Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2004/CT-UB

Mỹ Tho, ngày 12 tháng 5 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhu cầu khách quan của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với nguyện vọng của người lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động.

Tỉnh ta có tiềm năng lớn về lao động, nhưng thời gian qua việc sử dụng nguồn lực này còn hạn chế, hiệu quả thấp, số người chưa có việc làm còn nhiều; việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động chưa được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức, chưa đặt xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm nhằm thực hiện xoá đói giảm nghèo. Do đó kết quả xuất khẩu lao động đạt thấp.

Thực hiện Chỉ thị 41/CT-TW ngày 22/9/1998 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, nhằm phát huy nguồn nhân lực của tỉnh nhà; Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành, thị thực hiện một số nội dung sau đây:

1- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Các tổ chức chính trị xã hội tiến hành các đợt tuyên truyền về chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động để nâng cao nhận thức cán bộ và nhân dân, nhất là đối với lực lượng thanh niên hiểu biết đầy đủ về chính sách, điều kiện và lợi ích của việc đi lao động ở nước ngoài, để thanh niên và gia đình tự nguyện đăng ký tham gia.

2- Tập trung chỉ đạo công tác xuất khẩu lao động. Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cần xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo.

Do vậy, phải tăng cường chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm của các đoàn thể tích cực tham gia. Đặc biệt tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã phường, thị trấn, làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân để người lao động thấy được lợi ích và tự nguyện đăng ký đi lao động ở nước ngoài; Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để công tác xuất khẩu lao động đạt kết quả tốt.

3- Trong tổ chức triển khai thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã. Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm thực hiện công tác xuất khẩu lao động như sau:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động có nhiệm vụ:

+ Xây dựng kế hoạch, đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất khẩu lao động đơn giản, thuận tiện để hướng dẫn các địa phương thực hiện.

+ Chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực quan hệ với các Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân đưa lao động đi làm việc nước ngoài để thực hiện các bước tuyển chọn; Tư vấn cho; người lao động về trình tự, hỗ trợ giải quyết các thủ tục đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định của nhà nước.

+ Chỉ đạo các Trường, Trung tâm Dạy nghề tổ chức đào tạo nghề, giáo dục hướng nghiệp, chuẩn bị các điều kiện để người lao động tham gia xuất khẩu lao động.

- Sở Vãn hoá Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Ấp bắc, nghiên cứu biên soạn nội dung, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về xuất khẩu lao động, thông tin về điều kiện, tiêu chuẩn đi lao động ở nước ngoài.

- Sở Tài chính: Nghiên cứu đề xuất nguồn chi từ ngân sách để tham gia hỗ trợ thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động.

- Ngân hàng Nhà nước: Chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi việc vay vốn của người lao động đi xuất khẩu lao động.

- Sở Y tế: chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện công tác khám sức khoẻ cho người lao động khi có yêu cầu đúng quy định, nhanh chóng.

- Công an tỉnh: Có trách nhiệm hỗ trợ tích cực việc cấp hộ chiếu xuất cảnh cho người lao động, đồng thời theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, lừa đảo gây hại cho người lao động.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: chịu trách nhiệm triển khai công tác xuất khẩu lao động đến các xã, phường, thị trấn; liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để có được những thông tin cần thiết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể, các tổ chức xã hội theo chức năng nhiệm vụ của mình có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên tham gia có hiệu quả công tác xuất khẩu lao động của tỉnh.

Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trong năm 2004, tạo tiền đề thuận lợi cho các năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tích cực triển khai thực hiện chỉ thị này.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện. Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc các ngành, các cấp kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo tiếp./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh
- CT.UBND tỉnh
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh
- UBND các H, TP, TX
- LĐ và CVVP (Hà)
-Lưu

CHỦ TỊCH
ỦY BAN.NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG




Nguyễn Hữu Chí

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2004/CT-UB về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động do tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 11/2004/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/05/2004
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Nguyễn Hữu Chí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản