Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM CHẤN CHỈNH QUẢN LÝ CÁC DỊCH VỤ XUẤT NHẬP - KHẨU VÀ LƯU THÔNG HÀNG HOÁ Ở THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC 

Tình hình buôn lậu, nhất là buôn lậu qua biên giới đang có chiều hướng phát triển nghiêm trọng, gây tác động xấu trên nhiều mặt: kinh tế - xã hội - An ninh và quốc phòng. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình đó là các ngành, các cấp đã buông lỏng quản lý, một số địa phương làm trái quy định của Trung ương, một số ngành chức năng và một số địa phương đã cho thực hiện những dịch vụ xuất - nhập khẩu không đúng với quy chế hiện hành nhưng chưa xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Để kịp thời chấn chỉnh quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu, ngăn chặn buôn lậu, bảo hộ sản xuất và mở rộng lưu thông hàng hoá hợp pháp trong nước, thiết lập trật tự kỷ cương trên thị trường, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Trước mắt, Bộ Thương mại cùng các ngành liên quan rà soát, công bố kịp thời danh mục hàng hoá tạm ngừng nhập khẩu đã được nêu ra tại hội nghị Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố trọng điểm ngày 11 tháng 9 năm 1992. Tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân kinh doanh đều phải nghiêm chỉnh chấp hành những quy định có liên quan đến danh mục hàng hoá tạm ngừng nhập khẩu ấy. Bộ Thương mại chủ trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành quản lý sản xuất và lưu thông, thường xuyên nắm chắc diễn biến trong quan hệ cung - cầu, điều chỉnh danh mục mặt hàng tạm ngừng xuất nhập khẩu phù hợp với từng thị trường trong từng thời gian; tổ chức điều hoà lưu thông hàng hoá bảo đảm các cân đối chủ yếu của nền kinh tế, bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời thực hiện các biện pháp kiên quyết chống đầu cơ, buôn lậu, gây rối thị trường và giá cả.

2. Các dịch vụ nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, quá cảnh và chuyển khẩu hàng hoá chỉ được thực hiện khi Chính phủ nước ngoài có yêu cầu nhờ Chính phủ ta về các dịch vụ đó bằng những văn bản cần thiết do Chính phủ hai bên ký kết và được tổ chức thực hiện với các biện pháp quản lý thích hợp. Bộ Thương mại cùng Bộ Ngoại giao soát xét lại và bổ sung các quy chế hiện hành về việc này trong quan hệ với nước ngoài.

3. Đối với ôtô và xe gắn máy hai bánh trong diện nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh đã đưa vào nước ta nhưng bị đình chỉ thực hiện theo điện số 189 ngày 13-8-1992 và ý kiến kết luận trong phiên họp ngày 31 tháng 8 năm 1992 thì Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính cùng Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức việc tiếp tục truy tìm, thu thập và xác minh hồ sơ để xử lý theo hướng sau đây:

- Đối với số xe vắng chủ, từ sau khi có điện số 189 đến nay, chủ xe vẫn không đến công an khai báo và nộp hồ sơ thì coi là xe xuất, nhập khẩu lậu, bị tịch thu.

- Đối với những xe mà chủ hàng, là đơn vị kinh doanh hợp pháp, có giấy phép của Bộ Thương mại thì khẩn trương giải toả, cấp giấy phép nhập khẩu trong hạn ngạch, cho nộp thuế nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Việc cho phép tái xuất số xe này phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ từng trường hợp. Nếu xe thuộc quyền sở hữu chủ nước ngoài thì giải toả sớm, truy thu lệ phí quá cảnh, tạo điều kiện để đơn vị kinh doanh trả lại chủ sở hữu.

- Đối với số xe của đơn vị kinh doanh không hợp pháp, nhưng lại có giấy phép của Bộ Thương mại cho thực hiện các dịch vụ xuất nhập khẩu nói trên, dù hồ sơ hàng hoá là hợp lệ thì tuỳ mức độ sai phạm, đơn vị kinh doanh, cơ quan và người cấp giấy phép đều phải bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Trường hợp giấy phép không do Bộ Thương mại cấp thì số xe của đơn vị kinh doanh không hợp pháp này phải bị xử lý như xe nhập lậu.

- Đối với những xe nhập lậu bằng bất kỳ con đường nào và xe bị coi là nhập lậu đều phải tịch thu; trong đợt này giao cho Cục Dự trữ quốc gia bảo quản; những cơ quan và người có liên hệ đến việc lập hồ sơ giả mạo phải bị truy tố trước pháp luật.

- Đối với số xe cần tiếp tục phân loại, Bộ Nội vụ cùng các Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định địa điểm và tổ chức thu gom, tạm thời bảo quản, bảo đảm nguyên trạng chờ xác minh xử lý.

4. Đối với các hàng hoá khác ngoài ô tô, xe máy đã được nhập khẩu hộ, tạm nhập tái xuất, quá cảnh và chuyển khẩu đưa vào nước ta không đúng với quy định ở điểm 2 Chỉ thị này thì vận dụng hướng xử lý như điểm 3 Chỉ thị này. Trường hợp có tình tiết phức tạp và vượt quá thẩm quyền thì trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ Tài chính chủ trì Hội đồng xử lý gồm các thành viên khác là đại diện các Bộ: Nội vụ, Thương mại, Tổng cục Hải quan và cơ quan chức năng quản lý thị trường xem xét, xử lý các trường hợp nói tại điểm 3 và 4 Chỉ thị này.

Hội đồng định ra nội dung xử lý, hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố bảo đảm hoàn thành việc xử lý các trường hợp nói trên trong tháng 10 năm 1992.

6. Việc trao đổi hàng hoá theo các hình thức khác qua biên giới vẫn theo các quy định hiện hành của Hội đồng Bộ trưởng. các ngành, các địa phương, nhất là các địa phương có biên giới, phải chấn chỉnh tổ chức thực hiện và tăng cường quản lý, kiểm soát thật chặt chẽ. Ngoài những mặt hàng cấm và hàng tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, Bộ Thương mại cần hướng dẫn để các ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu những hàng hoá ta cần xuất và nhập về những hàng hoá ta cần nhập qua biên giới mà hiệu quả cao hơn từ các thị trường khác. Nếu thấy cần thiết, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh có biên giới cùng các cơ quan có chức năng lập trạm kiểm soát liên ngành tại một vài điểm trên trục đường ra vào biên giới và lập một số đội kiểm soát lưu động trên đường xe lửa, đường ô tô và đường biển, nhằm ngăn chặn tệ xuất - nhập lậu.

Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan phối hợp chặt chẽ, chấn chỉnh việc thu thuế theo Luật định và hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc tận thu thuế theo các quy định hiện hành; nghiêm cấm việc tuỳ tiện thu lệ phí ở các ngành và các địa phương, nghiêm trị mọi hành vi phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong các lực lượng kiểm tra, kiểm soát và thu thuế.

7. Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hoá qua những biên giới đã có hiệp định giữa hai Chính phủ, phải kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, nếu không tuân thủ đúng các quy định thì phải xử lý nghiêm khắc.

Riêng đối với ô tô và xe hai bánh gắn máy hiện nay thường "gọi là tạm nhập tái xuất" qua lại biên giới phía Tây Nam và phía Tây chỉ được áp dụng trong giới hạn vì mục đích công vụ và chở người kinh doanh, tạm đưa vào và phải đưa ra khỏi Việt Nam trên cùng một cửa khẩu, cùng một chủ sở hữu nước ngoài, thời gian lưu lại Việt Nam do Hải quan cửa khẩu quy định chặt chẽ.

Các lực lượng kiểm tra phát hiện được những phương tiện này lưu hành tại Việt Nam quá thời hạn quy định, đã đổi chủ sở hữu sang công dân Việt Nam, mang biển đăng ký Việt Nam thì tiến hành các thủ tục cần thiết để tịch thu, nơi cấp trước bạ và đăng ký lưu hành phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật.

8. Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Thương mại chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các biện pháp kiểm tra, truy thu thuế số hàng nhập khẩu trốn lậu thuế; riêng số hàng nhập khẩu trong diện tạm ngừng nhập khẩu đang lưu thông ở thị trường nội địa thì phải đăng ký và chịu sự giám sát của cơ quan thuế cho đến khi bán hết số hàng đó.

Bộ Tài chính áp dụng các biện pháp bắt buộc các hộ kinh doanh lớn, nhất là các hộ kinh doanh hàng ngoại nhập, phải thực hiện chế độ kế toán theo pháp lệnh; kiên quyết thu thuế hoặc truy thu thuế nhập khẩu, thuế doanh thu, thuế lợi tức. v.v.. theo luật định đối với tất cả các hộ kinh doanh. Đồng thời, cần quy định thống nhất thủ tục, chứng từ, hoá đơn hợp pháp kèm theo hàng hoá khi vận chuyển và lưu thông trên thị trường nội địa phù hợp với yêu cầu quản lý từng loại hàng (nhập khẩu, sản xuất trong nước, bán buôn, bán lẻ v.v...).

Các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên thị trường phải kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của các hộ kinh doanh, kể cả việc các cơ quan Nhà nước, các tổ chức sản xuất kinh doanh quốc doanh dùng phương tiện công để chuyên chở hàng lậu, kiên quyết chống buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả và đầu cơ gây rối thị trường. Mọi vi phạm pháp luật trong kinh doanh phải bị xử lý nghiêm khắc.

Các ngành có chức năng kiểm soát thị trường, trước hết là Hải quan, Thuế vụ, Thương mại, Cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường phải cùng với Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chấn chỉnh lại đội ngũ từ trung ương tới địa phương, phải thực hiện đúng chức năng của mình, chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong cuộc đấu tranh chấn chỉnh quản lý, chống buôn lậu.

Những cá nhân cho dù ở cương vị nào, đã làm sai, sau khi xác minh mức độ vi phạm phải bị xử lý nghiêm khắc, buộc thôi việc, cách chức hoặc truy tố trước toà án.

Nhận được Chỉ thị này, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành đối chiếu, kiểm điểm lại công việc thuộc phạm vi mình phụ trách, có kế hoạch triển khai nghiêm túc.

Bộ Tài chính đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện ở các ngành, các cấp, kịp thời phát hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những tổ chức và cá nhân chấp hành không nghiêm Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 1-TTg về một số biện pháp cấp bách nhằm chấn chỉnh quản lý các dịch vụ xuất nhập - khẩu và lưu thông hàng hoá ở thị trường trong nước do Thủ tường Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 06/10/1992
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 21/10/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản