Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1003-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 1956 

 

CHỈ THỊ

VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THẦY GIÁO.

I. – VAI TRÒ CỦA THẦY GIÁO TRONG XÃ HỘI VIỆT-NAM HIỆN NAY

Để nâng cao năng suất sản xuất lao động, phát triển kinh tế, để xây dựng một nước Việt-nam giàu mạnh, cần phải đào tạo nhân tài, nâng cao mức văn hóa của nhân dân. Do đó, Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa trong nhân dân. Ngành Giáo dục đóng một vai trò trọng yếu. Thầy giáo là người lao động trí óc có trách nhiệm dạy dỗ, đào tạo thanh niên, thiếu niên trở thành những người công dân tốt, lao động tốt, bảo vệ đắc lực Tổ quốc, những nhân tài tích cực góp phần xây dựng nước Việt-nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

II. - NHIỆM VỤ CỦA THẦY GIÁO

Muốn giáo dục học sinh thành những người công dân tốt, người lao động tốt, người bảo vệ và xây dựng nước nhà được tốt, thầy giáo phải lấy đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ làm kim chỉ nam cho công tác giáo dục và mọi hoạt động xã hội của mình.

Thầy giáo phải có nhiệt tình yêu nước, yêu dân, trao đồi đạo đức, làm gương mẫu cho học sinh, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và phụ huynh học sinh, góp phần tích cực vào những hoạt động chính trị và xã hội ở địa phương công tác.

Thầy giáo cần cố gắng học tập nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ và văn hóa của mình, để củng cố lập trường tư tưởng, nâng cao chất lượng giảng dạy, chấp hành đúng đường lối chính sách của Chính phủ.

III. – CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THẦY GIÁO

Nhiệm vụ của ngành Giáo dục, của thầy giáo rất quan trọng và vẻ vang, nhưng dưới chế độ thống trị của đế quốc, phong kiến, ngành Giáo dục và thầy giáo đều bị coi rẻ.

Chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta ngày nay nhằm xây dựng xã hội mới, con người mới, ngành Gíáo dục và những người công tác giáo dục phải được coi trọng.

1) Coi trọng ngành Giáo dục và quý trọng thầy giáo:

Cần chống những tư tưởng, thái độ xem nhẹ hoặc coi thường ngành Giáo dục và thầy giáo.

Cơ quan chính quyền và đoàn thể các cấp, nhân dân các địa phương cần hiểu chính sách giáo dục của Chính phủ, hiểu rõ nhiệm vụ của ngành Giáo dục và của thầy giáo trong việc đào tạo thế hệ trẻ kiến thiết nước nhà. Các cấp chính quyền và đoàn thể phải đi sát giúp đỡ mọi mặt, về vật chất cũng như tinh thần cho các cơ quan Giáo dục địa phương, các trường học và thầy giáo thực hiện thuận tiện chương trình giảng dạy mà Chính phủ đã quy định.

2) Bồi dưỡng thầy giáo về chính trị, nghiệp vụ và văn hóa:

Thầy giáo phải thường xuyên được bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và văn hóa để làm tròn nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác và tiến bộ không ngừng trong nghề.

Các cấp chính quyền và đoàn thể có nhiệm vụ giúp đỡ thầy giáo học tập tiến bộ. Bộ Giáo dục cần nghiên cứu và quy định chế độ bổ túc văn hóa, nghiệp vụ và học tập chính trị cho thầy giáo.

3) Cải thiện chế độ công tác, cải thiện đời sống của thầy giáo:

a) Chế độ công tác: Hiện nay chế độ công tác của thầy giao chưa được quy định rõ ràng, như có nhiều nơi thiếu cán bộ, một thầy giáo phải dạy hai lớp buộc phải dạy phụ thêm nhiều giờ. Có địa phương tự tiện điều động thầy giáo không đúng nguyên tắc: như đang dạy học mà điều động đi công tác thuế suốt cả mùa, làm cản trở đến việc giảng dạy. Có địa phương tự ý đình chỉ công tác hoặc cách chức thầy giáo không hỏi ý kiến Bộ Giáo dục. Tình trạng ấy cần phải chấm dứt.

Để cải thiên chế độ công tác cho thầy giáo, các cơ quan Giáo dục phải có kế hoạch đào tạo thêm cán bộ, đồng thời quy định rõ ràng về chế độ giảng dạy và sinh hoạt trong nhà trường, để đảm bảo cho thầy giáo dạy được liên tục, có giờ giấc nghỉ ngơi và được bồi dưỡng thích đáng.

Việc bổ nhiệm hay điều động thầy giáo các trường công do các cơ quan Giáo dục có thẩm quyền quyết định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban hành chính khu, tỉnh hay thành phố có các trường ấy.

Việc thu nhận thầy giáo ở các trường dân lập hay trường tư phải có sự đồng ý của cơ quan Giáo dục địa phương.

b) Đời sống vật chất: Các cơ quan có trách nhiệm phải thi hành đúng đắn những nguyên tắc tài chính của Chính phủ đã ban hành đối với thầy giáo. Phải thi hành chế độ  nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng về vật chất cho thầy giáo đã dạy quá giờ tối đa, chiếu cố thích đáng đối với những thầy giáo già yếu, bệnh tật, những nữ giáo viên có con nhỏ và đối với thấy giáo miền núi, thầy giáo miền xuôi lên công tác miền núi; phải có chính sách đãi ngộ đặc biệt về vật chất cũng như tinh thần.

Thầy giáo cấp I mà kinh phí chuyển sang nhân dân đài thọ, vẫn là những cán bộ trong biên chế Nhà nước. Chính quyền và đoàn thể các cấp có trách nhiệm bảo đảm cho thầy giáo được hưởng tất cả những quy định về quyền lợi mà Chính phủ đã ban bố đối với thầy giáo.

Thầy giáo dạy trường dân lập và thầy giáo lớp vỡ lòng, về mặt chính trị và nghiệp vụ được hưởng mọi quyền lợi như thầy giáo trường quốc lập, nhưng về lương bổng do nhân dân đài thọ. Chính quyền và các đoàn thể có trách nhiệm thu góp học phí để bảo đảm đời sống vật chất cho thầy giáo trường dân lập.

Đối với thầy giáo bình dân học vụ và những người có công giải thoát nhân dân lao động ra khỏi nạn mù chữ và đương tích cự đóng góp vào việc nâng cao trình độ văn hóa ở nông thôn và các xí nghiệp cũng phải được chính quyền và các đoàn thể nhân dân giúp đỡ và khuyến khích bằng mọi hình thức.

Đối với nữ giáo viên có con nhỏ, công tác lẻ loi, không có điều kiện tổ chức giữ trẻ lập thể, chính quyền và cơ quan Giáo dục tùy điều kiện hoàn cảnh mà thực hiện chế độ giữ trẻ một cách hợp lý, đồng thời vận động nhân dân địa phương giúp đỡ để bảo đảm công tác cho nữ giáo viên.

Đối với thầy giáo dạy trường tư cần quy định chế độ giảng dạy, lương bổng, nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho thích đáng. Các tổ chức và cá nhân mở trường tư phải có trách nhiệm thi hành đúng những quy định đó. Các cấp chính quyền cần kiểm tra bảo đảm việc thực hiện quy chế.

Hiện nay, trong điều kiện kinh tế mới khôi phục, nền giáo dục đang ở bước đầu xây dựng, việc cải thiện chế độ công tác và điều kiện sinh hoạt bị hạn chế về nhiều mặt, chưa thể làm ngay như ý muốn, nhưng chúng ta phải nghiên cứu, cải thiện bước đầu và sau này sẽ tiến lên dần.

Chế độ dân chủ nhân dân đòi hỏi ở ngành Giáo dục và thầy giáo làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình, ngược lại Nhà nước và nhân dân phải tôn trọng và bồi dưỡng thầy giáo một cách thích đáng.

Các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc thi hành chính sách này.

 

 

K/T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Võ Nguyên Giáp



HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 1003-TTg năm 1956 về chính sách đối với thầy giáo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1003-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 14/08/1956
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Võ Nguyên Giáp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản