Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA TRONG HOẠT ĐỘNG GIAO THÔNG VẬN TẢI

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường; ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề đáng báo động, đã, đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta.

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua các hoạt động cụ thể như: gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương; cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển, đồng thời phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc.

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai như sau:

I. Nhiệm vụ chung đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giao thông vận tải

1. Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-Iông khó phân hủy, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn, ...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa, ... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

2. Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.

3. Thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.

II. Nhiệm vụ cụ thể

1. Cục Hàng hải Việt Nam

a) Phổ biến tới các chủ tàu biển, doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển yêu cầu về kiểm soát rác thải nhựa và quy định về thu gom, xử lý chất thải từ tàu thuyền tại Thông tư số 41/2017/TT-BGTVT ngày 14/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển.

b) Xây dựng và thực hiện các chuyên đề về thu gom, xử lý rác thải nhựa gắn với việc tổ chức Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

c) Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về thu gom và xử lý chất thải tử tàu thuyền theo quy định tại Thông tư số 41/2017/TT-BGTVT ngày 14/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển và quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26:2018/BGTVT); tăng cường xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp tàu thuyền vi phạm về xả thải chất thải trên biển theo thẩm quyền.

d) Chỉ đạo Văn phòng IMO Việt Nam theo dõi, cập nhật và kịp thời phổ biến các quy định về quản lý rác thải nhựa và vi nhựa đại dương của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) tới các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, tổ chức triển khai; xúc tiến hợp tác nghiên cứu, đào tạo nâng cao năng lực và chia sẻ thông tin, dữ liệu với IMO và các quốc gia thành viên IMO về quản lý rác thải nhựa và vi nhựa đại dương trong hoạt động hàng hải.

2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nội địa phổ biến tới chủ cảng, bến thủy nội địa và chủ phương tiện thủy nội địa yêu cầu về kiểm soát rác thải nhựa và quy định về thu gom, chuyển giao chất thải từ phương tiện thủy nội địa tại Thông tư liên lịch số 21/2013/TTLT-BGTVT-BTNMT ngày 22/08/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa; tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

3. Cục Đăng kiểm Việt Nam

a) Chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do rác đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa, tàu VR-SB; kết hợp tuyên truyền, phổ biến yêu cầu kiểm soát rác thải nhựa cho đội ngũ thuyền viên trong quá trình kiểm tra phương tiện.

b) Chủ động theo dõi, đề xuất bổ sung quy định kỹ thuật về ngăn ngừa ô nhiễm do rác thải nhựa từ hoạt động của tàu biển, phương tiện thủy nội địa, tàu VR-SB và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

4. Các doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển: cảng, bến thủy nội địa

a) Thực hiện nghiêm quy định về thu gom, chuyển giao, xử lý chất thải từ hoạt động khai thác cảng, bến và từ tàu biển, phương tiện thủy nội địa ra, vào, neo đậu tại cảng, bến.

b) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa tại cảng theo quy định; bố trí thiết bị lưu chứa và điểm tập kết rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi; chủ động thực hiện phân loại rác thải nhựa tại nguồn.

5. Các chủ tàu biển, chủ phương tiện thủy nội địa

a) Bảo đảm trang thiết bị và tổ chức quản lý rác thải phát sinh trong hoạt động của tàu biển phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm biển của tàu (QCVN 26:2018/BGTVT).

b) Bảo đảm trang thiết bị và tổ chức quản lý rác thải phát sinh trong hoạt động của phương tiện thủy nội địa phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa (Sửa đổi lần 2:2016 QCVN 17:2011/BGTVT).

c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thuyền trưởng, thuyền viên tổ chức thực hiện quy định về thu gom, chuyển giao xử lý rác thải phát sinh trong hoạt động của tàu biển, phương tiện thủy nội địa.

d) Chủ động áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng rác thải nhựa trong khai thác vận hành tàu biển, phương tiện thủy nội địa thuộc phạm vi sở hữu hoặc quản lý.

6. Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông vận tải, Trường Cán bộ Quản lý Giao thông vận tải

a) Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và truyền thông về rác thải nhựa và vi nhựa đại dương gắn với việc tổ chức Ngày Môi trường Thế giới, Ngày Đại dương Thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn, ...

b) Lồng ghép đào tạo, bồi dưỡng phổ biến kiến thức về rác thải nhựa nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, xả rác thải nhựa ra môi trường cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Giao thông vận tải.

7. Vụ Khoa học - Công nghệ

Tham mưu hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học nhằm tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành Giao thông vận tải.

8. Vụ Môi trường

a) Tham mưu hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ môi trường về: phổ biến, tuyên truyền; điều tra; thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải; xây dựng mô hình thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa và biện pháp quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng rác thải nhựa trong hoạt động vận tải biển, đường thủy nội địa.

b) Tham mưu tổ chức xây dựng quy định về thu gom, xử lý rác thải nhựa các lĩnh vực chuyên ngành giao thông vận tải phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

c) Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này và báo cáo Bộ trưởng theo yêu cầu.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ;
- Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Báo Giao thông; Tạp chí GTVT;
- Hội Môi trường GTVT Việt Nam;
- Hiệp hội Cảng biển Việt Nam;
- Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam;
- Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam;
- Hội Cảng đường thủy và thềm lục địa Việt Nam;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, MT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-BGTVT năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động giao thông vận tải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/10/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản