Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2010/CT-UBND

Vinh, ngày 18 tháng 6 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên việc khai thác, chế biến khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, sai phạm; nhiều tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản chưa được chú trọng đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị khoáng sản; hoạt động khai thác khoáng sản chưa tuân thủ thiết kế mỏ, quy trình quy phạm về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp còn diễn ra khá phổ biến; một số tổ chức không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiếp tục diễn ra ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản còn yếu kém, bất cập. Việc lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và khoanh định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản còn chậm. Việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản giữa các Sở, ngành chưa cụ thể. Sự phối hợp giữa các Sở, ngành và UBND các cấp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm pháp luật chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; công tác thanh, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, các hành vi vi phạm chưa được xử lý nghiêm túc.

Để khắc phục tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh theo hướng cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, nghiên cứu đề xuất lồng ghép những thủ tục hành chính về lĩnh vực khoáng sản có liên quan với các lĩnh vực khác; bãi bỏ những quy định không phù hợp quy định của pháp luật.

b) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với những địa phương để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trong thời gian dài nhưng không có biện pháp xử lý.

c) Tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khoáng sản phù hợp với định hướng các loại quy hoạch và không vi phạm với khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

d) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước cho cán bộ, nhân dân địa phương có hoạt động khoáng sản.

đ) Rà soát để có các biện pháp yêu cầu các tổ chức đã bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định; tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình chậm trễ, không khắc phục;

e) Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra với mục đích chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo về thời gian và nội dung thanh, kiểm tra làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức; tham mưu UBND tỉnh ban hành trong Quý I/2011.

2. Sở Công Thương:

a) Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg ngày 04/12/2008.

b) Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thẩm định năng lực của các tổ chức xin giấy phép hoạt động khoáng sản, thẩm định thiết kế cơ sở (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng) và thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và vật liệu nổ công nghiệp sử dụng trong hoạt động khai thác khoáng sản;

3. Sở Xây dựng:

a) Thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh và công tác thẩm định thiết kế cơ sở các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thẩm định năng lực của các tổ chức xin giấy phép hoạt động khoáng sản, thẩm định thiết kế cơ sở các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

4. Sở Tài chính:

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thu phí, lệ phí đối với lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng phí và lệ phí thu từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

b) Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua bảng giá thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với giá cả thị trường. Trường hợp thị trường có biến động lớn về giá cả, kịp thời đề nghị UBND tỉnh xem xét, để điều chỉnh bổ sung kịp thời.

5. Cục Thuế:

a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành hướng dẫn thu thuế chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định tại Thông tư số 38/2010/TT-BTC ngày 19/3/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu các loại thuế, phí; xử lý nghiêm các hành vi gian lận đối với việc nộp thuế, phí trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

6. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh:

a) Chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan hoàn thành việc khoanh định về khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đối với lĩnh vực quân sự; báo cáo kết quả, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 8/2010.

b) Hướng dẫn các tổ chức hoạt động khoáng sản thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; rà phá bom mìn theo quy định của pháp luật.

7. Công an tỉnh:

a) Tăng cường công tác phòng chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, sử dụng vật liệu nổ và khai thác khoáng sản trái phép.

b) Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú tạm vắng đối với các đối tượng tại các khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các tổ chức hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, chính sách đối với người lao động.

9. UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn:

a) Thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép, có biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm các khu vực diễn ra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước UBND tỉnh về tình trạng khai thác, chế biến khoáng sản trái phép thuộc địa bàn quản lý diễn ra trong thời gian dài nhưng không có biện pháp để xử lý.

b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghĩa vụ theo quy định của các tổ chức hoạt động khoáng sản; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản, nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đã tổ chức khai thác khoáng sản.

c) Tổ chức thẩm định, kiểm tra giám sát các tổ chức khai thác khoáng sản thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường đối với các trường hợp đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường (theo quy định tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT ngày 31/12/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập, phê duyệt dự án cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khoáng sản).

d) Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

10. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản:

a) Chỉ được tiến hành khai thác, chế biến khoáng sản sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại giấy phép và các quy định khác theo quy định của pháp luật; quá trình hoạt động phải thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường sinh thái nơi hoạt động, tuân thủ theo quy định về sử dụng lao động như ký hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và kê khai, nộp các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định.

b) Tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt. Tích cực áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường khi mỏ hết hạn, mỏ bị thu hồi. Khuyến khích các tổ chức đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giá trị khoáng sản. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm trong khai thác mỏ, đất đai, môi trường, an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp…

c) Báo cáo định kỳ theo quy định và đột xuất về hoạt động khoáng sản khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 24/01/2007 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có hiệu lực kể từ ngày ký. UBND tỉnh yêu cầu các Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chi

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/2010/CT-UBND tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 10/2010/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 18/06/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Nguyễn Đình Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/06/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản