Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CT-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔNG KẾT 20 NĂM THI HÀNH PHÁP LỆNH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG (1997 - 2017)

Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (sau đây viết gọn là Pháp lệnh) được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX thông qua ngày 28 tháng 3 năm 1997, có hiệu lực từ ngày 07 tháng 4 năm 1997; ngày 06 tháng 01 năm 1998, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/1998/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh, nội dung đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 1992, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức điều hành, quản lý nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm tổ chức thi hành, Pháp lệnh còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số quy định của Pháp lệnh còn bất cập, chưa thống nhất, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia còn một số tồn tại, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh theo thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có biên giới chưa phát huy hết trách nhiệm, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu sự phát triển, hội nhập của đất nước; công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến giáo dục ở một số đơn vị, địa phương chưa thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp giữa lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia với các cơ quan, lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Tình hình xâm phạm chủ quyền, vi phạm quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia ở từng địa phương có chiều hướng gia tăng; việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trên biên giới, khu vực biên giới chưa thống nhất.

Để triển khai nhiệm vụ tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh, đánh giá những bất cập, tồn tại, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành, vai trò của các tổ chức, cá nhân; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện; trên cơ sở đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ đội Biên phòng, quản lý nhà nước và chế độ chính sách đối với Bộ đội Biên phòng đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh (1997 - 2017) trên phạm vi toàn quốc, với các nội dung sau:

a) Đánh giá công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp lệnh của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở khu vực biên giới;

b) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh theo thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương;

c) Đánh giá về công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp với Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội về xây dựng Bộ đội Biên phòng đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới;

d) Tổng hợp, đánh giá tình hình về tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới; quản lý nhà nước và chế độ, chính sách đối với Bộ đội Biên phòng;

đ) Qua tổng kết, đề xuất những chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ đội Biên phòng trong thời gian tới; kiến nghị, đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Bộ đội Biên phòng; chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh.

2. Yêu cầu

a) Đánh giá đầy đủ, khách quan về những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, chồng chéo; làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng;

b) Tổ chức tổng kết đúng kế hoạch, triệt để tiết kiệm, tránh lãng phí.

3. Phương pháp, thời gian

a) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố biên giới tiến hành tổng kết bằng văn bản (không tổ chức hội nghị) và báo cáo kết quả tổng kết về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 20 tháng 7 năm 2018;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới chủ trì tổ chức hội nghị tổng kết, thành phần tham gia gồm: Các sở, ban, ngành của địa phương, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn. Thời gian hoàn thành hội nghị tổng kết và gửi báo cáo kết quả tổng kết về Bộ Quốc phòng (qua Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) trước ngày 20 tháng 8 năm 2018;

c) Các bộ, ngành tiến hành tổng kết bằng văn bản (không tổ chức hội nghị) và báo cáo kết quả tổng kết gửi về Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) trước ngày 20 tháng 8 năm 2018.

4. Ngân sách bảo đảm

a) Đối với địa phương (cấp tỉnh, huyện): Sử dụng ngân sách địa phương chi bảo đảm cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong dự toán chi thường xuyên được cấp có thẩm quyền giao để tổng kết Pháp lệnh;

b) Đối với Bộ Quốc phòng: Sử dụng ngân sách quốc phòng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và nhiệm vụ tổng kết Pháp lệnh.

5. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Pháp lệnh; xây dựng kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này; tổ chức tổng kết đạt hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất và các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2018;

b) Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới tiến hành tổng kết thực hiện Pháp lệnh trên phạm vi địa bàn, lĩnh vực quản lý theo Chỉ thị này và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biên giới;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- BTTM, TCCT, TCHC, TCKT, TC2, TCCNQP;
- Các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9;
- Các Bộ Tư lệnh: Bộ đội Biên phòng, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển, Hải quân;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, NC (2). PC

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT-TTg năm 2018 về tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (1997-2017) do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 11/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/05/2018
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản