Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2007/CT-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 12 tháng 4 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Trong năm 2006, tai nạn giao thông trên địa bàn Tỉnh tăng cả trên ba mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương. Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ban an toàn giao thông Tỉnh đã có kế hoạch, triển khai, giao kế hoạch đến từng địa phương trong năm 2007, với mục tiêu quyết tâm giảm 21,5% số người chết do tai nạn giao thông so với năm 2006. Ủy ban nhân dân Tỉnh đã có chỉ đạo các địa phương, phải đặc biệt chú ý lãnh đạo đảm bảo trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là trong dịp Tết.

Thực hiện chỉ đạo trên, các cấp, các ngành, nhất là các ngành thành viên Ban an toàn giao thông Tỉnh đã nỗ lực phấn đấu triển khai quyết liệt các giải pháp, nhưng tai nạn giao thông không giảm mà còn tăng đột biến. Chỉ tính riêng trong vòng quý I năm 2007, trên địa bàn Tỉnh đã xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông, làm chết 56 người, bị thương 13 người. So với cùng kỳ năm 2006, tăng: 18 vụ, 18 người chết và 3 người bị thương.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao, cố tình vi phạm, uống rượu bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm khi đi trên các tuyến đường quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, lái xe lạng lách, đánh võng .v.v.; hiện tượng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang bảo vệ công trình giao thông ở nhiều địa phương còn diễn ra; kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng với số lượng phương tiện tăng lên rất nhanh ...

 Để thực hiện nghiêm Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về giao chỉ tiêu làm giảm số thiệt hại về người do tai nạn giao thông năm 2007; Công điện số 256/CD-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2007 về tăng cường thực hiện các giải pháp giảm tai nạn giao thông; Kết luận của Ủy ban nhân dân Tỉnh ngày 12 tháng 02 năm 2007 về các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2007, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:

1. Tiếp tục triển khai, quán triệt và đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông đến các tầng lớp nhân dân: với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, lồng ghép vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, phải có sự tác động mạnh mẽ, thống nhất của các cơ quan, nhất là cơ quan thông tin, báo chí để tạo sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đưa công tác giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đi vào đời sống của từng người dân, từng gia đình, từng tổ, ấp xã và lan rộng ra toàn xã hội.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động người dân phải thiết thực, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Chọn lọc đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông để có hình thức, biện pháp vận động thích hợp, hiệu quả. Đối với thanh thiếu niên, thực hiện tốt cuộc vận động “5 không” về an toàn giao thông đó là: không điều khiển môtô, xe máy nếu không có giấy phép lái xe; không lạng lách, đánh võng, chạy hàng hai, hàng ba, chạy quá tốc độ quy định khi điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp; không cổ vũ và tham gia đua xe trái phép; không điều khiển mô tô, xe máy khi đã uống rượu, bia; không tham gia điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi quy định. Khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, nhằm giảm nguy cơ chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

- Xây dựng mô hình “Tổ tự quản an toàn giao thông”, “Đoạn đường tự quản", tổ chức cho nhân dân ký cam kết gia đình không có người vi phạm an toàn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang, có trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông như : cầu cống, cọc tiêu, biển báo ... Hàng năm tổ chức cho các khu dân cư đăng ký cam kết xây dựng khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông, gắn với việc công nhận khu dân cư tiên tiến, khóm, ấp văn hoá.

 - Các cơ quan Báo, Đài phát thanh & Truyền hình Tỉnh: tăng thời lượng thường xuyên đưa tin về trật tự an toàn giao thông; phối hợp với Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông làm nhiều phóng sự về an toàn giao thông để giáo dục trực quan cho người tham gia giao thông hiệu quả hơn.

- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh và các tổ chức đoàn thể tăng cường vận động các đoàn viên, hội viên chấp hành và ký cam kết không vi phạm pháp luật giao thông, kết hợp với xét gia đình văn hóa hàng năm.

 - Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức phát động cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang ký cam kết không vi phạm an toàn giao thông, đặc biệt lưu ý nhắc nhở không điều khiển phương tiện tham giao thông khi đã có uống rượu, bia.

 Ngoài ra, để phục vụ cho Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ lần thứ nhất, cả nước sẽ đồng loạt tổ chức vào ngày 22 tháng 4 năm 2007 thì ngoài những nội dung tuyên truyền chung về an toàn giao thông, trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng người sử dụng xe mô tô, xe gắn máy; kết hợp tốt giữa tuyên truyền đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy và chiến dịch cưỡng chế của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông.

 2. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và nâng cao chất lượng phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông.

 - Khẩn trương hoàn thiện và phát triển mới các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông (cầu, đường, bến, bãi, hệ thống hành lang, biển báo ... ) ở các tuyến đường tỉnh, huyện và đường giao thông nông thôn. Huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư cầu đường nông thôn, theo phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", phát triển hệ thống giao thông nông thôn theo Đề án đã hoạch định. Lưu ý mặt đường nông thôn chiều rộng không được dưới 3 mét, các đoạn đường cong phải được phát quang để đảm bảo cho phương tiện lưu thông tránh nhau được an toàn.

- Xử lý kỹ thuật các điểm đen về tai nạn giao thông. Lưu ý các dốc cầu, đường cong, chợ, trường học và khu dân cư, đường dẫn, đấu nối vào các quốc lộ ... nơi thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Xây dựng và hoàn thiện các bến bãi đỗ xe trong đô thị, hệ thống biển báo giao thông, nhất là hệ thống giao thông nông thôn.

 - Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đặc biệt là kỹ thuật lái, phấn đấu trong năm 2007 và các năm tiếp theo, giải quyết cơ bản tình trạng người điều khiển xe môtô không có giấy phép lái xe, quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Đẩy mạnh công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Đầu tư mới hệ thống thiết bị kiểm định, nâng cao chất lượng kiểm định. Kiên quyết loại bỏ những phương tiện quá niên hạn sử dụng theo đúng quy định tại Nghị định số 23/2004/NĐ-CP ngày 13/4/2004 của Chính phủ về quy định niên hạn sử dụng của ô tô tải và ô tô chở người.

- Xây dựng lộ trình để đưa phương tiện công cộng vào thay dần các phương tiện cá nhân. Tiếp tục củng cố các tuyến xe buýt đang hoạt động và phát triển các tuyến mới. Thông báo lộ trình để các phương tiện cá nhân vận tải nhỏ chuyển đổi cho phù hợp. Xây dựng phương án tổ chức lại các loại xe ba gác, xe công nông, xe lôi ... đảm bảo an toàn và mỹ quan. Vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở rộng mạng lưới xe taxi.

 - Đối với giao thông đường thuỷ: kiểm tra bến bãi lên xuống khách và hàng hóa, các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông thuỷ, chất lượng phương tiện của các đò ngang, đò dọc; giải tỏa các chướng ngại vật lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thuỷ, thanh thải dòng chảy ... kiên quyết không đưa vào hoạt động đối với các phương tiện không đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông.

3. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Công an Tỉnh chỉ đạo quyết liệt lực lượng công an các cấp mà nòng cốt là Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Trong quý II năm 2007, liên tiếp mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm và tập trung xử lý hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Phối hợp với các địa phương để đảm bảo tuần tra khép chặt thời gian và địa bàn. Tập trung cao điểm tuần tra vào các "giờ đen", "ngày đen" và "điểm đen" hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra. Duy trì các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông cùng với lực lượng cảnh sát giao thông tại những nút giao thông trọng yếu và những tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông hoặc những nơi có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.

- Kiên quyết xử phạt những người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm khi đi trên những đoạn đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Phải thực hiện tốt đồng thời cả công tác tuyên truyền và xử phạt, nhằm giáo dục để tạo thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe môtô, xe gắn máy.

- Tập trung kiểm tra xử lý những hành vi lấn chiếm lộ giới, hành lang an toàn đường thuỷ, bộ. Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ tập trung kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ như: phương tiện chở quá tải, trang thiết bị không an toàn, không trang bị phao cứu sinh đúng số lượng quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp ...

- Đối với cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, hoặc gây ra tai nạn giao thông, ngoài việc bị xử lý theo quy định, các cơ quan thẩm quyền phối hợp thông báo về đơn vị để có hình thức xử lý kỷ luật thích đáng.

- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đưa ra xét xử lưu động đối với tội phạm vi phạm pháp luật an toàn giao thông tại địa bàn nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi đối tượng vi phạm cư trú để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

4. Tổ chức thực hiện:

- Giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch thực hiện hoặc phối hợp thực hiện Chỉ thị này.

- Giao Thường trực Ban an toàn giao thông Tỉnh (Sở Giao thông vận tải) xây dựng kế hoạch phân công các thành viên Ban an toàn giao thông Tỉnh phụ trách từng địa bàn để theo dõi, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện. Đồng thời xây dựng kế hoạch Ban an toàn giao thông Tỉnh kiểm tra thực tế ở một số ngành và địa phương trong Tỉnh.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2007/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2007 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 11/2007/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/04/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trương Ngọc Hân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/04/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 12/05/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản