Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK LĂK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2005/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 26 tháng 4 năm 2005

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ỦY BAN NHÂN DÂN

Trong những năm gần đây, với yêu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực hoạt động quản lý Nhà nước, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản ban hành ngày càng được nâng cao, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật của các cấp chính quyền trong tỉnh, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều ngành, địa phương trong tỉnh chưa có sự quan tâm, quán triệt một cách đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của công tác xây dựng và ban hành VBQPPL, dẫn đến tình trạng nhiều văn bản do các cấp của tỉnh ban hành còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, và chưa được phát hiện, xử lý một cách kịp thời... đã phần nào làm hạn chế về hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước ở địa phương.

Ngày 03/12/2004, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sau đây gọi chung là Luật). Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2005, là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành và áp dụng VBQPPL..., nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xây dựng và ban hành VBQPPL ở địa phương.

Để thực hiện tốt các quy định của Luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh quán triệt và nghiêm túc tổ chức thực hiện những nội dung sau:

1. Về tổ chức quán triệt các nội dung của Luật, và tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các quy định của Luật:

- Trên cơ sở tài liệu và nội dung đã được quán triệt tại Hội nghị của tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành ở tỉnh và UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật trong cán bộ, công chức và nhân dân ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm khẩn trương tổ chức biên soạn tài liệu và tham mưu UBND tỉnh mở Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về công tác soạn thảo, thẩm định, ban hành, kiểm tra - xử lý VBQPPL, rà soát và hệ thống hoá VBQPPL trong lãnh đạo các Sở, ban, ngành ở tỉnh; Lãnh đạo Thường trực HĐND và UBND các huyện, thành phố; Các cán bộ làm công tác Pháp chế, cán bộ làm công tác Văn phòng của các Sở, ban, ngành ở tỉnh; Các cán bộ Pháp chế HĐND, cán bộ làm công tác Văn phòng HĐND - UBND và cán bộ Phòng Tư­ pháp của các huyện, thành phố thuộc tỉnh.

Trên cơ sở tài liệu và nội dung được tập huấn tại Hội nghị của tỉnh, các huyện, thành phố tổ chức tập huấn những nội dung tương ứng cho cán bộ làm công tác tham mưu ban hành VBQPPL ở huyện, thành phố mình (gồm cả cán bộ làm công tác Tư pháp, Văn phòng...; lãnh đạo HĐND và UBND các xã, phường, thị trấn).

2. Về đảm bảo các điều kiện, nhân lực, kinh phí để thực hiện Luật:

- Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh Thành lập Phòng Văn bản quy phạm pháp luật thuộc Sở Tư pháp (trên cơ sở tách ra từ Phòng Văn bản - Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Sở Tư pháp hiện nay), để giúp HĐND và UBND tỉnh trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá VBQPPL.

- Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu tổ chức, kiện toàn Phòng Pháp chế, công chức pháp chế chuyên trách ở các cơ quan này theo quy định tại Nghị định của Chính phủ số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BTP-BNV ngày 24/01/2005 giữa Bộ Tư pháp với Bộ Nội vụ, để giúp Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng các VBQPPL và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra và xử lý VBQPPL theo quy định của pháp luật...

- UBND các huyện - thành phố có trách nhiệm củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ, tăng thêm biên chế cán bộ chuyên trách Phòng Tư pháp và chỉ đạo kiện toàn các Ban Tư pháp cấp xã thuộc huyện, thành phố mình theo nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 06/2004CT - UB ngày 19/3/2004 của UBND tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và xử lý VBQPPL ở huyện, thành phố mình.

- Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan khác tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế nhằm đảm bảo kinh phí triển khai thực hiện công tác xây dựng VBQPPL theo quy định của Luật... Trước mắt, trên cơ sở những nội dung hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp số 109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra VBQPPL, Sở Tài chính và Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh để sớm trình HĐND tỉnh thông qua các mức chi cụ thể để thống nhất áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Các nhiệm vụ trên đây phải được thực hiện xong trong quý II năm 2005 và duy trì thực hiện tốt trong những năm tiếp theo.

3. Về thực hiện các quy định của Luật:

- Các Sở, ban, ngành ở tỉnh; Thường trực HĐND và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chỉ đạo và triển khai thực hiện các nội dung quy định của Luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình; đảm bảo việc tham mưu và ban hành văn bản ở cơ quan, đơn vị, địa phương đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản theo quy định của pháp luật.

Các dự thảo văn bản trước khi trình UBND tỉnh, UBND huyện - thành phố ban hành, hoặc để UBND tỉnh, UBND huyện - thành phố trình HĐND cùng cấp thông qua phải được cơ quan Tư pháp cùng cấp (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp) thẩm định và phải có báo cáo thẩm định bằng văn bản của cơ quan Tư pháp gửi kèm theo hồ sơ trình văn bản theo đúng quy định của Luật. Trường hợp dự thảo văn bản chưa được cơ quan Tư pháp thẩm định thì UBND tỉnh, UBND huyện - thành phố chưa xem xét ban hành hoặc chưa trình HĐND để thông qua.

Đối với các văn bản của HĐND và UBND cấp xã, trước khi xem xét ban hành cần tham khảo ý kiến của cơ quan Tư pháp cùng cấp (Ban Tư pháp).

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan từ tỉnh đến cơ sở, nghiêm túc tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra và xử lý VBQPPL ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo các quy định, hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ số 135/2003/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp số 01/2004/TT - BTP, và đã được triển khai tại Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 56/2004/QĐ-UB ngày 13/8/2004 của UBND tỉnh Daklak.

Các VBQPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành phải được gửi đến Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp, cơ quan Pháp chế của Bộ - ngành ở Trung ương có liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của văn bản và Sở Tư pháp; các văn bản do HĐND và UBND huyện - thành phố ban hành phải được gửi đến Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp; các văn bản do HĐND và UBND cấp xã ban hành phải được gửi đến Phòng Tư pháp và Ban Tư pháp, trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký ban hành văn bản, để được theo dõi, kiểm tra đối với văn bản.

- Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan của tỉnh tổ chức triển khai việc phát hành Công báo của tỉnh theo quy định của Luật và quy định tại Nghị định của Chính phủ số 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 về Công báo nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam; đồng thời tổ chức để các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND các huyện - thành phố đấu nối vào mạng tin học diện rộng của tỉnh, để thông qua đó khai thác có hiệu quả dữ liệu Công báo điện tử của Chính phủ được truyền tải trên mạng... nhằm phục vụ cho công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra và xử lý VBQPPL trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở các nội dung cơ bản của Luật và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành có liên quan, Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành Quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định và ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp của tỉnh; và Quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Buôn Ma thuột nghiêm túc triển khai thực hiện. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp (để kiểm tra)
- TT. Tỉnh ủy; (thay b/c)
- TT. HĐND tỉnh; (thay b/c)
- Các Sở, ban, ngành trong tỉnh; (thực hiện)
- HĐND và UBND các huyện, TP; (thực hiện)
- Lưu VP, VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lạng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/2005/CT-UBND thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân do tỉnh Đắk Lắk ban hành

  • Số hiệu: 10/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 26/04/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Nguyễn Văn Lạng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 11/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản