Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 7 năm 2023

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TRẺ EM

Thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện kịp thời các chương trình, chính sách chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, bước đầu giải quyết tốt một số vấn đề về trẻ em hiện nay, như phòng, chống xâm hại trẻ em; giảm thiểu lao động trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Mặc dù vậy, tình trạng trẻ em lang thang, bị xâm hại vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là hành vi xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng hơn (theo số liệu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận thông tin các trường hợp trẻ em bị xâm hại là 35 trường hợp, trong đó trẻ bị xâm hại tình dục là 30 trẻ; trẻ bị bạo lực là 05 trẻ, trong đó 01 trường hợp trẻ bị bạo lực dẫn đến tử vong và 04 trường hợp bạo lực để lại hậu quả nghiêm trọng). Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác trẻ em, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố quan tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cụ thể:

1. Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục, tổ chức các chương trình giáo dục và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề bạo hành xâm hại trẻ, giúp người dân nhận biết và thông tin nhanh các trường hợp bạo hành xâm hại trẻ thông qua đường dây nóng (tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phòng, chống mua bán người (miễn phí) 18008077, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111) đến các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt....

2. Nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục cho trẻ em về kiến thức bảo vệ chính mình trước các hành vi xâm hại, giúp trẻ em nhận biết và báo cáo, phản ánh những hành vi bạo hành xâm hại trẻ một cách kịp thời với cha mẹ, Thầy cô và đường dây nóng khi cần thiết; lồng ghép các hoạt động về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật vào nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực; tăng cường hiệu quả dịch vụ bảo vệ trẻ em: Tư vấn, tham vấn, hỗ trợ tâm ý, kết nối, vận động nguồn lực, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ khác nhằm hỗ trợ, can thiệp kịp thời và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em

3. Đảm bảo công tác phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành chức năng quản lý nhà nước (Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông…) với bệnh viện, trường học và các tổ chức xã hội để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp bạo hành xâm hại trẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả; tăng cường giám sát các trang mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để phát hiện, ngăn chặn từ xa các văn hóa phẩm độc hại ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ, các hành vi bạo hành xâm hại trẻ, lôi kéo trẻ dưới 18 tuổi vào các hoạt động phạm tội.

4. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên trẻ em trên địa bàn và bố trí phân công cán bộ phụ trách bảo đảm ổn định, năng lực, tâm huyết, tránh biến động thường xuyên; thường xuyên mở các lớp tập huấn về chính sách, pháp luật cho cán bộ thực hiện công tác phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật

5. Giao ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, chủ động phối hợp với các ngành và địa phương khẩn trương, kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em bị bạo hành, xâm hại: Chăm sóc y tế, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ bị xâm hại, tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hỗ trợ pháp lý, kết nối dịch vụ, trị liệu tâm lý; đảm bảo thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại và đưa vào mô hình Quản lý trường hợp (đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin) nhằm giúp trẻ và gia đình trẻ vượt qua khó khăn ban đầu, hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi công tác phòng ngừa chống xâm hại, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật tại cơ sở; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em, các cơ quan, tổ chức, cá nhân bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông tin, báo cáo kịp thời cũng như đề xuất các giải pháp, biện pháp xử lý đối với những trường hợp vượt thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Ban Tỉnh ủy;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Website Văn phòng;
- Các Phòng, ban, Trung tâm thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Phước

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2023 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác trẻ em do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Phước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản