Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 11/2008/CT-BCT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHỤC VỤ TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ SỬU NĂM 2009

Năm 2008, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức, đáng chú ý là cơn khủng hoảng tài chính và địa ốc tại Mỹ đã lan rộng, giá cả nhiều loại hàng hóa nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tăng cao kỷ lục, gây áp lực lạm phát gia tăng tại nhiều nước (hiện có tới 50/190 nước đang phải chịu lạm phát 2 con số), cùng với tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi diễn biến phức tạp; giá cả hàng hoá thị trường trong nước đã tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng chung cả nước 9 tháng đầu năm 2008 đã tăng tới 21,87% và đã có xu hướng giảm dần.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và mọi người dân đều đồng thuận phối hợp, gắng sức vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiềm chế lạm phát nên thị trường hàng hoá trong nước vẫn khá sôi động, cân đối cung cầu các mặt hàng trọng yếu được giữ vững, đáp ứng tốt mọi nhu cầu tiêu dùng của sản xuất và nhân dân. Theo Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 694.445 tỷ đồng, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2007.Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội cả năm 2008 đạt 967 nghìn tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2007.

Hiện nay tình hình thị trường hàng hoá, tiền tệ trong nước đã có nhiều dấu hiệu ổn định dần (giá cả dịu dần, nguồn vốn gia tăng với lãi suất giảm hơn, hàng hóa phong phú...). Tuy nhiên do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại ( theo Ngân hàng thế giới năm 2008 kinh tế thế giới chỉ tăng 2,7% so với 3,7% năm 2007); giá các loại nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới còn nhiều bất ổn; tình hình thiên tai (bão lũ), dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi còn diễn biến phức tạp và nhất là những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (lãi suất cao, nguyên liệu tồn kho giá cao…) và sức mua xã hội tăng không đáng kể (theo TCTK nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 9 tháng đầu năm 2008 chỉ tăng 6% so với cùng kì 2007) có thể tác động xấu đến thị trường hàng hoá trong nước. Nhưng sức mua hàng hóa trên thị trường theo qui luật sẽ tăng dần vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009 do việc chuẩn bị nguyên nhiên vật liệu để sản xuất, dự trữ hàng hóa và mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009; cùng với việc đẩy mạnh các dự án đầu tư và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch năm; đồng thời điều chỉnh tăng lương, tăng phụ cấp cho một số đối tượng, tiền thưởng năm, lượng kiều hối về nhiều ... sẽ làm cho thị trường hàng hóa những tháng cuối năm 2008 và dịp Tết Nguyên đán sôi động, nhộn nhịp. Mặc dù đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, chi tiêu đã có sự điều chỉnh theo hướng tiết kiệm hơn do giá cả hàng hóa còn ở mức cao, nhưng theo phong tục, tập quán của người Việt Nam thì dự báo sức mua hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 vẫn tăng khoảng 10 - 20% so với Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008.

Chính phủ đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp đã đề ra tại Nghị Quyết số 10/2008/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 và Nghị Quyết số 20/2008/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2008 nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững. Để tổ chức cung ứng tốt nguồn hàng cho nhân dân đón Tết Kỷ Sửu 2009 vui vẻ, an toàn, tiết kiệm với giá cả hợp lý, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, công ty và giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc các công việc sau:

1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành báo cáo UBND địa phương chỉ đạo thực hiện:

- Chủ động phối hợp với Sở Tài chính xây dựng phương án xử dụng nguồn vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi của địa phương cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn vay ưu đãi để dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết, nhất là các mặt thực phẩm; trên nguyên tắc các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết phải bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng an toàn để phục vụ nhân dân trên địa bàn với giá hợp lý, góp phần bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

- Đôn đốc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tham gia sản xuất, kinh doanh các loại hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán (lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát, văn hoá phẩm, phương tiện đi lại, quần áo may sẵn ...) đáp ứng tốt mọi nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 với giá hợp lý, chất lượng an toàn, mẫu mã đẹp, đa dạng, phong phú .

- Kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết và cho nhân dân trong suốt dịp Tết. Chú trọng công tác bảo vệ an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi và chuẩn bị tốt các phương án dự phòng nhằm giữ ổn định nguồn điện trong mọi tình huống.

- Chuẩn bị tốt nguồn hàng trọng yếu và các mặt hàng tiêu dùng Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiệt hại do thiên tai với giá cả hợp lý, bảo đảm cho mọi người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc đều được đón Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009 vui vẻ, đầm ấm.

- Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường. Phối hợp với các ban ngành chức năng, tăng cường công tác kiểm tra VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm tại các trung tâm thương mại và các chợ. Thực hiện xử lý nghiêm minh kịp thời các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là đối với sản xuất và kinh doanh pháo các loại, thực phẩm không bảo đảm VSATTP ...

- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức tốt, an toàn các hội chợ Xuân và các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trên địa bàn cho nhân dân trong dịp Tết.

2. Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất và kinh doanh cần tập trung:

- Chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng để thực hiện đúng tiến độ kế hoạch sản xuất, dự trữ, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết (nhất là các loại thực phẩm chế biến và hàng công nghệ phẩm) nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với giá hợp lý , không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

- Nâng cao chất lượng, mẫu mã đa dạng hàng hoá sản xuất trong nước phục vụ Tết để nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập nhằm góp phần hạn chế nhập siêu. Cần chú trọng hơn đến tập quán tiêu dùng của nhân dân từng vùng miền, đến nhu cầu tiêu dùng đa dạng của mọi đối tượng trong dịp Tết để tổ chức tốt việc sản xuất và kinh doanh, cũng như giá cả phù hợp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết và khẳng định thương hiệu của mỗi doanh nghiệp trên thị trường.

- Các doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng các mặt hàng chính sách (dầu hoả, muối iốt) tiến hành dự trữ đủ lượng hàng hoá, đảm bảo cung ứng đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trước Tết theo kế hoạch để đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chính sách bán hàng khuyến mại, giảm giá bán và áp dụng các dịch vụ sau bán hàng trước và sau Tết nhằm phục vụ tốt người tiêu dùng.

3. Chế độ báo cáo:

- Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi báo cáo về kế hoạch bảo đảm nguồn điện phục vụ Tết trước ngày 05 tháng 11 năm 2008.

- Các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh hàng hoá phục vụ Tết gửi báo cáo kế hoạch phục vụ Tết về Bộ Công Thương trước ngày 05 tháng 11 năm 2008.

- Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam gửi báo cáo kế hoạch cung ứng dầu hoả cho các tỉnh miền núi trước ngày 05 tháng 11 năm 2008.

- Các Sở Công Thương gửi báo cáo về Bộ theo nội dung trên vào các thời gian cụ thể sau:

+ Kế hoạch chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết trước ngày 05 tháng 11 năm 2008.

+ Tình hình thị trường giá cả hàng hoá phục vụ Tết (đợt 1 trước ngày 10/1/2009; đợt 2 trước ngày 20/1/2009).

- Các Doanh nghiệp, các Sở Công Thương báo cáo tổng kết tình hình phục vụ Tết trước ngày 05/02/2009.

Tết Nguyên đán Kỷ Sửu năm 2009 đến sớm và nhân dân được nghỉ Tết dài, ngày mồng 1 Tết là ngày 26 tháng 1 năm 2009. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh ngay về Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước – Điện thoại : 04.2205496 – Fax: 04. 2205510 – Email: nganltk@moit.gov.vn) để xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Sở Công Thương các tỉnh thành trực thuộc TW;
- Các TĐ, TCT: Điện lực,Than & Khoáng sản, Dầu khí, Xăng dầu, Muối, Thuốc lá, Rượu bia-nước giải khát Hà Nội,Rượu bia-nước giải khát Sài gòn, Saigon Co.op, Hapro,Phú Thái, SATRA,Intimex;
- VP Trung ương Đảng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
-UBND các tỉnh thành trực thuộc TW;(để phói hợp)
- Bộ KHĐT, TC, NHNNVN, NN&PTNT, Y tế, XD, GTVT, VHTTDL, KHCN,TTTT;(để phói hợp)
- Lãnh đạo Bộ;
- Cục QLTT, ĐTĐL, CNĐF;
- Vụ XNK, NLDK, CNTD, KH, CLH; Ban Thanh tra Bộ; CNN
- VP Bộ tại TPHCM;
- Báo Công Thương, TTTTCNTM;
- Công báo, website CP, kiểm toán NN;
- Lưu: VT, TTTN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Cẩm Tú

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2008/CT-BCT về công tác phục vụ Tết nguyên đán Kỷ sửu năm 2009 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 11/2008/CT-BCT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 10/10/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Nguyễn Cẩm Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 585 đến số 586
  • Ngày hiệu lực: 10/10/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 05/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản