Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 10/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA VÀ QUẢN LÝ TIÊU CHUẨN, CHỨC DANH, SỨC KHỎE THUYỀN VIÊN; ĐÀO TẠO, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG CHUYÊN MÔN CHO THUYỀN VIÊN, HOA TIÊU HÀNG HẢI; ĐÀO TẠO, CẤP BẰNG, CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN CHO THUYỀN VIÊN, NGƯỜI LÁI PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA

Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nhưng tình hình tai nạn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là trong hoạt động giao thông hàng hải và đường thủy nội địa. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về an toàn hàng hải, giao thông đường thủy nội địa; công tác quản lý nhà nước chưa được đảm bảo, chưa thực hiện nghiêm việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, nhằm tăng cường kiểm tra và quản lý tiêu chuẩn, chức danh, sức khỏe thuyền viên; đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 03/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:

1. Cục Hàng hải Việt Nam

a) Rà soát, theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, chức danh và định biên, an toàn, sức khỏe thuyền viên, công tác đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên, hoa tiêu hàng hải để kịp thời phát hiện những bất cập, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

b) Ngoài việc kiểm tra thường xuyên, từ ngày 15/5/2014 đến ngày 30/6/2014, tổ chức ngay việc rà soát, kiểm tra chức danh, tiêu chuẩn chức danh thuyền viên và định biên đối với tất cả các tàu biển Việt Nam ra, vào cảng biển, qua đó đánh giá chất lượng thuyền viên, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 10/7/2014.

c) Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải:

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bố trí thuyền viên, hoa tiêu hàng hải; yêu cầu chủ tàu; các tổ chức hoa tiêu thay thế những thuyền viên, hoa tiêu có trình độ chuyên môn yếu kém, không đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ;

- Tăng cường công tác kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên, hoa tiêu hàng hải. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn giả và các tổ chức, cá nhân in ấn, sản xuất giấy chứng nhận khả năng chuyên môn giả;

- Xử phạt nghiêm đối với các trường hợp bố trí thuyền viên, hoa tiêu hàng hải không đúng chức danh hoặc sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn không phù hợp; thuyền viên, hoa tiêu hàng hải không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định.

d) Nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý thuyền viên, hoa tiêu hàng hải; công tác bồi dưỡng, thi và cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, không ngừng nâng cao chất lượng thuyền viên, hoa tiêu hàng hải, đảm bảo khách quan trong thi, kiểm tra và tạo thuận lợi cho các thuyền viên, hoa tiêu hàng hải, doanh nghiệp.

2. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

a) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, báo cáo Bộ Giao thông vận tải kế hoạch triển khai trên toàn quốc trước ngày 01/7/2014.

b) Ngoài việc kiểm tra thường xuyên, từ ngày 15/5/2014 đến ngày 30/6/2014, tổ chức ngay việc rà soát, kiểm tra định biên, tiêu chuẩn chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với tất cả phương tiện thủy nội địa ra, vào cảng, bến thủy nội địa qua đó tổng hợp, phân tích, đánh giá về chất lượng thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/7/2014.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả và các tổ chức, cá nhân in ấn, sản xuất bằng chứng chỉ chuyên môn giả.

d) Rà soát, theo dõi việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn chuyên môn, định biên thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa để kịp thời phát hiện những bất cập, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

đ) Nghiên cứu, đổi mới công tác quản lý thuyền viên; công tác đào tạo, thi và cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, không ngừng nâng cao chất lượng thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, đảm bảo khách quan trong thi, kiểm tra và tạo thuận lợi cho các thuyền viên, người lái, doanh nghiệp.

e) Chỉ đạo các Cảng vụ đường thủy nội địa;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc bố trí thuyền viên, người lái trên phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện thay thế những thuyền viên, người lái có trình độ chuyên môn yếu, không đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ;

- Xử phạt với mức phạt cao nhất đối với các trường hợp bố trí thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa không đúng chức danh hoặc sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp; thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

3. Cục Y tế Giao thông vận tải

a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Y tế trong việc xây dựng, tham mưu ban hành quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam, tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

b) Chỉ đạo các Bệnh viện Giao thông vận tải tổ chức khám, chữa bệnh, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho thuyền viên theo đúng quy định, không ngừng nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho thuyền viên.

4. Các Sở Giao thông vận tải

a) Ngoài việc kiểm tra thường xuyên, từ ngày 15/5/2014 đến ngày 30/6/2014, tổ chức ngay việc rà soát, kiểm tra định biên, tiêu chuẩn chức danh thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa đối với tất cả phương tiện thủy nội địa ra, vào cảng bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó phân tích, đánh giá về chất lượng thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trước ngày 10/7/2014.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền việc bố trí thuyền viên, người lái trên phương tiện thủy nội địa; yêu cầu chủ phương tiện thay thế những thuyền viên, người lái có trình độ chuyên môn yếu, không đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ.

c) Xử phạt với mức phạt cao nhất đối với các trường hợp bố trí thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa không đúng chức danh hoặc sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp; thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, xác minh theo thẩm quyền bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng bằng, chứng chỉ chuyên môn giả và các tổ chức, cá nhân in ấn, sản xuất bằng, chứng chỉ chuyên môn giả.

5. Các chủ tàu, tổ chức hoa tiêu hàng hải

a) Chấp hành định biên trên tàu theo quy định; đảm bảo các thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa có đủ bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, có đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ theo quy định; đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên theo quy định.

b) Có kế hoạch triển khai việc lưu giữ các số liệu liên quan đến bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, giấy xác nhận mà thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, hoa tiêu hàng hải của công ty được cấp để khi cần có thể kiểm tra hoặc cung cấp được ngay những thông tin liên quan.

c) Xây dựng chương trình huấn luyện trên các tàu, phương tiện thuộc quyền quản lý và khai thác, sử dụng; chỉ đạo các tàu, phương tiện thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập cho toàn bộ thuyền viên, hoa tiêu hàng hải, công tác đảm bảo an toàn và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong tình huống khẩn nguy.

6. Các cơ sở đào tạo, huấn luyện

a) Rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy; thực hiện các biện pháp tăng cường, bổ sung đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy để đảm bảo đáp ứng các điều kiện đào tạo, huấn luyện.

b) Tổ chức đào tạo, thi, cấp bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải, người lái phương tiện thủy nội địa đảm bảo công khai minh bạch, tuân thủ các chương trình đào tạo, huấn luyện được Bộ Giao thông vận tải ban hành và các quy định pháp luật hiện hành.

c) Đề xuất với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan các nội dung đổi mới chương trình đào tạo, quy trình đào tạo, thi, cấp bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện.

7. Các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải

Các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện:

a) Rà soát, tổng hợp kết quả việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, chức danh, sức khỏe, đào tạo; cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải; cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa để kịp thời phát hiện những bất cập, đề xuất với Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, cho phù hợp với tình hình thực tế.

b) Đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, thi, cấp bằng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn và bố trí thuyền viên, hoa tiêu hàng hải nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông hàng hải và đường thủy nội địa.

c) Đôn đốc, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng UB ATGT Quốc gia;
- Các Vụ, Thanh tra Bộ, VP Bộ;
- Các Cục: HHVN, ĐTNĐVN; Y tế GTVT;
- Các Sở GTVT;
- Các Hiệp hội: Chủ tàu Việt Nam, Cảng biển Việt Nam, Vận tải thủy Việt Nam;
- Các công ty hoa tiêu hàng hải;
- Các cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên;
- Các doanh nghiệp vận tải biển, thủy nội địa;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu: VT, TCCB (Nđt).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/CT-BGTVT năm 2014 tăng cường kiểm tra và quản lý tiêu chuẩn, chức danh, sức khỏe thuyền viên; đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải; đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 10/CT-BGTVT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/05/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản