Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 11/CT-CT

Quảng Bình, ngày 11 tháng 6 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ, CHỐNG THẤT THU VÀ GIẢM NỢ ĐỌNG THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Trong những năm qua, mặc dù chịu sự tác động do những khó khăn chung của nền kinh tế nhưng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hàng năm vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định và vượt dự toán giao, góp phần tạo nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Kết quả trên cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan trong việc quản lý, điều hành thu ngân sách nhà nước cũng như sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được vẫn còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chiếm dụng tiền thuế tại một số lĩnh vực, địa bàn. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng với cơ quan quản lý thu có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chặt chẽ, tích cực; một số địa phương chưa quan tâm quản lý, khai thác nguồn thu từ tài nguyên, đất đai; tình trạng đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, lậu thuế vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức và ngày càng phức tạp; đặc biệt tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn ngày càng gia tăng.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Cục Thuế tỉnh

- Tổ chức đánh giá tổng kết công tác chống thất thu, nợ đọng thuế của cả giai đoạn 2009-2012 trên địa bàn quản lý, đánh giá mức độ thất thu, nợ đọng thuế trên từng địa bàn, lĩnh vực, xác định rõ lĩnh vực còn thất thu, nhận dạng chính xác các nhóm tổ chức, cá nhân người nộp thuế có khả năng rủi ro cao để lập danh sách các doanh nghiệp cần thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung thu nợ thuế. Bố trí lực lượng để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt tối thiểu 15% số doanh nghiệp đang quản lý; chống thất thu đối với kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng...

- Đối với công tác quản lý nợ thuế: Triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Cục trưởng Cục Thuế chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc cơ quan thuế các cấp thu hồi các khoản nợ đọng, thực hiện cưỡng chế đúng pháp luật đối với những doanh nghiệp, người nộp thuế “chây ỳ”, cố tình chiếm dụng tiền thuế của ngân sách nhà nước.

- Về công tác miễn, giảm, hoàn thuế: Chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức xử lý miễn, giảm, hoàn thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Tăng cường công tác hậu kiểm để đảm bảo việc hoàn thuế, xử lý miễn, giảm, gia hạn thuế chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật của Nhà nước. Khi phát hiện các trường hợp đề nghị hoàn thuế sai, kê khai miễn, giảm thuế không đúng quy định, cơ quan thuế có biện pháp truy thu ngay tiền thuế vào ngân sách nhà nước, nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển cơ quan có chức năng điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Tăng cường công tác đối thoại với người nộp thuế, chỉ đạo cơ quan thuế phải trả lời đầy đủ, kịp thời, các khiếu nại, kiến nghị của người nộp thuế. Đối với những vấn đề, vụ việc người nộp thuế chưa đồng tình với ý kiến trả lời của cơ quan thuế xử lý trực tiếp thì cơ quan thuế cấp trên phải có trách nhiệm làm rõ vấn đề theo nguyên tắc phải tổng hợp đầy đủ thông tin từ đơn vị quản lý thuế trực tiếp. Đối với các vấn đề phức tạp liên quan đến các ngành khác thì phải xin ý kiến tham gia để giải quyết kịp thời, dứt điểm.

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước và thanh tra. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực thuế đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra, phát hiện, kiến nghị. Truy thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan kiểm toán và thanh tra. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 21/12/2011 của Bộ Tài chính về thực hiện nghiêm chính sách tài khoá và các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

2. Kho bạc Nhà nước tỉnh

Phối hợp với Cục Thuế tỉnh tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản và thu hồi tiền thuế nợ đọng đối với các nhà thầu còn nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật.

3. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh: Thực hiện trích tiền qua tài khoản của các tổ chức, đơn vị còn nợ thuế theo đề nghị của cơ quan Thuế.

Tăng cường việc quản lý thanh toán không dùng tiền mặt, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm trong việc lập doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng nhằm “hợp thức hóa” các thủ tục để khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT.

4. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh

- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và các địa phương có trách nhiệm cung cấp rõ các thông tin trên Giấy Chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có yêu cầu của cơ quan Thuế đối với đối tượng bị cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.

- Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện việc định giá và phối hợp với các ngành liên quan bán đấu giá tài sản đã được cơ quan Thuế kê biên để thu hồi nợ thuế theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với cơ quan Thuế thực hiện cưỡng chế về kê biên tài sản của đối tượng nợ thuế theo quy định của pháp luật; đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thực hiện cưỡng chế. Phát hiện các trường hợp gian lận, trốn thuế lớn đến mức tội phạm phải điều tra, khởi tố xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình phối hợp với cơ quan Thuế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế. Nêu gương các điển hình trong công việc chấp hành tốt nghĩa vụ thuế và phê phán các trường hợp dây dưa nợ đọng thuế, chiếm dụng tiền thuế của NSNN nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế. Thực hiện công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo đề nghị của cơ quan thuế.

- Cơ quan Thi hành án các cấp phối hợp với cơ quan Thuế tăng cường biện pháp thu hồi nợ của các công ty, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong trường hợp giải thể, phá sản còn nợ thuế.

5. UBND các huyện, thành phố phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố, các tổ chức, đoàn thể cấp huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, tăng cường công tác quản lý thu thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế trên địa bàn.

Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh (qua Cục Thuế tỉnh) để xem xét chỉ đạo kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các DN thuộc các t.p kinh tế;
- Lưu VT, TM.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/CT- CT năm 2012 tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu và giảm nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 11/CT-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 11/06/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Nguyễn Xuân Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản