Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10/1999/CT-TTg

Hà Nội , ngày 29 tháng 04 năm 1999 

 

CHỈ THỊ

VỀ GIẢI QUYẾT NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trong hai ngày 18 và 19 tháng 03 năm 1999, tại thành phố Hồ Chí Minh Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc đã cùng lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp trong toàn quốc.

Tham dự hội nghị có 700 nhà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước. Hầu hết các doanh nghiệp đều bày tỏ sự phấn khởi và đánh giá cao hiệu quả các cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp đầu năm 1998. Chỉ trong năm 1998, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới được nhiều quy chế. Các Bộ, ngành và địa phương đã có chuyển biến tích cực trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã cố gắng khắc phục khó khăn, từng bước ổn định và phát triển sản xuất, góp phần giữ được đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Tại cuộc gặp này, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp nghe những kiến nghị của doanh nghiệp và trao đổi những dự kiến mới trong cách xử lý công việc thuộc thẩm quyền, liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nhận thức được những nhiệm vụ nặng nề cùng những khó khăn gặp phải trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong điều kiện quốc tế mới, đòi hỏi bản thân phải vươn lên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Để phát huy kết quả đã thực hiện trong năm 1998, giải quyết một cách nhanh chóng những kiến nghị đúng đắn của doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy nội lực, sản xuất kinh doanh có hiệu quả và từng bước hội nhập khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp thực hiện tốt các việc sau đây:

1. Những việc cần khẩn trương giải quyết:

Trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được phân cấp, khẩn trương xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đã nêu trong hội nghị và theo tinh thần Chỉ thị 16/1998/CT-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung vào:

Việc cấp giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

Các biện pháp bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước;

Chính sách khuyến khích xuất khẩu;

Công tác chống gian lận thương mại, hàng giả;

Thủ tục hải quan;

Thuế xuất, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng;

Cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp;

Chế độ tiền lương;

Các thủ tục vay vốn ngân hàng, thủ tục bảo lãnh;

Chính sách cổ phần hoá;

Các chính sách về đất đai;

Công tác đấu thầu;

Công tác thanh tra, kiểm tra.

2. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp:

Đẩy nhanh tiến độ rà soát văn bản pháp quy hiện hành về nội dung quản lý hành chính nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi thẩm quyền của mình, kịp thời phát hiện và sửa đổi những vấn đề bất hợp lý đang gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Căn cứ chương trình xây dựng văn bản pháp qui của Chính phủ và nhiệm vụ được giao khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền để ban hành: Luật thay thế Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty; Nghị định về giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp quy mô nhỏ; Quy chế bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; Nghị định về quỹ hỗ trợ xuất khẩu; Nghị định về quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; Quy chế về tổ chức và hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai sửa đổi, Luật thương mại, Luật Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng; Quy chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh; Nghị định về đổi mới cơ chế tín dụng đầu tư nhà nước v.v...

Chuẩn bị chương trình sửa đổi Luật doanh nghiệp nhà nước, nghiên cứu xây dựng Quy chế về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, Nghị định về công ty hoá doanh nghiệp nhà nước, Nghị định về đăng ký kinh doanh, Nghị định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v...

3. Cải cách hành chính, cải tiến cách làm việc của Chính phủ với cơ sở:

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng việc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, hàng năm có cuộc gặp mặt rộng rãi theo chủ đề, nhằm động viên các doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu theo các định hướng quan trọng trong từng thời kỳ, tạo ra đội ngũ những nhà doanh nghiệp giỏi, có đóng góp ngày càng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương chủ trì cùng Ban nghiên cứu của Thủ tướng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp theo chuyên đề: Đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, xuất nhập khẩu, cạnh tranh và hội nhập, thuế VAT v.v... Định kỳ họp mặt các doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các ý kiến đề xuất của doanh nghiệp. Lãnh đạo các Bộ, các địa phương tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc với đại diện doanh nghiệp thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, có hướng xử lý kịp thời các kiến nghị đúng đắn của doanh nghiệp.

Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương làm đầu mối, phối hợp với các vụ của Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tiếp nhận, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị thỏa đáng của doanh nghiệp.

Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, trước hết ở một số cơ quan tổng hợp, triển khai thực hiện quy chế công chức và chế độ công vụ, xây dựng quy chế kiểm tra trong công vụ.

Tổ chức triển khai mạnh mẽ công tác tìm kiếm và mở rộng thị trường, với phương châm tất cả mọi ngành, mọi cấp, mọi doanh nghiệp, mọi người, trong đó huy động cả bộ máy sứ quán, thương vụ, các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, người Việt nam sinh sống ở nước ngoài cùng tham gia vào công tác tiếp thị, nhằm vào mục tiêu chung là đưa thị phần của sản phẩm Việt nam chiếm lĩnh phần lớn thị trường nội địa và ngày càng được mở rộng trên thị trường quốc tế. Thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có điều kiện so sánh, cân nhắc về khả năng cũng như xác định được định hướng hoạt động của mình. Có biện pháp thông tin đầy đủ, thường xuyên, kịp thời về các văn bản pháp quy mới ban hành, để các doanh nghiệp luôn nắm được những quy định, những chế độ chính sách mới nhất của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện một số biện pháp kích cầu trong nước để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển như: Công bố danh mục các dự án đầu tư trong nước kèm theo các chính sách khuyến khích cụ thể về thuế, về vốn, về đất đai v.v... Tổ chức phát động phong trào dùng hàng nội, nghiên cứu hình thức phù hợp nhất đối với công tác quảng cáo v.v...

4. Đối với các doanh nghiệp:

Từng doanh nghiệp phải tích cực tổ chức nghiên cứu, soạn thảo chương trình kế hoạch phát triển của mình, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và phù hợp với tiến trình hội nhập của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp phải chủ động, khẩn trương xem xét lại chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm hàng hoá của mình, dự báo diễn biến thị trường, công nghệ v.v... Trên cơ sở đó, xác định chiến lược đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.Tăng cường tính chủ động trong việc tạo vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác giữa các doanh nghiệp để củng cố sức mạnh, hội nhập thành công.

Doanh nghiệp phải thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc luật pháp, chính sách của Nhà nước, làm tròn các nghĩa vụ đối với Nhà nước, quan tâm đến quyền lợi, đời sống của người lao động góp phần cùng Nhà nước, địa phương thực hiện các chưong trình, chính sách xã hội.

5. Đối với các Hiệp hội, Hội ngành nghề:

Đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của các Hiệp hội, Hội ngành nghề cho phù hợp với yêu cầu phát triển mới của các doanh nghiệp. Các Hiệp hội phải thực sự là tổ chức đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp một cách có hiệu quả trong việc tìm kiếm thị trường, cơ hội kinh doanh- đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan thuộc Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức liên quan, giám đốc các doanh nghiệp có trách nhiệm thi hành chỉ thị này./.

 

 

THỦ TƯỚNG

 

 
Phan Văn Khải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 10/1999/CT-TTg về giải quyết những kiến nghị của các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 10/1999/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 29/04/1999
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản