BỘ LÂM NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10-LS/CNR | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH NHẬP KHẨU THIẾT BỊ GIA CÔNG CHẾ BIẾN LÂM SẢN
Kính gửi: | - Các Liên hiệp Lâm - Nông - Công nghiệp |
Từ đầu năm 1989 tới nay, sau khi Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 99-HĐBT ngày 24-4-1989 về việc cấm xuất khẩu gỗ tròn và đẩy mạnh phát triển chế biến, nhiều địa phương và đơn vị trong toàn ngành đã chủ động đầu tư, đổi mới thiết bị, tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm và đáng chú ý nhất là nhập ngoại một số thiết bị máy móc chế biến gỗ.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và hạn chế trong việc tìm hiểu thị trường nhất là vào giai đoạn đầu mở cửa tiếp xúc với bên ngoài nên việc một số thiết bị kể trên đã mắc phải những sai sót. Nhiều đơn vị trực tiếp hay qua môi giới trung gian đã nhập phải những thiết bị cũ, được sửa chữa hay tân trang lại không đảm bảo các tính năng kỹ thuật cần thiết, hoặc mua phải những thiết bị máy móc không phù hợp với trình độ và điều kiện sản xuất của ta với giá quá cao, đã gây nên những lãng phí, trong lúc ta còn đang thiếu vốn. Nhìn chung việc mua sắm thiết bị chưa gắn liền với quy hoạch phát triển chế biến của toàn ngành và chưa chú ý thích đáng đến việc đào tạo một đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý để có đủ sức làm chủ kỹ thuật mới.
Để từng bước chấn chỉnh công tác nhập khẩu thiết bị chế biến lâm sản và phát triển các mặt hàng có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Bộ quy định một số điểm dưới đây:
1. Để bảo đảm đầu tư có hiệu quả, tránh tràn lan, kể từ nay chỉ ưu tiên cho những địa phương và đơn vị nằm trong quy hoạch phát triển chế biến của toàn ngành có nguồn nguyên liệu ổn định, có thị trường tiêu thụ, có cơ sở hạ tầng và đội ngũ kỹ thuật tương đối khá được nhập đồng bộ hay thiết bị lẻ để phát triển sản xuất, làm ra mặt hàng có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Những đơn vị nào chưa có đủ các điều kiện trên đây thì sử dụng thiết bị trong nước là chính hoặc làm vệ tinh gia công cho các cơ sở nói trên.
2. Các cơ sở muốn nhập thiết bị phải có Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hay bản giải trình phương án sản xuất, nếu liên doanh với các đơn vị khác phải có hợp đồng sản xuất và phải được cơ quan chủ quản (bộ, tỉnh hay thành phố) phê duyệt.
3. Việc tuyển chọn thiết bị và công nghệ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
3.1. Về kỹ thuật: Phải đảm bảo các tính năng kỹ thuật cần thiết để làm cho sản phẩm đáp ứng về quy cách và chất lượng đã định, có công suất phù hợp với quy mô sản xuất. Phải đảm bảo thời gian khấu hao cần thiết - chú trọng tới tiến độ khoa học - kỹ thuật của từng loại thiết bị và công nghệ phù hợp với trình độ kỹ thuật và điều kiện sản xuất của ta và sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu của từng thị trường.
3.2. Về kinh tế: giá cả thiết bị máy móc cần tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn để tránh tình trạng bị áp giá các thiết bị máy móc phải đảm bảo tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu.
3.3. Việc nhập thiết bị máy móc phải gắn liền với việc đào tạo đội ngũ công nhân và cán bộ quản lý, cũng như phải đảm bảo việc cung cấp phụ tùng vật tư thiết yếu, để đảm bảo sản xuất được liên tục.
4. Để bảo đảm việc nhập thiết bị kịp thời và chính xác, tất cả các đơn vị, địa phương phải có các hồ sơ dưới đây:
4.1. Luận chứng kinh tế - kỹ thuật hoặc bản giải trình phương án sản xuất của đơn vị hay hợp đồng liên doanh với các đơn vị khác được các cấp chủ quản phê duyệt.
4.2. Katalô và đơn chào hàng của phía nước ngoài về loại thiết bị máy móc cần nhập; trong đó ghi rõ hãng sản xuất (hoặc các chi nhánh), các đặc tính kỹ thuật, số lượng và chất lượng từng chủng loại thiết bị máy móc (chính và phụ), vật tư chủ yếu kèm theo.
4.3. Hợp đồng mua bán thiết bị đã được 2 bên thoả thuận trong đó phải thể hiện rõ giá cả (giá FOB hay CIF), các điều kiện và phương thức thanh toán, điều kiện đảm bảo cung cấp vật tư phụ tùng thay thế sau này v.v...
5. Giao cho Vụ Lâm sinh công nghiệp rừng giúp đỡ hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định trên đây.
6. Giao cho Liên hiệp cơ khí thông qua các hợp đồng với cơ sở tiến hành kiểm tra và đánh giá chất lượng thiết bị máy móc khi nhập về, đào tạo công nhân, lắp đặt thiết bị và vận hành thử, nghiên cứu để tiến tới sản xuất một số phụ tùng không đòi hỏi chất lượng cao để thay thế một phần phụ tùng nhập ngoại.
7. Việc nhập khẩu thiết bị máy móc kể trên có thể do đơn vị tự đảm nhận hay thông qua một cơ quan xuất, nhập khẩu máy của Nhà nước, nhưng nhất thiết phải có đủ các hồ sơ như đã quy định trên đây.
Bộ yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành khẩn trương chấn chỉnh công tác trên đây. Trong quá trình thực hiện có vấn đề gì mới nảy sinh cần kịp thời báo cáo về Bộ (gửi Vụ Lâm sinh công nghiệp rừng) để Bộ sớm có hướng giải quyết.
| Phan Thanh Xuân (Đã ký) |
Chỉ thị 10-LS/CNR về việc chấn chỉnh nhập khẩu thiết bị gia công chế biến lâm sản do Bộ Lâm Nghiệp ban hành
- Số hiệu: 10-LS/CNR
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 01/08/1990
- Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp
- Người ký: Phan Thanh Xuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/08/1990
- Ngày hết hiệu lực: 04/01/2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực