Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2008/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 03 tháng 7 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NUÔI THỦY SẢN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thời gian qua, phong trào nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra, cá trê vàng lai đã phát triển rất nhanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tuy nhiên việc phát triển còn mang tính tự phát nên thiếu tính bền vững.

Để quản lý và phát triển nuôi thủy sản, các cơ quan chức năng, các quận, huyện đã có nhiều cố gắng trong việc hướng dẫn người nuôi về điều kiện nuôi thủy sản theo Nghị đinh 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng các quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng vùng nuôi theo qui hoạch, hướng dẫn chuyển mục đích sử dụng đất,… nhưng hiện tượng tự phát đào ao nuôi thủy sản không xin chuyển mục đích sử dụng đất, không áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, không xây dựng ao xử lý nước thải và bùn sên vét ao mà trực tiếp thải ra sông rạch, đưa đến nguy cơ nguồn nước tự nhiên có khả năng giảm chất lượng, gây ô nhiễm cục bộ; ảnh hưởng sinh hoạt đời sống của người dân xung quanh, nhất là vùng nuôi cá trê vàng lai và cá tra ao.

Để từng bước chấn chỉnh tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nhằm ngăn chặn nguy cơ gây suy thoái môi trường; phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch, bảo đảm chất, lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất và cộng đồng dân cư chung quanh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Triển khai Quy hoạch phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đến các quận, huyện để phổ biến rộng rãi đến nhân dân biết và thực hiện;

b) Chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản, chỉ đạo xây dựng và phổ biến các mô hình nuôi thủy sản an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), bảo vệ môi trường;

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, vận động các cơ sở nuôi thủy sản tích cực áp dụng các tiêu chuẩn nuôi thủy sản chất lượng, ATVSTP như áp dụng quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt (GAqP), tiêu chuẩn SQF1000;

d) Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ nâng cao năng suất và xử lý môi trường nuôi thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản chất lượng cao thay thế thức ăn nuôi thủy sản nhập khẩu;

e) Chỉ đạo công tác triển khai các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh thủy sản theo Nghị định 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai Luật Thủy sản, Nghị định 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định 154/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2006 về sửa đổi, bổ sung Điều 17 Nghị định 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;

f) Chỉ đạo phát triển hợp tác sản xuất, xây dựng vùng nuôi có hệ thống cấp nước, xử lý nước thải chung để giảm chi phí đầu tư; xây dựng dự án thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản trước mắt cho vùng nuôi cá tra, cá trê vàng lai tập trung;

g) Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thủy sản.

2. Sở Tài Nguyên và Môi trường:

a) Thường xuyên phổ biến đến các hộ nuôi thủy sản Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường, hình thức xử lý, kiểm tra xử phạt theo luật môi trường trong việc xả thải gây ô nhiễm môi trường;

b) Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo về môi trường;

c) Tăng cường công tác quản lý sử dụng đất;

d) Hướng dẫn địa phương và các ngành liên quan thống nhất trình tự, thủ tục cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất trong nuôi thủy sản;

e) Hướng dẫn xây dựng và thẩm định phương án bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản;

f) Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất khi các hộ nuôi thủy sản thực hiện theo đúng quy định và có cam kết bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản;

g) Đối với các hộ mới xin đào ao nuôi thủy sản, thống nhất không cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất nếu đất đào ao nuôi thủy sản không đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP và nằm ngoài vùng quy hoạch phát triển thủy sản.

3. Công an thành phố:

a) Chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường:

- Phối hợp các cơ quan chuyên ngành phổ biến Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản… và các quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Phối hợp cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

b) Xây dựng và trình cấp thẩm quyền ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường giữa Công an thành phố và các Sở chuyên ngành để thuận tiện trong phối hợp công tác.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Có kế họach phân bổ vốn đầu tư và hướng dẫn các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc thành phố xây dựng dự án nuôi thủy sản bảo vệ môi trường, dự án thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản, nhằm giúp phong trào nuôi thủy sản ngày càng đi vào ổn định, bền vững.

5. Sở Khoa học và Công nghệ:

Bố trí kinh phí đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng cho công nghệ nuôi thủy sản thân thiện môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng công nghệ mới, các thành tựu về vi sinh, hoá - sinh học xử lý môi trường; cung cấp thông tin (trong và ngoài nước) về công nghệ xử lý nước thải nuôi thủy sản.

6. Sở Công Thương:

a) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến thủy sản áp dụng tiêu chuẩn SQF 2000, tiêu chuẩn HACCP;

b) Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ sinh học để phát triển ngành công nghiệp chế biến một cách bền vững; thúc đẩy các doanh nghiệp hoàn thiện các qui trình công nghệ chế biến thực phẩm, các chất phụ gia; thức ăn thủy sản... bảo đảm chất lượng ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

7. Ủy ban nhân dân quận, huyện:

a) Căn cứ Quy hoạch phát triển thủy sản thành phố Cần Thơ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; xây dựng các vùng phát triển thủy sản phù hợp điều kiện địa phương; phổ biến quy hoạch phát triển thủy sản đến cán bộ, nhân dân trong địa bàn quản lý;

b) Tiếp tục tăng cường rà soát lại các hộ nuôi thủy sản trong việc thực hiện hướng dẫn về nuôi thủy sản giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

c) Chỉ đạo các ngành liên quan (Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm tra việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường của hộ nuôi thủy sản trên địa bàn;

d) Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất khi các hộ nuôi thủy sản tuân thủ các quy định và cam kết bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản;

e) Thống nhất không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các hộ xin đào ao nuôi thủy sản mà phần đất đào ao nuôi không đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP và nằm ngoài vùng quy hoạch nuôi thủy sản của địa phương.

8. Hiệp hội Thủy sản:

a) Phối hợp các cơ quan chức năng để tuyên truyền vận động thành lập các chi hội, hiệp hội sản xuất tiêu thụ, hợp tác sản xuất, kinh doanh thủy sản, liên kết sản xuất giữa người nuôi, nhà máy chế biến, nhà đầu tư vốn (ngân hàng), nhà khoa học, cơ quan quản lý chuyên ngành, các dịch vụ thủy sản khác như sản xuất thức ăn, thuốc thủy sản;

b) Thông tin định kỳ tình hình phát triển thủy sản đến các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh ngành nghề thủy sản trên địa bàn thành phố.

9. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu:

a) Chủ động thành lập các Liên kết sản xuất tiêu thụ thủy sản theo vận động của Hiệp hội Thủy sản và cơ quan chuyên ngành thủy sản ở địa phương;

b) Đầu tư nâng cấp nhà máy theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế phù hợp thị trường xuất khẩu thủy sản;

c) Sản xuất phải theo quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, phải có hệ thống xử lý nước thải, chất thải đúng quy định.

10. Hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng:

Căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và cam kết bảo vệ môi trường của các hộ nuôi thủy sản, cùng với các điều kiện quy định cho vay vốn của Ngân hàng để hỗ trợ người nuôi vay vốn sản xuất, kinh doanh.

11. Đối với các dịch vụ thủy sản khác:

a) Các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản phải đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh theo Nghị định 59/2005/NĐ-CP của Chính phủ; hàng hóa sản xuất kinh doanh phải đăng ký và công bố chất lượng hàng hóa; tuyệt đối không sản xuất kinh doanh các loại thuốc, hóa chất trong danh mục cấm của Bộ Thủy sản ban hành (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);

b) Các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y thủy sản không được bán nguyên liệu kháng sinh và các chất cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản.

12. Các hộ nuôi thủy sản:

a) Phải chấp hành quy định về sử dụng đất, quy họach, kế hoạch phát triển thủy sản và các quy họach khác của thành phố;

b) Phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường khi xây dựng công trình nuôi thủy sản;

c) Phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cụ thể:

- Đối với ao đã nuôi:

Đến ngày 01 tháng 01 năm 2009, các hộ nuôi thủy sản cam kết thực hiện nuôi thủy sản bảo vệ môi trường như sau:

+ Xây dựng lại hệ thống ao nuôi hoặc kết hợp các hộ lân cận để xây dựng ao xử lý nước thải, ao chứa bùn sên vét theo Hướng dẫn số 126/HD.CCTS ngày 24 tháng 8 năm 2005 của Chi cục Thủy sản;

+ Xây dựng phương án nuôi thủy sản có cam kết không xả nước thải có các chỉ tiêu lý, hóa, sinh vượt tiêu chuẩn cho phép theo Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy sản.

Đến ngày 01 tháng 01 năm 2010, phải áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành, áp dụng quy phạm thực hành nuôi tốt GAqP theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Đối với hộ mới đào ao nuôi thủy sản:

+ Phải tiến hành các thủ tục theo quy định như chuyển mục đích sử dụng đất, thiết kế công trình nuôi đúng quy định trước khi đào ao nuôi thủy sản;

+ Phải áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn ngành số 28 TCN 213: 2004 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), áp dụng thực hành nuôi thủy sản tốt GAqP hoặc nuôi theo quy định do cơ quan chuyên ngành hướng dẫn;

+ Xây dựng hệ thống xử lý nước thải phải đạt chuẩn khi đưa nước thải ra ngoài môi trường;

+ Cần tham gia các liên kết sản xuất giữa hộ nuôi và đơn vị tiêu thụ theo hướng dẫn của Hiệp hội Thủy sản và cơ quan quản lý chuyên ngành.

13. Tổ chức thực hiện:

Các giám đốc sở; thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác nuôi thủy sản phải nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Mọi hành vi vi phạm Chỉ thị này đều bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành;

Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, thường xuyên tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau mười ngày và đăng báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/2008/CT-UBND về tăng cường quản lý nuôi thủy sản bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 10/2008/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/07/2008
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 06/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản