Hệ thống pháp luật

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LN/KL

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TRONG KHÂUKHAI THÁC GỖ

Gỗ là vật tư do Nhà nước thống nhất quản lý.

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định thể chế đầy đủ, chặt chẽ về việc quản lý thống nhất việc khai thác, thu mua, giao nộp, phân phối gỗ, về chính sách thu, nộp tiền nuôi rừng, về liên kết, liên doanh trong việc khai thác rừng...

Nhưng đến nay, các địa phương, các ngành, kể cả các tổ chức lâm nghiệp của nhà nước ở địa phương, chưa chấp hành nghiêm chỉnh. Nhiều biểu hiện tiêu cực đã diễn ra như tự ý ra lệnh, tự ý tổ chức khai thác gỗ để sử dụng, tiêu thụ, trao đổi, phân phối ngoài kế hoạch với khối lượng gỗ rất lớn. Từ đó đã dẫn đến tình hình nguy hiểm là Nhà nước không nắm chắc được kế hoạch vật tư gỗ, năng lực cung cấp gỗ cho kế hoạch Nhà nước, cho nhu cầu nhân dân rất căng thẳng, tiền nuôi rừng thất thu lớn, rừng bị phá nghiêm trọng và tình hình gỗ lưu thông tự do trên thị trường diễn ra rất phức tạp.

Để kịp thời ngăn chặn tình hình trên đây, trên cơ sở các văn bản pháp luật Nhà nước hiện hành, Bộ chỉ thị một số vấn đề cấp bách về chấn chỉnh và tăng cường quản lý trong khâu khai thác gỗ như sau:

1. Việc khai thác gỗ ở rừng của Nhà nước do ngành Lâm nghiệp thống nhất quản lý, chỉ những liên hiệp lâm - công nghiệp, lâm trường quốc doanh, hoặc những cơ quan đơn vị, hợp tác xã được ngành Lâm nghiệp giao nhiệm vụ, mới được khai thác gỗ. Mọi nhu cầu khai thác, sử dụng gỗ ngoài chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh Nhà nước phải được Bộ trưởng Bộ lâm nghiệp cho phép và phải được ghi vào kế hoạch khai thác của Sở Lâm nghiệp địa phương.

2. Tất cả các diện tích rừng gỗ khi đưa vào khai thác, phải có thiết kế khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như quy định tại Chỉ thị số 37- VP/TH ngày 29-9-1982 và Chỉ thị số 8-CNR ngày 12-3-1985 của Bộ Lâm nghiệp. Nếu rừng khai thác gỗ không có thiết kế phê duyệt thì dứt khoát không được tiến hành khai thác. Đối với rừng gỗ cần phải mở khai thác do có nhu cầu đột xuất, thì cũng phải có thiết kế sơ bộ và phải được Giám đốc Sở Lâm nghiệp địa phương phê duyệt mới được tiến hành khai thác; các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc Bộ thì phải được Bộ Lâm nghiệp duyệt.

3. Sản phẩm gỗ các loại đã được khai thác từ rừng ở các địa phương, bao gồm gỗ kế hoạch của Trung ương, địa phương, gỗ ngoài kế hoạch, gỗ tận dụng, gỗ gia dụng phải được thống kê tổng hợp thành gỗ kế hoạch trong năm của các Sở Lâm nghiệp, để nắm chắc được năng lực thực tế gỗ đã khai thác của từng địa phương nơi có rừng đã đóng góp vào kế hoạch kinh tế chung của Nhà nước hàng năm.

4. Gỗ khai thác từ rừng Nhà nước, bất kỳ loại sản phẩm gỗ nào, đều phải chấp hành đầy đủ chế độ nộp tiền nuôi rừng theo quy định hiện hành. Các địa phương không được tự ý cho phép miễn giảm tiền nuôi rừng trái với quy định pháp luật. Mọi hành động trốn nộp tiền nuôi rừng phải được kịp thời phát hiện và xử lý thích đáng.

5. Việc vận chuyển gỗ các loại trong khâu lưu thông phân phối phải theo đúng những thủ tục vận chuyển do Bộ Lâm nghiệp quy định.

6. Đối với các địa phương nơi có rừng do thiếu lao động, vật tư tại chỗ phải liên kết với các ngành, các địa phương khác để tổ chức lực lượng khai thác gỗ và lâm sản để thực hiện kế hoạch của địa phương nơi có rừng đó, thì phải được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp cho phép và phải theo đúng các điều cụ thể do Bộ Lâm nghiệp quy định và hướng dẫn.

7. Để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh những điều quy định trên đây, các Sơ Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm nhân dân các địa phương có trách nhiệm phổ biến rộng rãi Chỉ thị này, tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị trong phạm vi địa phương và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Bộ lâm nghiệp. Các Chi cục kiểm lâm nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp lý ở địa phương để có kế hoạch, biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặt vi phạm tại gốc nơi có rừng, trong khâu lưu thông phân phối và xử lý kiên quyết mọi hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực quản lý vật tư gỗ, theo đúng pháp luật hiện hành.

Cục kiểm lâm nhân dân, Vụ Công nghiệp rừng, Ban thanh tra có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị trong phạm vi cả nước và trong từng thời gian (3 tháng một lần) để báo cáo Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.

 

 

Phan Thanh Xuân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10-LN/KL năm 1986 chấn chỉnh và tăng cường quản lý trong khâu khai thác gỗ do Bộ Lâm nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 10-LN/KL
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/04/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Lâm nghiệp
  • Người ký: Phan Thanh Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 27/04/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản