Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 11/2003/CT-UBBT

Phan Thiết , ngày 05 tháng 5 năm 2003

 

CHỈ THỊ

V/V SẮP XẾP VÀ CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BAN QUẢN LÝ ĐIỆN NÔNG THÔN .

Mấy năm qua hệ thống lưới điện khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư nên có tốc độ phát triển khá nhanh. Đến nay đã có 100% số xã với hơn 73,6% số hộ nông thôn được sử dụng điện lưới; Việc quản lý vận hành và phát triển hệ thống, mua và bán điện khu vực nông thôn chủ yếu do các Ban Quản lý Điện nông thôn (BQLĐNT ) giúp UBND các địa phương đảm nhận.Qua một thời gian củng cố, sắp xếp đến nay còn lại 6 BQLĐNT cấp huyện và 5 BQLĐNT cấp xã .

Các BQLĐNT là loại hình đơn vị sự nghiệp kinh tế thuộc UBND huyện hoặc xã, phụ trách bán điện cho hơn 139.300 hộ, chiếm hơn 65% tổng số hộ dân cả tỉnh; trong đó có 106.029 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; Trong các năm qua BQLĐNT đã thực hiện tốt vai trò cung ứng điện, chấp hành tốt quy định giá bán điện do Nhà nước ban hành, thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần vào sự nghiệp công hóa hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp và nông thôn .

Tuy nhiên sau khi Chính Phủ ban hành Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 “ về hoạt động điện lực và sử dụng điện “ thì mô hình đơn vị sự nghiệp kinh tế của các BQLĐNT không còn phù hợp.Do đó cần thiết phải chuyển đổi hình thức tồn tại của Ban Quản lý điện phù hợp với quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 của Bộ Công nghiệp về cấp giấy phép hoạt động điện lực; theo đó đến tháng 7/2004 các BQLĐNT phải chuyển thành các loại hình doanh nghiệp hoặc HTX có đăng ký kinh doanh mới có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng kinh tế mua bán điện .

Mặt khác, việc tổ chức chuyển đổi mô hình BQLĐNT là điều kiện và cam kết của tỉnh để được tham gia Dự án Năng lượng nông thôn vay vốn Ngân hàng thế giới giai đoạn II (REII) nhằm tranh thủ nguồn vốn bên ngoài đầu tư cải tạo và mở rộng lưới điện nông thôn của địa phương, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết 13- NQ/TU ngày 21/03/2003 của Tỉnh Ủy về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTW Đảng ( Khóa IX ) về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đến năm 2010 .

Để sắp xếp và chuyển đổi mô hình hoạt động của các BQLĐNT trên địa bàn tỉnh, thực hiện Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02/8/2001 của Chính phủ “ về hoạt động điện lực và sử dụng điện “, Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/6/2002 của Bộ Công nghiệp "về cấp giấy phép hoạt động điện lực"; bảo đảm việc cung ứng điện phục vụ các hoạt động kinh tế- xã hội nông thôn được ổn định; UBND tỉnh chỉ thị Chủ tịch các UBND huyện, thành phố; Giám Đốc các Sở ngành liên quan thực hiện các nội dung sau:

1/ Rà soát các công trình lưới điện trung áp và trạm đầu tư trước và sau ngày 28/2/1999, tiếp tục bàn giao cho ngành điện quản lý theo hướng dẫn tại Thông tư 06/2001/TTLT/BCN-BTC ngày 23/8/2001 của Bộ Công nghiệp và Bộ Tài chính. Việc này phải hoàn thành trước ngày 30/6/2003 .

2/Đối với các xã được đầu tư lưới hạ thế từ các các nguồn vốn trong các dự án Năng lượng nông thôn như: Chương trình vay vốn WB giai đoạn I (9 xã ); Chương trình AFD (3 xã ); Chương trình điện khí hóa nông thôn bằng vốn khấu hao của ngành điện (1 xã); Do giá bán điện từ các dự án này thấp hơn giá bán điện do BQLĐNT của địa phương cung cấp; để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và thống nhất 1 giá trên cùng địa bàn, yêu cầu UBND các huyện tổ chức bàn giao phần hạ thế do địa phương đầu tư trước đó cho Điện Lực Bình Thuận thống nhất 1 đầu mối quản lý bán điện trên địa bàn xã. Phần vốn do nhân dân đóng góp ( không tính vốn kéo điện từ trục hạ thế đến đồng hồ), sẽ ghi nhận chờ chủ trương của Chính Phủ xử lý sau; Thủ tục giao, nhận lưới hạ thế thực hiện theo công văn số 1617/UBBT-CN ngày 06/7/2002 của UBND tỉnh v/v bàn giao lưới điện nông thôn;

3/ Từ nay đến năm 2010 địa phương vẫn tiếp tục quản lý việc đầu tư phát triển lưới điện hạ thế, nhưng việc kinh doanh điện phải bảo đảm mô hình hoạt động mới phù hợp với các quy định hiện hành; do đó:

- Yêu cầu các huyện thoả thuận với ngành điện để bàn giao khu vực bán điện của các BQLĐNT huyện hoặc xã cho Điện Lực Bình Thuận trực tiếp bán điện đến hộ nông thôn. Phần vốn do nhân dân góp được ghi nhận lại để xử lý sau khi Chính Phủ có chủ trương cụ thể.Để thuận tiện trong việc quản lý; khu vực nào ngành điện tiếp nhận thì bàn giao dứt điểm để không còn tồn tại BQLĐNT tại địa bàn đó; Về lao động và bộ máy quản lý của BQLĐNT, một mặt UBND các huyện, xã sắp xếp lại, nếu dôi thừa giải quyết theo chế độ hiện hành; mặt khác khi tiếp nhận lưới điện và tổ chức bộ máy quản lý mới yêu cầu Điện lực Bình Thuận lưu ý ưu tiên việc giải quyết những lao động có tay nghề và chuyên môn của BQLĐNT.

- Đối với lưới điện hạ thế mà ngành điện chưa tiếp nhận; phải chuyển đổi các BQLĐNT thành mô hình thích hợp tuỳ theo điều kiện, đặc điểm địa phương và quy mô hoạt động; Loại hình BQLĐNT sau chuyển đổi sẽ là 1 trong các hình thức: Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hoặc HTX dịch vụ điện hoạt động theo Luật Hợp tác xã .

4/Giao Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở Ban ngành liên quan chỉ đạo BQLĐNT các huyện, xã xây dựng phương án sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động .

Giao Sở Công Nghiệp, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công nghiệp, kết hợp nghiên cứu, học hỏi mô hình hoạt động điện lực của các địa phương khác, phối hợp với Sở Kế Hoạch - Đầu Tư xây dựng mô hình hướng dẫn UBND các huyện các bước triển khai thực hiện; Giao Sở Công Nghiệp và Sở Kế Hoạch - Đầu Tư thẩm định phương án sắp xếp chuyển đổi mô hình hoạt động của BQLĐNT trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 9/2003

 Sau khi phương án được phê duyệt, xúc tiến ngay việc lập hồ sơ thành lập và đăng ký kinh doanh tại Sở Kế Hoạch và Đầu tư (nếu là doanh nghiệp) hoặc tại UBND huyện ( nếu là HTX ) và xin cấp Giấy phép hoạt động điện lực tại Sở Công nghiệp. Đến 31/12/2003 hoàn thành việc thành lập, đăng ký kinh doanh cấp giấy phép hoạt động điện lực để đầu năm 2004 chuyển sang hoạt động theo mô hình mới .

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của BQLĐ nông thôn đòi hỏi về đầu tư nghiên cứu học hỏi và bảo đảm thời hạn nhằm thực hiện chủ trương của nhà nước, đồng thời không gây xáo trộn trong việc cung ứng điện nông thôn; Do đó yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở Ngành liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện.

Giao Sở Công Nghiệp hướng dẫn và theo dõi thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo UBND Tỉnh biết để chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận :
- Bộ Công nghiệp
- Bộ Tư Pháp ( b/cáo)
- TT. Tỉnh Ủy
- TT. HĐND Tỉnh
- Chủ tịch , các PCT
- EVN, Cty ĐL2
- UBND Huyện , TP .
- Sở, ngành.
- Điện lực Bình Thuận.
- Lưu VP,CN.

TM. UBND TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/2003/CT-UBBT về sắp xếp và chuyển đổi mô hình hoạt động của các Ban quản lý điện nông thôn do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 11/2003/CT-UBBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/05/2003
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/05/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản