Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC HẢI QUAN

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT, NHẬP KHẨU CHUYỂN TIẾP VÀ CÔNG TÁC KIỂM HOÁ

Thời gian qua Tổng cục đã ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị nhằm chấn chỉnh, ngăn ngừa và khắc phục những sai sót, sơ hở, tiêu cực trong công tác kiểm hoá và trong việc làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất, nhập khẩu chuyển tiếp như Quyết định số 89/QĐ, 189/TCHQ-GSQL và Chỉ thị số 256/TCHQ-GSQL .

Tuy nhiên, Hải quan một số địa phương đã không thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Tổng cục, tiếp tục để xẩy ra những sơ hở, sai sót rất nghiêm trọng, làm thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu cho kinh tế, xã hội của đất nước.

Qua các vụ đã phát hiện được, nổi lên các hiện tượng sau:

- Hiện tượng khai sai tên hàng, chủng loại, phẩm cấp hàng để lậu thuế. Ví dụ hồ sơ làm thủ tục nhập khai là máy cầy, máy chữ điện tử, máy giặt, bình nóng, lạnh mặt hàng thuế suất thấp hoặc bằng 0% nhưng thực chất bên trong container lại toàn là tivi mầu, đầu video, các mặt hàng có thuế suất cao và mặt hàng cấm; đối với hàng xuất, có nơi tờ khai và thủ tục kiểm hoá ghi là đồ sành sứ, khi tái kiểm lại là gỗ pơmu.

- Số lượng, trọng lượng hàng kê khai và kiểm hoá lần đầu chỉ bằng 1/2 hoặc 2/3 số lượng hàng thức nhập, khi tái kiểm tra mới phát hiện ra số dư thừa so với tờ khai và số kết quả kiểm hoá lần đầu.

- Hàng nguyên chiếc nhưng khai là linh kiện, phụ tùng để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu thấp hoặc thuế suất bằng 0%.

- Hiện tượng Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập xin chuyển tiếp hàng từ cảng nhập về địa phương mình kiểm hoá nhưng thực chất là không đưa về tỉnh, thành phố mà kiểm hoá tại địa điểm khác ngoài khu vực cửa khẩu, rồi quay lại giải phóng hàng ngay tại địa phương có cửa khẩu nhập.

- Một số đơn vị Hải quan tỉnh, thành phố ngoài địa phương có cửa khẩu nhập, lén lút kiểm hoá hàng tỉnh, thành phố mà ở đó có tổ chức hải quan, hoặc kiểm tra hàng các công ty, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố có tổ chức Hải quan dưới dạng trá hình uỷ thác nhưng sau khi làm xong thủ tục hải quan, hàng lại quay về tiêu thụ ở địa phương có cửa khẩu nhập.

- Đã xẩy ra quá nhiều trường hợp kiểm hoá ban đêm, kiểm hoá không đúng địa điểm quy định nhưng không báo cáo cho Hải quan sở tại hoặc lãnh đạo cấp trên trực tiếp.

- Hiện tượng kiểm hoá xong tại cửa khẩu nhưng không ghi kết quả kiểm hoá ngay vào tờ khai hải quan tại địa điểm kiểm hoá, mà để xem nếu không có lực lượng tái kiểm hoá hoặc lực lượng kiểm soát thì mới ghi kết quả và giải phóng hàng thật nhanh v.v...

- Đặc biệt có những trường hợp chủ hàng khai sai tên hàng, số lượng, trọng lượng, phẩm cấp hàng so với số lượng và trị giá lớn để trốn thuế, lậu thuế trong những lô hàng chuyển tiếp, nhưng chưa có Hải quan tỉnh nào xin chuyển tiếp hàng hoá tự kiểm tra, phát hiện những sai sót nêu trên, mà chủ yếu là Hải quan các tỉnh, thành phố có cửa khẩu nhập kiểm tra, phát hiện khi có nghi vấn.

- Có những trường hợp trình tờ khai xin chuyển tiếp, thì khai đúng, đủ, nhưng Hải quan xin chuyển tiếp lại làm tờ khai hải quan thứ hai có nội dung khác đi để giảm bớt thuế cho chủ hàng.

Để nhanh chóng chấm dứt những tình trạng trên, Tổng cục trưởng chỉ thị một số điểm mấu chốt đã được quy định và yêu cầu Cục trưởng hải quan tỉnh, thành phố cần tổ chức thực hiện nghiêm túc những nội dung sau đây:

1. Tiếp tục tổ chức quán triệt lại tinh thần, nội dung các Quyết định, Quy chế, Quy trình và Chỉ thị của Tổng cục về công tác kiểm hoá, giám sát quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với hàng chuyển tiếp, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các Quy định đó, bảo đảm đúng chính sách, đúng pháp luật.

2. Tất cả các trường hợp hàng chuyển tiếp có nghi vấn khai sai tên hàng, số lượng, trọng lượng hàng... đều phải mở kiểm hoá ngay tại cửa khẩu xuất, nhập. Ngoài ra, phải kiểm tra xác suất một số trường hợp khác đề hạn chế đến mức thấp nhất gian lận thương mại và trốn lậu thuế.

Giao trách nhiệm cho lãnh đạo Cục hải quan có cửa khẩu ra quyết định việc kiểm tra nói trên.

- Khi kiểm tra: Nếu đúng tên hàng, đúng số lượng, trọng lượng hàng thì cho chuyển tiếp.

- Khi kiểm tra: Nếu phát hiện sai lớn về tên hàng, phẩm cấp, số lượng, trọng lượng thì tiến hành kiểm tra chi tiết lập biên bản để xử lý ngay phần vi phạm Hải quan cửa khẩu đầu tiên theo nội dung sau:

+ Huỷ bỏ tờ khai hải quan đăng ký đầu tiên của địa phương làm chuyển tiếp.

+ Yêu cầu chủ hàng làm thủ tục tại Hải quan có cửa khẩu nhập đầu tiên để hoàn tất thủ tục Hải quan đối với lô hàng thực nhập.

- Nếu kiểm tra sơ bộ thấy đúng tên hàng nhưng sai sót nhỏ về số lượng, trọng lượng thì lập biên bản ghi rõ phương pháp kiểm tra và cho hàng chuyển tiếp. Sau khi làm xong thủ tục hải quan cho lô hàng, Hải quan làm thủ tục chuyển tiếp phải thông báo lại cho Hải quan có cửa khẩu nhập biết, đồng thời báo cáo Tổng cục Hải quan.

3. Nếu phát hiện thấy hàng chuyển tiếp không đưa về đúng địa điểm đăng ký, kiểm tra thì Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên phải lập biên bản vi phạm, kết hợp Hải quan địa phương xin chuyển tiếp đưa hàng về đúng nơi đăng ký kiểm tra. Nếu vi phạm từ 3 lần trở lên thì Tổng cục sẽ ra quyết định không cho địa phương đó được chuyển tiếp đối với hàng nhập khẩu.

4. Nghiêm cấm việc Hải quan các tỉnh, thành phố làm thủ tục hàng chuyển tiếp cho các chủ hàng đóng trên lãnh thổ cửa khẩu hoặc sau khi làm chuyển tiếp rồi quay hàng trở lại tỉnh, thành phố có cửa khẩu đó để tiêu thụ. Nếu Hải quan cửa khẩu phát hiện các trường hợp trên thì phải báo cáo ngay cho lãnh đạo cửa khẩu biết để thông báo ngay cho lãnh đạo Hải quan làm chuyển tiếp biết để chấn chỉnh, xử lý.

5. Kiểm hoá xong phải ghi kết quả vào tờ khai tại nơi kiểm hoá, không được để chậm trễ với bất cứ lý do gì và cũng không được đưa đến một địa điểm khác để ghi kết quả kiểm hoá.

6. Đối với lãnh đạo Hải quan các cấp, cần có biện pháp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất việc làm thủ tục Hải quan của cán bộ cấp dưới. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng về các vi phạm, sai sót của cán bộ cấp dưới thuộc quyền.

7. Tăng cường hoạt động của lực lượng tái kiểm, lực lượng kiểm soát.

8. Kỷ luật thích đáng những cán bộ, nhân viên hải quan tiêu cực, bao che tiêu cực, cố ý làm trái quy định, thiếu tinh thần trách nhiệm để sót lọt hàng, gian lận hàng, trốn lậu thuế. Đồng thời khen thưởng những người có công phát hiện chống tiêu cực.

9. Giao cho Cục Giám sát quản lý, Cục Điều tra chống buôn lậu chịu trách nhiệm theo dõi kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị này.

10. Nghiêm cấm việc kiểm hoá ban đêm, hoặc kiểm hoá không đúng địa điểm quy định. Trong trường hợp đặc biệt phải kiểm hoá ban đêm hoặc kiểm hoá không đúng địa điểm quy định, thì phải thông báo cho Hải quan sở tại và lãnh đạo Hải quan cấp tỉnh thành phố trực tiếp biết, chỉ khi nào được Cục trưởng ra quyết định chấp thuận mới được làm.

Nhận được Chỉ thị này, Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các cục, vụ, viện của cơ quan Tổng cục, Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam khẩn trương triển khai và thực hiện tốt những yêu cầu đã nêu trên.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 108/TCHQ-GSQL về tăng cường công tác kiểm tra làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu chuyển tiếp và công tác kiểm hóa do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan ban hành

  • Số hiệu: 108/TCHQ-GSQL
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 09/03/1995
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản