Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Phú Yên, ngày 12 tháng 5 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH KẾT NỐI NGÂN HÀNG - DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu;

Thực hiện Văn bản số 2667/NHNN-VP ngày 17/4/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Chương trình là sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, thể hiện sự tập trung trong chỉ đạo, triển khai các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý, tháo gỡ khó khăn, phục hồi, duy trì sản xuất kinh doanh; đồng thời, giúp ngân hàng đưa vốn vào phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao nhất. UBND Tỉnh chỉ thị cho lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Tỉnh phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh:

- Tham mưu UBND Tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt các văn bản liên quan của Trung ương và chỉ sự đạo của lãnh đạo Tỉnh đến các sở, ban, ngành, Hội Doanh nghiệp Tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế, Hội Doanh nghiệp, Liên minh Hợp tác xã và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhận diện những khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ dân; đồng thời, giới thiệu các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh cũng như các dự án trọng điểm mà Tỉnh cần khuyến khích phát triển để các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động tiếp cận, xem xét hỗ trợ.

- Yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tỉnh tiếp cận khách hàng có nhu cầu vay vốn hoặc có khó khăn cần giúp đỡ để có giải pháp xử lý phù hợp như: giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức tín dụng và cho vay mới với lãi suất ưu đãi… nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn chính đáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tổ chức Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp dưới hình thức đối thoại và “Ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” trực tiếp giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân có sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh và các Sở, Ban, ngành liên quan; đồng thời theo dõi đôn đốc các ngân hàng thực hiện đúng cam kết.

- Tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kết quả thực hiện; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để thực hiện Chương trình đạt kết quả.

2. Các sở, ban, ngành, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh, Hội Nông dân Tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ động khảo sát, nhận diện những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thuộc lĩnh vực quản lý để đề nghị có giải pháp giúp đỡ. Cụ thể:

+ Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân có tình hình tài chính lành mạnh, phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả thì chính quyền và ngân hàng tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Đối với khách hàng, doanh nghiệp đang tạm thời gặp khó khăn, bên cạnh việc tháo gỡ của ngân hàng về nguồn vốn, lãi suất, tái cơ cấu vốn vay,… chính quyền địa phương cần tích cực tạo điều kiện doanh nghiệp vượt qua khó khăn (như bảo lãnh vay vốn; hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra; xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị…).

+ Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn hoạt động thuận lợi trong việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng; đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động ngân hàng (như xử lý tài sản đảm bảo, thủ tục xác nhận, công chứng…), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng.

- Xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương gắn với Chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

- Giới thiệu những chương trình, dự án trọng điểm để doanh nghiệp và ngân hàng tham gia đầu tư.

3. Hội Doanh nghiệp Tỉnh:

Tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và ngân hàng trong việc nhận diện và nắm bắt thông tin về khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn, lãi suất,... của doanh nghiệp; phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh tổ chức Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp đạt hiệu quả.

4. Các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh:

- Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, công khai, minh bạch thông tin hoạt động, làm cơ sở để các ngân hàng đánh giá, xem xét quyết định vay.

- Rà soát, cơ cấu lại các khoản đầu tư, kiểm soát được dòng vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, không đầu tư dàn trải, xác định rõ chiến lược, xây dựng các phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả, cân đối được nguồn trả nợ,... tạo niềm tin cho ngân hàng, bạn hàng, công chúng.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Ẩn

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2014 triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 10/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 12/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Ẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản