Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/1997/CT-BNV(V11)

Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC TUẦN TRA, KIỂM SOÁT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ CHỐNG TIÊU CỰC TRONG KHI THI HÀNH NHIỆM VỤ

Thực hiện các Nghị định của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự đô thị, lực lượng Công an nhân dân mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông đã góp phần quan trọng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến giao thông, giải quyết được cơ bản tệ đua xe máy trái phép. Những kết quả đạt được đã được Chính phủ ghi nhận, nhân dân đồng tình khen ngợi.

Trong công tác và chiến đấu hầu hết cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã nêu cao được tinh thần trách nhiệm vì dân phục vụ, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc được khen thưởng, có đồng chí bị thương, có đồng chí đã anh dũng hy sinh trong đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Lãnh đạo Công an các cấp nói chung đã quan tâm chỉ đạo và thực hiện các biện pháp đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng Cảnh sát giao thông; Do vậy tình hình tiêu cực của Cảnh sát giao thông đã bước đầu có chuyển biến.

Tuy nhiên, trên các tuyến quốc lộ ở một số địa phương vẫn còn nhiều tiêu cực: Tình trạng phổ biến là tuỳ tiện chặn xe kiểm tra sách nhiễu gây phiên hà, khó khăn cho nhân dân. Lực lượng thanh tra pháp luật của Bộ đã kiểm tra phát hiện gần 50 vụ, trên 100 CBCS Cảnh sát giao thông và Công an các Quận, huyện thuộc trên 20 địa phương vi phạm nhận tiền mãi lộ của lái xe, làm sai quy trình công tác... phải đề nghị xử lý kỷ luật. Nhiều địa phương xử lý rất nghiêm, nhưng cũng có nơi không xử lý hoặc xử lý không đúng mức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực kéo dài trong lực lượng CSGT, có nguyên nhân do lãnh đạo Công an các địa phương chưa đích thân chỉ đạo quyết liệt, không kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các Chỉ thị, Quyết định, quy trình công tác. Còn né tránh, không xử lý nghiêm, kiên quyết đối với cán bộ, chiến sĩ có sai phạm. Việc tổ chức TTKS giao thông chưa hợp lý nên chưa phát huy được tác dụng tích cực của biện pháp này; Song nguyên nhân chủ yếu là sự rèn luyện phấn đấu của một bộ phận cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng CSGT chưa tốt. Một số cán bộ chiến sĩ đã thoái hoá biến chất, lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn để dừng xe kiểm tra, sách nhiễu lấy tiền mãi lộ. Một số lãnh đạo Phòng, Đội, Trạm thiếu trách nhiệm, làm ngơ hoặc thông đồng với các hành vi tiêu cực nói trên, không có biện pháp chấn chỉnh các vi phạm. Những đơn vị có cán bộ chiến sĩ sai phạm thì người lãnh đạo trực tiếp cũng chưa được kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và chịu xử lý kỷ luật.

Một số lực lượng khác của Công an huyện, thị xã, phường... cũng lợi dụng chức trách để chặn xe kiểm tra không đúng quy định, sách nhiễu đòi tiền, không chấp hành nghiêm Chỉ thị của Bộ.

Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn có chiều hướng phức tạp, tai nạn giao thông vẫn nghiêm trọng, vi phạm về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị vẫn phổ biến. Tiêu cực vi phạm trong lực lượng CSGT vẫn rất nghiêm trọng và là một vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Để thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ, tạo một bước chuyển biến tiến bộ trên lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông một yêu cầu rất quan trọng là phải chấn chỉnh lại công tác TTKS giao thông đường bộ và kiên quyết đẩy lùi tiêu cực, sách nhiễu nhân dân trong khi thi hành công vụ, lấy lại uy tín của lực lượng Công an. Lãnh đạo Bộ yêu cầu đồng chí Giám đốc Công an các địa phương trực tiếp chỉ đạo thực hiện ngay một số biện pháp sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát nhân dân, Công an quận, huyện, thị xã, phường nghiên cứu học tập nắm vững và thực hiện nghiêm chỉnh các Chỉ thị, mệnh lệnh công tác của Bộ về giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Nghiêm cấm các lực lượng Cảnh sát trật tự, Cảnh sát bảo vệ, Công an các quận, huyện, công an phường và các lực lượng Công an khác ra đường dừng xe kiểm soát. Việc tham gia vào các tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát hàng hoá phải có lệnh viết của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trở lên và giao cho CSGT thuộc Công an tỉnh, thành phố thực hiện.

2. Giao cho Tổng cục Cảnh sát nhân dân rà soát báo cáo lãnh đạo Bộ giải tán ngay một số chốt CSGT của Công an các địa phương trên quốc lộ 1A, 5A, không để tình trạng một đoạn đường có quá nhiều chốt CSGT. CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần tra lưu động trên đường để phòng ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông, giải quyết tai nạn và vụ việc xảy ra.

Tổng cục CSND khẩn trương nghiên cứu đề xuất lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung một số quy định không còn phù hợp trong lĩnh vực TTKS giao thông đường bộ như sửa đổi, bổ sung Thông tư 03/TT-BNV ngày 12/6/1990 về "bố trí lực lượng TTKS giao thông trên các quốc lộ" theo hướng bố trí theo tuyến, chấm dứt tình trạng kiểm tra tràn lan ở các địa phương. Sửa đổi, bổ sung về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ các Trạm cửa ô thuộc các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... theo Quyết định số 440 ngày 07/6/1984 cho phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển trong tương lai.

3. Những địa phương được Bộ cho phép lực lượng Cảnh sát giao thông ra đường làm nhiệm vụ TTKS giao thông, thì lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp duyệt kế hoạch TTKS thật cụ thể (làm gì, ở đâu, thời gian và người thực hiện...) các tổ TTKS khi làm nhiệm vụ phải thực hiện đúng theo kế hoạch đã duyệt, phải luôn giữ đúng tư thế tác phong của người Công an nhân dân, nghiêm cấm các hành vi sách nhiễu, các biểu hiện cửa quyền, hách dịch gây khó khăn cho nhân dân. Phải có sổ nhật ký tuần tra ghi nội dung và kết quả kiểm tra từng phương tiện. Hết ca làm việc các tổ TTKS phải viết báo cáo, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp kiểm tra kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm ngay.

Hàng tuần lãnh đạo Công an tỉnh, thành phố phải trực tiếp nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo công tác TTKS giao thông, nếu phát hiện trường hợp nào không thực hiện đúng quy định phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm đình chỉ ngay không cho ra đường làm nhiệm vụ; Nếu cố ý vi phạm phải xử lý kỷ luật và báo cáo về Bộ.

4. Giao cho thanh tra Công an tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất với hoạt động của CSGT trên đường. Kịp thời động viên khen thưởng các trường hợp lập công xuất sắc, các gương người tốt việc tốt, chấp hành nghiêm túc các quy định của Bộ; Đồng thời xử lý nghiêm, kiên quyết, kịp thời mọi hành vi tiêu cực, tham nhũng theo đúng quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 9/3/1996 của Bộ.

Qua xử lý các vụ vi phạm cần phân tích rõ nguyên nhân, điều kiện sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa. Những đơn vị có cán bộ chiến sĩ sai phạm thì chỉ huy cấp đội, cấp phòng cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật nghiêm minh, đúng mực.

5. Các đơn vị Cảnh sát giao thông cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ, đẩy mạnh phong trào học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; học tập noi gương các điển hình tiên tiến trong lực lượng Công an nhân dân nói chung và Cảnh sát giao thông nói riêng. Duy trì thường xuyên sinh hoạt đơn vị, đấu tranh phê và tự phê bình trong nội bộ một cách thiết thực.

Từng phòng, đội, trạm, tổ công tác CSGT phải thường xuyên tổ chức học tập quán triệt các quy định về chống tiêu cực tham nhũng, các quy trình, quy chế, chế độ công tác của Cảnh sát giao thông như: Quy trình tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, quy trình xử lý vi phạm, quy trình giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, quyết định số 82/QĐ-BNV về xử lý cán bộ chiến sĩ Công an vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ trật tự an toàn giao thông.

6. Tổng cục Cảnh sát nhân dân tiếp tục chỉ đạo duy trì và tăng cường mạnh hơn nữa hoạt động của các tổ thanh tra pháp luật. Trang bị thêm các phương tiện kỹ thuật và áp dụng một số biện pháp nghiệm vụ cần thiết khi thực hiện nhiệm vụ nhằm phát hiện kịp thời, chính xác những cán bộ, chiến sĩ sai phạm.

Sơ kết công tác đấu tranh chống tiêu cực trong tuần tra kiểm soát, để có biện pháp khắc phục chấn chỉnh cho toàn lực lượng Cảnh sát giao thông.

7. Tổng cục Cảnh sát nhân dân và Công an các tỉnh, thành phố phải có kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị này. Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Cảnh sát nhân dân đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Đồng thời chăm lo các điều kiện làm việc, chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tiếp tục tuyên tuyền các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành của Bộ về tuần tra kiểm soát giao thông để nhân dân biết, chấp hành và giám sát việc thực hiện của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Trong báo cáo tháng của Công an các địa phương cần phản ánh rõ tình hình và công tác chấn chỉnh lực lượng TTKS giao thông và chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ của lực lượng CSGT.

Chỉ thị này cần được quán triệt tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân để chấp hành.

 

 

Lê Minh Hương

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 11/1997/CT-BNV(V11) về chấn chỉnh công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ và chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ do Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 11/1997/CT-BNV(V11)
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/07/1997
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Lê Minh Hương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản