như sau:

- Tàu thuyền nước ngoài thường xuyên vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền nước ta; tàu cá của ngư dân ta đi đánh bắt hải sản xa bờ thuộc vùng biển được quyền khai thác (vùng đặc quyền kinh tế, khu vực khai thác hải sản chung) bị phía nước ngoài gây hấn, bắt giữ, xử phạt nặng gây tâm lý hoang mang cho ngư dân ta không dám vươn xa bờ đánh bắt hải sản dẫn đến mất ngư trường truyền thống.

- Do tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, số lượt người nước ngoài đến các địa phương khu vực biên giới biển với mục đích du lịch, thăm thân, lao động trong các doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhưng nhiều trường hợp không có thủ tục xuất nhập cảnh, giấy phép lao động, một số đối tượng hoạt động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ta, gây mất ANTT trên địa bàn.

- Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhất là chính quyền các xã, phường ven biển, các đồn, trạm Biên phòng tuyến biển và lực lượng Kiểm ngư trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá, cấp giấy phép khai thác chưa thực sự chặt chẽ.

- Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn khu vực biên giới biển còn nhiều vấn đề tồn tại, để xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai, bãi ngang, vùng triều nuôi trồng hải sản; tình trạng tranh mua, tranh bán hải sản tại các cảng cá, bến neo đậu tàu thuyền diễn biến phức tạp, làm mất ANTT khu vực.

- Tình trạng trộm cắp ngư lưới cụ, sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản còn diễn ra khá nhiều vụ chưa được ngăn chặn triệt để.

- Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều ngư dân trong việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá, thực hiện giấy phép khai thác, đảm bảo an toàn trên biển còn bị xem nhẹ; đã và đang xuất hiện tình trạng một số ngư dân ta bị một số đối tượng lôi kéo mua chuộc đi làm thuê cho chủ tàu nước ngoài vào chính vùng biển nước ta để khai thác hải sản trái phép.

- Công tác tuyên truyền pháp luật nói chung, đặc biệt là tuyên truyền pháp luật liên quan đến khu vực biên giới biển, đảo còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại và tăng cường phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển, đảo của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hoạt động kinh tế biển, đảo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015” đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2506/QĐ-UBND ngày 08/8/2012, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên vùng biển, đảo của tỉnh; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm phạm chủ quyền, an ninh trật tự của người và tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển của tỉnh; phòng chống các loại tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ trong khai thác thủy sản. Tuyên truyền, giáo dục ngư dân không vi phạm các quy định đã ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ. Chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện nghề cá hoạt động trên các vùng biển, đảm bảo an toàn cho ngư dân và phương tiện, khai thác bền vững nguồn lợi hải sản; cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nhận thức đúng trách nhiệm khi hoạt động trên biển, tự giác chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, đảm bảo an toàn, quy định thông tin liên lạc và các thủ tục khác theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, Quân sự tỉnh và các lực lượng liên quan duy trì và thực hiện nghiêm Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 quy định về quy chế khu vực biên giới biển. Chỉ đạo các đồn, trạm Biên phòng quản lý, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào trên biển, không giải quyết cho phương tiện thiếu thủ tục giấy tờ, không đảm bảo an toàn ra biển hoạt động.

2. Công an tỉnh

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên KVBGB. Thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp xử lý các tình huống xảy ra ở khu vực biên giới biển; có kế hoạch phòng, chống gây rối, bạo loạn lật đổ.

- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã ven biển phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyến biển đấu tranh phòng chống có hiệu quả đối với hoạt động xâm hại an ninh quốc gia, các tội phạm về buôn lậu, cướp biển; vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất nổ hoặc hóa chất độc hại để khai thác thủy sản của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường biển đảo hoạt động ở các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức huấn luyện, chỉ đạo lực lượng thường trực tại đảo Hòn Nẹ và đảo Hòn Mê, lực lượng dân quân tự vệ biển thường xuyên nắm chắc tình hình, đấu tranh phòng chống tội phạm trên KVBGB, các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam.

- Chủ trì phối hợp với các ban, ngành, địa phương có liên quan quy hoạch, đăng ký, quản lý các bến cảng, vùng lạch, cửa sông sử dụng cho mục đích quốc phòng.

- Chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với các đồn, trạm biên phòng thường xuyên tuần tra trên biển và khu vực biên giới biển.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Quản lý, cấp phép, gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc ở khu vực biên giới biển tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Sở ngoại vụ và chính quyền địa phương, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật của các đơn vị, cá nhân nơi sử dụng lao động người nước ngoài.

5. Sở Nội Vụ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong tỉnh phân định ranh giới hành chính khu vực đất có mặt nước biển, đất bãi bồi cửa sông, ven biển giữa các xã, phường và giữa các huyện, thị xã ven biển để khắc phục tình trạng tranh chấp địa bàn nuôi trồng, khai thác thủy sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quản lý công tác địa giới hành chính khu vực ven biển theo quy định của pháp luật.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Rà soát việc cấp đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp nuôi trồng, thu mua thủy sản trong khu vực biên giới biển; thực hiện việc cấp đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp nuôi trồng, thu mua thủy sản trong khu vực biên giới biển theo quy định của pháp luật.

- Đối với các dự án liên doanh với nước ngoài, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực biên giới biển ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, trước khi cấp chứng nhận đầu tư cần xin ý kiến tham gia của các đơn vị chức năng về quốc phòng an ninh.

- Hướng dẫn UBND cấp huyện, thị xã ven biển trong công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển phải gắn với quy hoạch thế trận quốc phòng, khu vực phòng thủ; đồng thời, trong quá trình lập quy hoạch phải lấy ý kiến tham gia của các đơn vị chức năng về quốc phòng an ninh.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các cơ chế chính sách đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo để nâng cao đời sống nhân dân trong vùng nhất là cơ chế chính sách phát triển đội tàu đánh cá xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Rà soát việc giao đất, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản tại các huyện, thị xã ven biển; hướng dẫn cho UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đặc biệt là hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất tại khu vực bãi bồi, cửa sông ven biển đúng thẩm quyền, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; đảm bảo thời gian giao đất, cho thuê đất có mặt nước ven biển, bãi bồi, cửa sông ven biển, tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, ven biển chủ động xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch, nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển của tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu cho UBND tỉnh, hướng dẫn các huyện, thị xã nơi có mặt nước biển, bãi bồi cửa sông ven biển lập quy hoạch nuôi trồng thủy sản, trồng rừng phòng hộ.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Sở phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thị xã; các đồn biên phòng tuyến biển kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản và đảm bảo trang thiết bị an toàn đối với các loại tàu cá theo quy định.

- Tăng cường hoạt động của lực lượng Kiểm ngư nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các trường hợp trộm cắp ngư cụ trên biển.

9. Sở Ngoại vụ

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động của người nước ngoài tại khu vực biên giới biển.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho người dân địa phương và những hoạt động trên biển về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

- Hướng dẫn chính quyền địa phương ven biển và các sở, ngành liên quan về chủ trương, đối sách trong xử lý các vụ việc xảy ra trên biển có liên quan đến nước ngoài; đồng thời chủ động, kịp thời trao đổi thông tin liên quan để chính quyền địa phương ven biển và sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới biển, đảo; coi trọng công tác bảo đảm an toàn cho các phương tiện hoạt động trên các vùng biển; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Thường xuyên đưa tin, bài về những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo.

11. Các sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, Bộ đội Biên phòng để hỗ trợ khi cần thiết và phối hợp tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên vùng biển và ven biển của tỉnh. Thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm khắc phục tình trạng trên một vùng biển, cùng một thời điểm có nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động, gây phiền hà cho người, phương tiện sản xuất.

12. UBND các huyện, thị xã ven biển

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành ở địa phương tăng cường công tác quản lý chặt chẽ người và tàu thuyền hoạt động trên khu vực biên giới biển, không để lao động địa phương làm thuê trái phép cho tàu cá nước ngoài, đảm bảo an toàn khi ra biển hoạt động. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh đối với các xã biên giới biển; tiếp tục xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh. Làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, chủ động giải quyết những vấn đề bức xúc có liên quan đến an ninh trật tự của địa phương.

Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa). Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- UB QP&AN QH XIII (B/C);
- Bộ TNMT (B/C);
- TT T.ủy, HĐND (B/C);
- CT, các PCT UBND tỉnh (B/C);
- Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh (T/H);
- UBND các huyện, thị xã ven biển (T/H);
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2013 về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển, đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 11/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Đức Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản