Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2010/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 4 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ BÌNH ỔN GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2010
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1269/VPCP-KTTH ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010; Công văn số 243/BC-VPCP ngày 09 tháng 3 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và kết quả tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2010 và thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Công văn số 2788/BTC-QLG ngày 08 tháng 3 năm 2010 về việc tăng cường công tác quản lý giá cả trên địa bàn;
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, phấn đấu cùng cả nước kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 không quá 7% góp phần phát triển kinh tế đất nước và ổn định đời sống nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp phải quán triệt công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn thành phố, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của năm 2010. Để thực hiện mục tiêu này, yêu cầu các đơn vị tập trung làm tốt các công việc chủ yếu sau đây:
1. Sở Tài chính:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý nhà nước về giá cả thị trường trên địa bàn thành phố; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với các hành vi vi phạm về giá và các hành vi lợi dụng chủ trương điều hành giá của nhà nước, lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá, ép giá bất hợp lý.
- Thực hiện kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiểm tra việc chấp hành các cam kết của các doanh nghiệp tham gia bình ổn đối với các loại hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố; triển khai các đoàn kiểm tra, kiểm soát công tác quản lý giá và tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả;
- Hướng dẫn và kiểm tra việc Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn.
2. Sở Công Thương:
- Tổ chức rà soát cân đối cung - cầu các loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, trước hết là các loại hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tạo nguồn hàng thiết yếu bình ổn thị trường xuyên suốt trong năm; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có chỉ đạo kịp thời đối với các giải pháp ứng phó trong trường hợp cần thiết để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân;
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức phân phối hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu dân cư có lao động thu nhập thấp; phát triển hiệu quả hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố nhằm tiết giảm chi phí lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm của người tiêu dùng, góp phần thực hiện công tác bình ổn giá cả thị trường.
3. Chi cục Quản lý thị trường thành phố:
- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thường xuyên thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, hàng cấm kinh doanh, hàng gian, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, dự trữ hàng hóa quá mức, bất thường, đưa tin thất thiệt để ép giá, tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá;
- Phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện đo lường, công bố tiêu chuẩn, nhãn hàng hóa của các cơ sở kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các gian lận về giá;
- Theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa để có đề xuất kịp thời các giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường.
4. Sở Y tế:
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành giá bán lẻ thuốc phòng và chữa bệnh, không để giá thuốc tăng cao bất hợp lý;
- Phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành theo đề nghị của Sở Tài chính, Sở Công Thương đối với các lĩnh vực có liên quan.
5. Cục Thuế thành phố:
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra; đồng thời, chỉ đạo các Chi cục Thuế địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại các doanh nghiệp theo đúng quy định của Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành theo đề nghị của Sở Tài chính, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường thành phố đối với các lĩnh vực có liên quan.
6. Cục Hải quan thành phố:
- Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm soát chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, gian lận qua giá.
- Phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành theo đề nghị của Sở Tài chính, Sở Công Thương đối với các lĩnh vực có liên quan.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin chuẩn xác và kịp thời về các chủ trương chính sách quản lý và bình ổn giá cả thị trường của thành phố; tránh đưa tin không chính xác, gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong nhân dân; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh vi phạm các quy định pháp luật về giá và biểu dương các tổ chức, cá nhân chấp hành và làm tốt công tác bình ổn giá cả thị trường của thành phố.
8. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:
- Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách quản lý nhà nước về giá, các biện pháp bình ổn giá cả thị trường; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về giá, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra; đồng thời thu thập thông tin, báo cáo giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn quận - huyện theo hướng dẫn của Sở -ngành có liên quan.
- Ban Quản lý chợ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện trong việc quản lý niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, chấp hành các quy định về giá của các tiểu thương kinh doanh trong các chợ truyền thống; kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trong việc chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát giá, quản lý giá và tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn thuộc thẩm quyền.
9. Các Sở - ban - ngành, quận - huyện chịu trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tài chính vào ngày 15 hàng tháng để Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá) theo định kỳ vào ngày 26 hàng tháng.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Pháp lệnh Giá năm 2002
- 2Nghị định 124/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
- 3Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 4Công văn 1269/VPCP-KTTH tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010 do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 11/2010/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn thành phố năm 2010 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 11/2010/CT-UBND
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 02/04/2010
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Hoàng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 29
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra