Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 7 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NẮM CHẮC VÀ XỬ LÝ KỊP THỜI CÁC CƠ SỞ CHỦ BỎ TRỐN ĐỂ BẢO VỆ TÀI SẢN, SỚM ĐƯA VÀO SẢN XUẤT VÀ ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Trước những âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ và bọn bành trướng Bắc Kinh, tình hình người ở thành phố bỏ trốn đi nước ngoài có chiều hướng tăng, trong dó bao gồm cả số hộ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nhiều nơi khi chuẩn bị trốn, chủ hộ đã tháo gỡ toàn bộ thiết bị máy móc hoặc một vài thiết bị chủ yếu trong dây chuyền sản xuất đem bán hoặc phân tán cho bà con họ hàng, v.v…Hiện tượng nói trên đã làm cho sản xuất của một số cơ sở bị đình trệ, số lao động thất nghiệp tăng thêm, một số ngành nghề bị mai một và các ngành công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp thành phố càng thêm mất đồng bộ.
Ủy ban nhân dân thành phố đã có nhiều văn bản quy định và hướng dẫn việc xử lý các loại tài sản, nhà đất vắng chủ,… phục hồi các cơ sở sản xuất có chủ bỏ trốn… (các chỉ thị số 14/CT-UB ngày 2/4/77 và 40/CT-UB ngày 8/8/78; thông tri số 22/TT-UB ngày 16/8/78; cùng các văn bản số 682/UB ngày 17/4/79, số 997/UB ngày 7/6/79). Thi hành các văn bản trên, đối với nhà đất vắng chủ cũng như các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có chủ bỏ trốn, các Quận Huyện đã có nhiều cố gắng trong việc kiểm kê, niêm phong, chốt giữ cũng như từng bước khôi phục sản xuất… Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các quy định của Ủy ban nhân dân thành phố, cũng đã bộc lộ nhiều thiếu sót :
- Nhiều nơi không phát hiện kịp thời các cơ sở có chủ bỏ trốn, không huy động đủ lực lượng, không tổ chức chu đá việc bảo vệ chốt giữ, đã để thất thoát tài sản, thiết bị, máy móc,… ảnh hưởng đế việc khôi phục sản xuất. Một số nơi lại tùy tiện tháo gỡ, di chuyển, bán, đổi chác máy móc thiết bị cũng như gom lại giao cho cơ quan vật tư Quận, Huyện cất giữ để lấy nhà xưởng làm trụ sở, làm nhà ở,… ;
- Đối với nhà cửa của những hộ bỏ trốn cũng không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kiểm kê, niêm phong, chốt giữ,… nhiều trường hợp đã tùy tiện phân phối tư liệu sinh hoạt, bố trí người đến ở trong khi chưa xử lý theo đúng chế độ ;
- Công tác xử lý làm rất chậm và không lập đầy đủ các hồ sơ cần thiết. Việc phân công phân cấp xử lý không quy định cụ thể theo một quy hoạch thống nhất cũng tạo thêm khó khăn lúng túng cho các cấp, các ngành trong việc khôi phục sản xuất : có nơi đã giao việc trực tiếp tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh cho các cơ quan không có chức năng này (giao cho Ủy ban nhân dân phường, xã hoặc giao cho Liên hiệp xã Quận, Huyện,…) hoặc giao việc quản lý và xử lý cơ sở sản xuất cho các cơ quan không đúng chức năng (nhà đất,…); đồng thời có những cơ sở sản xuất tuy đã được khôi phục sản xuất nhưng do không đủ điều kiện của một đơn vị kinh tế hạch toán độc lập, có tư cách pháp nhân nên đã gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Có tình hình trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng đáng lưu ý :
- Sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố chưa thật đầy đủ. Tuy Ủy ban có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng mới giải quyết từng mặt của một số vấn đề cấp thiết, chưa giải quyết toàn diện, việc phân công trách nhiệm cũng chưa rõ ràng dứt khoát ;
- Ban Cải tạo thành phố, Sở Công nghiệp, Liên hiệp xã thành phố, Sở Quản lý nhà đất và các ngành có liên quan, cùng các quận, huyện trong khi thực hiện những nhiệm vụ được giao chưa đề cao đúng mức trách nhiệm kịp thời đề xuất những khó khăn mắc mứu với Ủy ban nhân dân thành phố để có chỉ thị bổ khuyết ;
- Một số đơn vị (địa phương và các ngành) đã thiếu ý thức bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, không nghiêm chỉnh chấp hành những quy định đã có mà còn nhiều vi phạm gây thêm tác hại đáng tiếc.
Để khắc phục tình trạng trên một cách tích cực và để chấp hành đầy đủ mục III, điều 10, 11 và 12 về chế độ bảo vệ của công trong bản quy định của Hội đồng Chính phủ kèm theo nghị định số 217/CP ngày 8/6/1979 ; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các sở, ban, ngành phải nắm vững mấy vấn đề chỉ đạo sau đây :
A- MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU :
1) Quản lý trọn vẹn mọi tài sản của các cơ sở chủ bỏ trốn còn lại (đây là tài sản xã hội chủ nghĩa) và phải sớm đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất và đời sống tốt nhất. Không để thất thoát hư hại hoặc sử dụng không hợp lý và lãng phí tài sản. Phải biết kết hợp giữa phục hồi và điều chỉnh cơ sở, thiết bị máy móc nắm được, có trường hợp phải điều chỉnh bổ sung cho đồng bộ mới phục hồi sản xuất được;
2) Nhanh chóng phục hồ sản xuất, sớm ổn định mọi hoạt động của các cơ sở đó để bảo đảm đời sống bình thường của những người lao động. Không để sản xuất bị mai một về ngành nghề, không để công nhân và cán bộ kỹ thuật có tay nghề giỏi bị thất nghiệp (khi cần thiết phải chuyển nghề cho họ. Không để nhà cửa bị chiếm dụng bất hợp pháp và sử dụng không đúng công năng ;
3) Trong quá trình phục hồi, ổn định sản xuất và đời sống phải kết hợp việc thi hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 199/TTg ngày 28/5/79 về việc hoàn thành cải tạo, cũng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong các ngành công thương nghiệp, gắn với việc quy hoạch tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên môn hóa và hiệp tác hóa sản xuất theo ngành sản phẩm (tinh thần chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố số 26/CT-UB ngày 24/5/78).
Nếu chưa chuẩn bị, chưa nghiên cứu kỹ thì yêu cầu trước mắt là bằng mọi biện pháp tổ chức bảo vệ trọn vẹn mọi tài sản của xã hội và khẩn trương phục hồi, ổn định sản xuất và đời sống .
B- NHỮNG NỘI DUNG CÔNG TÁC CẦN THỰC HIỆN :
Việc quản lý bảo vệ và xử lý các cơ sở có chủ bỏ trốn, sớm đưa vào sản xuất và ổn định đời sống nhân dân không thể đơn thuần giải quyết bằng các biện pháp kinh tế hay hành chính ; muốn làm tốt phải đồng thời tăng cường công tác giáo dục phát động quần chúng ở từng phường, xã nhất là số bà con lao động làm thuê trực tiếp cho các chủ cơ sở này.
Làm sao cho mọi người ý thức được đây là tài sản xã hội chủ nghĩa, nó rất gắn bó với quyền lợi của bản thân người công dân, từ đó mọi người đều có nghĩa vụ, quản lý, bảo vệ, phản đối mọi hành động ăn cắp, tẩu tán, phá hoại …
I- Đối với các cơ sở sản xuất hoặc nhà cửa đã nắm được :
1) Tiếp tục giữ vững và phát huy các cơ sở đã phục hồi ổn định sản xuất và đời sống. Các ngành có liên quan ở thành phố cần theo dõi giúp đỡ xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch 6 tháng cuối năm và chuẩn bị đầy đủ cho kế hoạch 1980 nằm trong quy hoạch tổ chức lại sản xuất của ngành kinh tế - kỹ thuật thành phố) ;
2) Các cơ sở thiếu điều kiện để hoạt động bình thường, các quận, huyện cần báo cáo gấp và cụ thể về Ban Cải tạo thành phố để cùng các ngành có liên quan xem xét giải quyết (hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết);
3) Tiếp tục chốt giữ và bảo vệ nhà cửa, tư liệu sinh hoạt ở các cơ sở chủ bỏ trốn. Các quận, huyện cần thống kê, lập danh sách (nhà cửa + tư liệu sinh hoạt), báo cáo cho Sở Quản lý nhà đất và Sở Tài chánh để nghiên cứu xử lý và thống nhất phân phối sử dụng.
II- Đối với những cơ sở mà thiết bị máy móc đã bị phân tán hay thất thoát hoặc không đủ lực lượng để chốt giữ, chưa có kiểm kê chưa lập được hồ sơ xử lý : Các quận, huyện phải tiếp tục huy động lực lượng chốt giữ , tổ chức kiểm kê và phát động quần chúng lao động truy tìm tài sản và nghiên cứu kế hoạch phục hồi sản xuất hoặc đề nghị xử lý theo phương án có lợi nhất (như bổ sung thiết bị, máy móc để đồng bộ dây chuyền sản xuất cho các xí nghiệp quốc doanh ; trang bị các thiết bị thông thường cho các cơ sở kinh tế tập thể ; hoặc tập hợp những thiết bị, máy móc hiện đại, chuyên dùng để xây dựng ngay những cơ sở quan trọng, đầu đàn của thành phố…)
Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền Ủy ban nhân dân Quận, Huyện quyết định theo các phương án nói trên. Trước khi quyết định Ủy ban nhân dân Quận, Huyện cần trao đổi thống nhất ý kiến với Sở Công nghiệp, các sở chức năng có liên quan và sau đó báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố.
Các Quận, Huyện phải có biện pháp nắm lại toàn bộ số nhà cửa và tư liệu sinh hoạt đã bị thất thoát, lập hồ sơ đầy đủ, giao cho cơ quan nhà đất và tài chánh quản lý.
Đối với những người nghi vấn đã mua lại thiết bị, máy móc của những chủ bỏ trốn, trước mắt để cho họ tiếp tục đăng ký sản xuất kinh doanh ; rồi sẽ vận động họ thành lập tổ hợp hoặc hợp tác xã.
III- Đối với các cơ sở đang kiểm tra theo dõi để tiếp tục quản lý :
1/ Rút kinh nghiệm tình hình vừa qua, cần làm tốt công tác phát động quần chúng ở các phường, xã, tăng cường kiểm tra và phát hiện kịp thời các cơ sở sản xuất hoặc nhà cửa chủ bỏ trốn ; đề xuất chính sách ngăn chặn tẩu tán thiết bị máy móc quý ;
2/ Chỉ đạo chặt chẽ công tác kiểm kê, chốt giữ, lập đầy đủ hồ sơ để quận, huyện xử lý (nếu là cơ sở tiểu thủ công nghiệp), hoặc báo cáo về Ban Cải tạo thành phố để xử lý (nếu là cơ sở công nghiệp)
3/ Phát động công nhân ở đơn vị có chủ bỏ trốn và những người có hùn vốn trong cổ đông còn ở lại quản lý tốt tài sản và tiếp tục sản xuất bình thường. Đối với cơ sở là nhà cửa, kho tàng hoặc cửa hàng, cửa hiệu, v.v… tổ chức kiểm kê, lập danh sách báo cáo về Sở Quản lý nhà đất và Sở Tài chính, đồng thời tổ chức niêm phong, bảo vệ chu đáo để chờ lệnh xử lý.
IV- Tổ chức kiểm kê :
1/ Phải tiến hành đầy đủ các thủ tục pháp lý ;
2/ Tổ kiểm kê phải có đầy đủ thành phần : Ủy ban nhân dân, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Nhà đất và Tài chánh cấp quận, huyện, tổ dân phố và đại diện của nàgnh sản phẩm ;
3/ Biểu mẫu kiểm kê phải thực hiện đúng quy định của Ban Cải tạo thành phố, phải xác định sở hữu chủ (trường hợp chưa xác định được có ghi chú rõ ràng và cụ thể).
V- Phân công xử lý :
1/ Đối với nhà đất, phải chấp hành đầy đủ những quy định trong chỉ thị 40/CT-UB ngày 8/8/1978 của Ủy ban nhân dân thành phố. Sở Quản lý nhà đất và Sở Tài chánh có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất việc xử lý nhà đất và tư liệu sinh hoạt trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ;
2/ Đối với cơ sở sản xuất công nghiệp (bao gồm nhà xưởng, kho tàng, nhà riêng) do Ban Cải tạo thành phố cùng các ngành có liên quan (nhất thiết phải có Sở Quản lý nhà đất và Sở Tài chánh) xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Trong khi chờ đợi, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức ngay việc khôi phục sản xuất tại chỗ, nếu có đủ điều kiện ;
3/ Đối với cơ sở thuộc khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp thi hành đúng thông tri số 22/TT-UB ngày 16/8/1978 của Ủy ban nhân dân thành phố.
VI- Phân công trách nhiệm :
1/ Ủy ban nhân dân các phường, xã : Cần dựa vào Hội đồng nhân dân và các đoàn thể, phát động quần chúng kiểm tra, theo dõi phát hiện kịp thời các chủ hộ bỏ trốn, tiến hành niêm phong, bảo vệ cơ sở và báo cáo lên Ủy ban nhân dân quận, huyện để tổ chức kiểm kê chốt giữ.
2/ Ủy ban nhân dân các quận, huyện : Phải tổ chức tốt việc kiểm kê, chốt giữ, sơ bộ xác định ngành nghề của cơ sở và báo cáo ngay cho Sở chủ quản để phân công tạm thời quản lý và kịp thời tổ chức phục hồi sản xuất và ổn định đời sống. Phải nhanh chóng lập đầy đủ hồ sơ xử lý : đối với các cơ sở công nghiệp thì gởi về Ban Cải tạo thành phố để nghiên cứu xử lý và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ; đối với các ơc sở tiểu – thủ công nghiệp thì Ban Cải tạo quận, huyện nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân quận, huyện xử lý và quản lý như quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố (số 612/QĐ-UB ngày 16/11/1977). Đồng thời báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định chính thức để có đủ tư cách pháp nhân hoạt động sản xuất ;
3/ Các cơ sở quản lý sản xuất, Ban Liên hiệp xã thành phố, các Sở Quản lý nhà đất, Tài chánh, Lao động, Lương thực, Thương nghiệp, ủy ban Kế hoạch, Ủy ban Vật giá và Ngân hàng thành phố có nhiệm vụ theo dõi giúp đỡ quận, huyện bảo vệ tài sản, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố. Mặt khác có trách nhiệm xác định vốn cho việc quản lý các cơ sở chủ bỏ trốn (từ chốt giữ đến phục hồi), bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, lao động, tiền lương, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các cơ sở quốc doanh, công tư hợp doanh mới phục hồi sản xuất, tạo đủ điều kiện cho xí nghiệp hoạt động.
VII- Một số điểm cần lưu ý trong tổ chức thực hiện :
1/ Nói chung việc phân công quản lý phải bảo đảm các mục đích yêu cầu nêu trên :
- Đối với những cơ sở mà chủ bỏ trốn là tư sản (hộ A và B) vệ tinh đang gia công cho các xí nghiệp quốc doanh hay công tư hợp doanh, hoặc là thành viên của Liên hiệp các xí nghiệp và các xí nghiệp liên hợp thuộc thành phố quản lý thì giao trả cho Sở chủ quản. Nếu gặp khó khăn chưa phục hồi được sản xuất, phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố biết để chỉ đạo ;
- Đối với những cơ sở sản xuất của tiểu chủ và cá thể chưa cải tạo mà chủ bỏ trốn hoặc tổ hợp hay hợp tác xã sản xuất có một số cổ đông bỏ đi, không thuộc vệ tinh hay gia công cho một ngành nào (thiết bị máy móc thông thường) thì giao cho quận, huyện trực tiếp quản lý, đồng thời báo cho Liên hiệp xã thành phố biết để có sự phối hợp, theo dõi hướng dẫn sản xuất. Sau này khi quy hoạch tổ chức lại sản xuất theo ngành kinh tế kỹ thuật sẽ điều chỉnh ;
2/ Trong việc xử lý cơ sở bỏ trốn không nên giao cho cơ quan quản lý nhà đất xử lý các cơ sở sản xuất dù là nhỏ, vì có khi tuy là những thiết bị nhỏ nhưng quý giá và rất cần thiết.
3/ Các Sở quản lý theo ngành phải cùng với Ủy ban Kế hoạch thành phố nhanh chóng thực hiện chỉ thị 26/CT-UB ngày 24/5/78 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc tiến hành quy hoạch tổ chức lại sản xuất công nghiệp và tiểu – thủ công nghiệp ở thành phố và chọn ngay một quận, tập trung chỉ đạo, từ đó, rút kinh nghiệm phổ biến hướng dẫn các Quận, huyện thực hiện ;
4/ Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh thuộc thành phố và các quận, huyện cũng như bộ phận cải tạo của các Ban, Ngành, Sở có liên quan cần được kiện toàn đủ sức hoàn thành tốt những nhiệm vụ nêu trong chỉ thị này.
Nhận được chỉ thị này Ủy ban nhân dân các quận, huyện các Sở, Ban, Ngành phải tổ chức phổ biến kỹ nội dung đến các cơ sở và cán bộ có liên quan, kiểm điểm rút kinh nghiệm công tác đã qua và đề ra biện pháp cụ thể, chấp hành chỉ thị một cách nghiêm chỉnh.
Chỉ thị này có bổ sung và sửa đổi một số điểm trong những văn bản đã quy định trước đây cho phù hợp với tình hình mới. Quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn mắc mứu các ngành các cấp cần phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân thành phố.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 1Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 1Nghị định 217-CP năm 1979 về chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên và cơ quan Nhà nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Thông tri 22/TT-UB năm 1978 về một số quy định cụ thể đối với người Hoa thuộc khu vực sản xuất tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp bỏ trốn ra nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Chỉ thị 40/CT-UB năm 1978 về tăng cường quản lý, phân phối và sử dụng hợp lý các nhà thuộc diện vắng chủ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 100/CT-UB năm 1979 về việc nắm chắc và xử lý kịp thời các cơ sở chủ bỏ trốn để bảo vệ tài sản, sớm đưa vào sản xuất và ổn định đời sống nhân dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 100/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 17/07/1979
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Đình Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra