Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2009/CT-UBND

Bắc Kạn, ngày 25 tháng 6 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, UỶ BAN NHÂN DÂN

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004, trong những năm qua, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân còn bộc lộ nhiều hạn chế như: tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm; việc soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn giao toàn bộ cho bộ phận chuyên môn, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tham gia soạn thảo dẫn đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao; nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không được tổ chức lấy ý kiến hoặc tài liệu gửi để xin ý kiến không đầy đủ; việc tổ chức lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo văn bản còn mang tính hình thức, công tác phối hợp với cơ quan Tư pháp trong quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là công tác phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Công tác xây dựng và phối hợp dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

- Phải tuân thủ nghiêm túc quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

- Trong quá trình xây dựng dự thảo văn Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương không giao toàn bộ cho cơ quan, cán bộ chuyên môn mà phải trực tiếp tham gia soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng dự thảo văn bản trước cơ quan ban hành văn bản đó.

- Các Sở, ngành, các cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khi có văn bản trưng cầu ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan được trưng cầu phải tổ chức lấy ý kiến của các bộ phận chuyên môn có liên quan. Đơn vị nào được trưng cầu ý kiến mà thực hiện chậm, chất lượng thấp thì đơn vị chủ trì dự thảo văn bản báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chấn chỉnh kịp thời.

- Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người dân phải đảm bảo nguyên tắc "Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân", thực hiện minh bạch hoá toàn bộ quy trình, nội dung dự thảo văn bản, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, nhân dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản một cách khách quan, minh bạch.

- Đối với văn bản nằm ngoài Chương trình xây dựng Quyết định, Chỉ thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh đơn vị chủ trì dự thảo văn bản phải có tờ trình Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung vào Chương trình theo đúng quy định; kiên quyết đưa ra khỏi Chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật những dự thảo có chất lượng thấp, không khả thi, không đúng quy trình hoặc không bảo đảm tiến độ quy định.

2. Công tác phối hợp thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật:

- Cơ quan chủ trì dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp cùng cấp ngay từ khâu soạn thảo để đảm bảo chất lượng dự thảo văn bản văn bản quy phạm pháp luật; khi gửi hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để thẩm định hoặc tham gia ý kiến phải đầy đủ tài liệu, hồ sơ kèm theo phục vụ cho việc thẩm định, tham gia ý kiến.

- Văn bản thẩm định của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp các huyện, thị xã là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ văn bản quy phạm pháp luật trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

3. Công tác tập huấn nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Giao Giám đốc Sở Tư pháp hàng năm xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ và triển khai kịp thời các văn bản pháp luật có liên quan đến việc xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản thuộc các Sở, ban, ngành, Phòng Tư pháp huyện, công chức Tư pháp xã. ở địa phương. Chủ động liên hệ với Bộ Tư pháp để mời báo cáo viên có chất lượng tập huấn tại địa phương.

4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương. Giám sát và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp ban hành.

5. Giao Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, thường xuyên báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trương Chí Trung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/2009/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm phối hợp trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 10/2009/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 25/06/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Trương Chí Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/07/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản